CSVN – Mùa cao su thay lá, người công nhân nghỉ ngơi cũng là lúc một mô hình sản xuất mới xuất hiện trong những lô cao su trơ trụi lá, mang lại nguồn thu nhập khá lớn, lên đến hàng trăm triệu đồng chỉ trong thời gian khoảng 3 tháng. Đó là nuôi ong lấy mật.
Tại Công ty TNHH MTV Cao su Kon Tum có rất nhiều hộ gia đình đến xin đặt đàn ong trên vườn cao su vừa rụng lá của hầu hết các nông trường lớn. Điển hình tại Nông trường Cao su Ya Chim có trên 10 hộ gia đình xin đặt đàn ong trong lô trải rộng trên diện tích khoảng 1.500 ha. Chủ trại ong Nguyễn Văn Liêm cho hay: “Đối với cao su chúng tôi bắt đầu đặt đàn ong từ tháng 2 và kết thúc khoảng cuối tháng 5”. Trại của ông Liêm có khoảng 300 đàn, bình thường khoảng 10 ngày quay mật một lần, trong điều kiện bình thường thì có thể đạt trên 10 tấn mật.
Còn liên trại của ông Vũ Bá Đội gồm 3 anh em đã đầu tư 420 đàn thì cũng tạo một nguồn thu khá lớn nếu điều kiện thời tiết tốt. Hộ của ông Đội được Công ty ong mật Đăk Lăk cung cấp giống và tiêu thụ luôn nguồn mật. Ông chia sẻ: “Năm nay thời tiết không tốt, nên chúng tôi thu được trên 14 tấn mật, nếu điều kiện tốt thì có thể thu khoảng 20 tấn, giá công ty thu mua khoảng 70 ngàn đồng/lít, hoặc 50 ngàn đồng/kg (1 lít mật bằng khoảng 1,4 – 1,5 kg), vì thế mùa ong năm nay chúng tôi chỉ thu được trên 900 triệu đồng”.
Thoạt nhìn thì công việc nuôi ong có vẻ đơn giản, nhưng thật sự lại khá phức tạp và cũng chứa nhiều rủi ro. Năm 2015, vườn cao su của Công ty Kon Tum ra lá đồng đều, ít bệnh phấn trắng nên lá rụng hạn chế. Mặt khác thời tiết bất thường nên lượng mật từ cây cao su năm nay cho không nhiều. Do đó, người nuôi ong phải tốn khá nhiều tiền để dưỡng ong.
Đặt vấn đề người công nhân nghiên cứu tiến hành nuôi ong nhằm tăng cường thu nhập, cũng như thay thế một hình thức xen canh để tăng hiệu quả sử dụng đất, nhưng thực tế, khó thực hiện được bởi nghề nuôi ong phải di chuyển đàn ong theo mùa trên khắp vùng miền thì mới mong có thu nhập.
Trao đổi với chủ trại Nguyễn Tấn Thành, quê ở Tiền Giang, người có trên 1.200 đàn ong đang đặt tại Nông trường Đăk Hrin của Công ty Kon Tum, ông cho biết: “Chúng tôi phải di chuyển đàn ong liên tục, quanh năm để theo mùa trên khắp cả nước. Đầu năm chúng tôi đặt trên vườn cao su, sau đó ra miền Trung cho ong lấy mật cây keo (tràm), rồi về Nam lấy mật của cây điều, rồi cuối năm ra Bắc cho ong lấy mật cây vải, nhãn…. Nếu không đi như vậy thì tiền dưỡng ong một tháng mỗi đàn cũng cả triệu đồng, khó cung cấp được”.
Ngoài ra phải thường xuyên tập huấn kỹ thuật chăm sóc ong, chọn con giống, tạo môi trường để ong lấy mật mới có thể duy trì được. Lãnh đạo một số nông trường của Công ty Kon Tum cũng chỉ ra rằng nuôi ong cũng là một nghề, phải thường xuyên và quanh năm, hơn nữa cũng cần nguồn vốn tương đối nên cũng là điều kiện khó để người công nhân thực hiện.
Bài, ảnh: Gia Linh
Related posts:
- Cao su Chư Prông tổ chức diễn tập trong khu vực phòng thủ
- Cao su Bình Long: Gần 500 vận động viên tham gia hoạt động thể thao
- Khu công nghiệp đóng góp vào sự phát triển chung của VRG
- Cao su Tây Ninh – Siêm Riệp: Về trước kế hoạch sản lượng 57 ngày
- Đoàn nguyên lãnh đạo tỉnh Champasak, Lào đến thăm Cao su Dầu Tiếng
- Công nhân đồng bào dân tộc và những nẻo đường làm giàu
- Cao su Chư Mom Ray về trước kế hoạch sản lượng 33 ngày
- Cao su Lộc Ninh: Chăm lo tốt đời sống người lao động
- Công ty TNHH MTV Cao su Phú Riềng: 45 năm xây dựng, đổi mới và phát triển bền vững
- Khu vực Tây Nguyên: Xuất sắc hoàn thành kế hoạch sản lượng