Hãy đến thành cổ Quảng trị

CSVN – Thành cổ Quảng Trị là địa chỉ đỏ để giáo dục truyền thống yêu nước, là ngôi mộ chung của những người lính Thành cổ đã ngã xuống vì quê hương, vì sự hòa bình, thống  nhất đất nước.
CBCNV Tạp chí Cao su tìm hiểu lịch sử tại Thành cổ Quảng Trị. Ảnh: Vũ Phong
CBCNV Tạp chí Cao su tìm hiểu lịch sử tại Thành cổ Quảng Trị. Ảnh: Vũ Phong
Chiến trường khốc liệt đầy máu và lửa

Thành cổ Quảng Trị – Thị xã Quảng Trị trong 81 ngày đêm mùa hè đỏ lửa năm 1972, được ví như một túi bom. Trung bình mỗi ngày, địch huy động 150 – 170 lượt máy bay phản lực, 70 – 90 lượt máy bay B52 để ném bom hủy diệt. Thị xã nhỏ bé bên dòng Thạch Hãn hứng chịu 328.000 tấn bom đạn,tương đương với sức công phá của 7 quả bom nguyên tử mà Mỹ đã ném xuống Nhật Bản năm 1945. Thị xã nhỏ bé nép mình đã bị san bằng.

Thành cổ Quảng Trị ngày ấy là một chiến trường khốc liệt đầy máu và lửa. Hàng ngàn chiến sỹ đã anh dũng chiến đấu, vĩnh viễn nằm lại nơi đây. Máu xương các anh hòa vào lòng đất bất tử với thời gian. Tại Bảo tàng Thành cổ Quảng Trị hiện còn lưu giữ, trưng bày di vật của liệt sỹ Lê Văn Huỳnh. Như dự cảm được ngày mình ra đi, anh đã bình thản viết thư vĩnh biệt người thân rằng:“Con của mẹ đã đi xa, để lại cho mẹ nỗi buồn nhất trên đời. Con rất hiểu đời mẹ đã khổ nhiều, nay bao hy vọng nuôi con khôn lớn, song vì đất nước có chiến tranh, thì mẹ ơi hãy lau nước mắt cho đời trẻ lâu, sống đến ngày đón mừng chiến thắng… Thôi nhé mẹ đừng buồn, coi như con đã sống trọn đời cho Tổ quốc mai sau”.

Trong 81 ngày đêm đó, hàng ngàn chiến sĩ đã hy sinh tại đây chưa lấy được hài cốt vì khói lửa bom đạn quá nhiều, xương máu các anh đã hòa quyện vào gạch đá đổ nát. Chính vì vậy mà ngày nay tại trung tâm di tích người ta xây đài tưởng niệm hình thành ngôi mộ chung cho hàng ngàn chiến sĩ đã ngã xuống trong những ngày đêm khốc liệt này.

Bây giờ, dấu tích của sự hủy diệt trong 81 ngày đêm ấy vẫn còn rõ nét ở ngôi trường Bồ Đề nằm trên đường Trần Hưng Đạo. Ngôi trường này do Hội Phật giáo Quảng Trị xây dựng năm 1959. Trong 81 ngày đêm rực lửa, trường Bồ Đề trở thành chốt chiến đấu quan trọng của quân ta, đánh trả hàng trăm đợt phản kích của địch. Hơn 40 năm qua, tỉnh Quảng Trị bảo tồn nguyên trạng ngôi trường chi chít vết bom đạn, nói lên sự tàn khốc của chiến tranh.

Do hàng ngàn chiến sỹ cho đến hôm nay vẫn còn nằm dưới mảnh đất này, vì thế mà các công trình dưới thời nhà Nguyễn sẽ không còn được phục dựng lại nữa. Thành Cổ được xây dựng thành một công viên văn hóa, tưởng niệm và tri ân tôn vinh những người đã vĩnh viễn nằm nơi lại đây.

Thành cổ hồi sinh

Thành cổ hôm nay đã hồi sinh với nhiều công trình kiên cố, nhà cửa khang trang. Trên những hố bom, hố pháo đã xanh lại những vườn cây trĩu nặng quả ngọt. Thành cổ Quảng Trị trở thành Di tích lịch sử quốc gia đặc biệt. Một bảo tàng 2 tầng được xây dựng giữa lòng thành cổ đã lưu giữ những hiện vật một thời bi hùng của quân và dân ta. Một Đài tưởng niệm các anh hùng liệt sỹ được mô hình hoá thành nấm mồ chung, ngày ngày đón dòng người khắp nơi tìm về dâng hương tưởng niệm.

[stextbox id=”stb_style_259398″]Thành cổ Quảng Trị thuộc thị xã Quảng Trị, cách quốc lộ 1A khoảng 2km về phía Đông. Thành cổ Quảng Trị được bộ Văn hóa – Thông tin xếp hạng di tích Quốc gia theo quyết định số 235/VH-QĐ ngày 12/12/1986, là một trong những di tích Quốc gia đặc biệt quan trọng.[/stextbox]

 

Hiện nay, không gian đô thị mở rộng ở 2 bên bờ sông Thạch Hãn. Ngay tại khu vực Bến Vượt, ngày trước bộ đội tập kết lực lượng và vượt sông Thạch Hãn để chiến đấu, bảo vệ thành cổ, bây giờ là cụm công trình Đền tưởng niệm Anh hùng Liệt sỹ- Nhà hành lễ, Bến thả hoa và Quảng trường. Thành cổ Quảng Trị trở thành một địa chỉ tâm linh trong hành trình trở lại chiến trường xưa và là điểm tham quan du lịch thu hút khách quốc tế.

Trong qui hoạch phát triển đô thị, sông Thạch Hãn được xác định là trung tâm, điểm nhấn, không gian xanh đưa sông Thạch Hãn giữa lòng thị xã. Sông Thạch Hãn được xem là dòng sông tâm linh, nghĩa trang xanh của đô thị. Tỉnh Quảng Trị xác định phải xây dựng một đô thị xanh bên dòng sông đỏ.

Vào các ngày lễ lớn hàng năm, đặc biệt vào Ngày Thương binh – Liệt sĩ (27/7), chính quyền địa phương tổ chức lễ thả đèn, thả hoa trên sông Thạch Hãn để tưởng niệm liệt sĩ ở hai bên bờ sông. Ngày nay, Thành cổ Quảng Trị là địa chỉ đỏ để giáo dục truyền thống yêu nước và là điểm đến hấp dẫn  khách tham quan trong nước và bè bạn quốc tế.

Q.T