CSVN – Lần đầu tiên có mặt trong đêm Liên hoan dân ca Việt Nam khu vực Tây Nguyên, chúng tôi như lạc vào một thế giới với những âm thanh trầm bổng nhưng sâu lắng. Ấn tượng nhất là nét độc đáo, nhuần nhuyễn trong màn đấu chiêng của người KHo ở Lâm Đồng.
Khi biết chúng tôi muốn tìm hiểu về đấu chiêng, nghệ nhân KBes (53 tuổi) – một trong số rất ít những người nổi tiếng về đấu chiêng đến từ làng Bồ Liêng, thị trấn Đinh Văn hào hứng: “Từ xưa đến nay, với người KHo tiếng chiêng đã gắn bó như máu thịt. Và đấu chiêng cũng vậy, nó như dòng máu chảy trong huyết quản và là một món ăn tinh thần bổ dưỡng, nét văn hóa đặc sắc luôn hiện hữu trong đời sống của dân tộc mình”.
Để chúng tôi hiểu hơn về nguồn gốc của nghệ thuật đấu chiêng, nghệ nhân KBes vừa nhâm nhi một tách trà nóng, vừa chậm rãi: Không phải ngẫu nhiên mà đấu chiêng xuất hiện trong đời sống của đồng bào KHo đâu, nó bắt nguồn từ một câu chuyện và đến nay dân làng vẫn còn truyền tai nhau về câu chuyện ấy.
Đó là ngày xưa, khi ở một ngôi làng của người KHo có 2 ông già đánh chiêng 6 (tên một loại chiêng có 6 chiếc của người KHo) rất giỏi. Trong một lần ngồi uống rượu, khi men đã thấm, ngà ngà say 2 ông mới lấy chuyện đánh chiêng ra bàn, rồi người này cho rằng người kia đánh chiêng sai và người kia lại đổ cho người này đánh không đúng nhịp.
Tranh cãi mãi không xong, nhân tiện có các cô gái đang mời rượu, 2 ông mới thách nhau đấu chiêng, nếu ai đánh rớt nhịp, trùng nhịp thì thua. Người thua bị phạt một bầu rượu to (khoảng hơn 1 lít) còn người thắng thì được dẫn cô gái tới ché để cùng uống rượu. Cuộc thách đấu bắt đầu, 2 người, một người cầm chiếc chiêng Ndol, một người cầm lấy chiêng NDơn (tên của 2 loại chiêng trong bộ chiêng 6) và thi tài.
Cuộc đấu chiêng cứ thế diễn ra quyết liệt, sôi động, gay cấn, hấp dẫn, kéo dài mãi như không có điểm dừng. Để dễ dàng biết được ai là người đánh sai nhịp, dân làng bèn nghĩ và cử một người đánh trống để dẫn nhịp kim “trọng tài”, kèm theo một người đánh chiêng Thê (cũng trong bộ chiêng 6) để làm nền.
Trước tình trạng những người biết đấu chiêng ngày càng hiếm, mình và một vài nghệ nhân khác đã mở lớp truyền dạy đánh chiêng cho các thế hệ trẻ để giữ gìn truyền thống. Nhưng mình chỉ có thể truyền được cho các em cách đánh chiêng, còn đấu chiêng mình không dám nghĩ đến bởi nó quá khó, yêu cầu phải có thời gian để rèn giũa rất nhiều.
nghệ nhân KBes bày tỏ.
“Người vỗ trống không chỉ có vai trò là trọng tài mà còn là chủ công dẫn dắt trận đấu chiêng qua nhịp của trống: nhịp trống dồn dập, tốc độ nhanh thì nhịp chiêng cũng càng đanh mạnh và quyết liệt. Và khi có tiếng trống dẫn dắt, nếu ai đánh sai nhịp là lộ ra liền” – nghệ nhân Ka Ken (57 tuổi), làng Tân Liên, xã Tân Văn, huyện Lâm Hà giải thích.
Cùng với câu chuyện, đấu chiêng được lưu truyền và trở thành nét văn hóa đặc sắc của người KHo. Trong các tiệc rượu mừng lúa mới, đám cưới, mừng nhà Rông… mọi người lại cùng nhau thể hiện tài trí thông qua việc đấu chiêng. “Nhưng không phải ai đấu cũng được đâu, người nào phải thật sự chơi chiêng điêu luyện, phải khỏe mạnh và dẻo dai mới đấu được. Hiện nay chỉ có những người già giữa các làng hay đấu chiêng với nhau thôi” – nghệ nhân Ka Ken cho biết.
Theo lời của các nghệ nhân, khi tham gia cuộc đấu chiêng, ngoài việc am hiểu, đánh chiêng thành thạo, mỗi người đấu còn thể hiện được sự linh động, sáng tạo và sự dẻo dai của chính mình. “Có những trận đấu ngang tài ngang sức, kéo dài hơn 25phút, nếu ai không dai sức, mỏi tay, đánh trật nhịp là cũng thua thôi”- nghệ nhân KBes chia sẻ.
Đấu chiêng là nét độc đáo, là niềm tự hào của nhiều thế hệ người dân tộc KHo thế nhưng vì quá khó nên các nghệ nhân cho biết hiện tại nét đặc trưng này đang có nguy cơ bị mai một. Nếu học đánh chiêng cần có thời gian thì để đấu được chiêng người học phải trải qua khoảng thời gian dài đằng đẵng để “tu luyện” cả sức khỏe lẫn độ nhạy bén trong tiếp âm.
Kim Sơn
Related posts:
- Ứng dụng khoa học kỹ thuật
- Công ty Cao su Đồng Nai - Hành trình xuyên thế kỷ: Những dấu ấn và giá trị trường tồn (1906 - 1986)
- Rừng cao su: nơi sinh tồn của nhiều động thực vật
- Công đoàn Cao su Chư Sê: Tổ chức nhiều hoạt động vui Trung thu
- Trẻ biết chữ trước khi vào lớp 1: nên hay không?
- Hy vọng
- Cây cao su ở Phú Nhuận – Sài Gòn
- Vinh quang thuộc về người thợ
- “Giọng hát vàng” ngành cao su
- Độc đáo lễ hội trái cây "trên bến dưới thuyền"