CSVN – Lễ hội Thống nhất non sông là một Lễ hội cách mạng được hình thành trên nền tảng cơ sở của những giá trị lịch sử, văn hóa của di tích Quốc gia đặc biệt Đôi bờ Hiền Lương – Bến Hải, được tổ chức định kỳ một năm một lần theo quy mô cấp tỉnh và 5 năm một lần theo quy mô cấp Quốc gia vào dịp kỷ niệm ngày đất nước hoàn toàn thống nhất (30/4) hàng năm.
Đây là một lễ hội cách mạng đặc sắc, riêng có ở khu di tích Đôi bờ Hiền Lương – Bến Hải – Quảng Trị; có nội dung phù hợp, hình thức sáng tạo, góp phần làm phong phú thêm hoạt động lễ hội trên toàn quốc, nhất là mô hình tổ chức các lễ hội mới.
Lễ hội Thống nhất non sông được tổ chức tại cụm di tích lịch sử Đôi bờ Hiền Lương – Bến Hải, nơi chứng kiến nỗi đau 20 năm chia cắt đất nước, nơi biểu hiện cao nhất khát vọng thống nhất và đoàn tụ của dân tộc Việt Nam. Cây cầu Hiền Lương dài hơn 200 mét nhưng nhân dân 2 miền Nam – Bắc đã phải thực hiện cuộc trường chinh trong suốt 21 năm gian khổ để đất nước có một Ngày hội Thống nhất non sông. Cây cầu nhỏ bé này đã là chứng nhân cho cuộc đấu tranh lâu dài, khốc liệt và oai hùng của toàn dân tộc ta, thể hiện ý chí, khát vọng và niềm tin vào ngày toàn thắng.
Theo quy mô cấp tỉnh, lễ hội thường được tiến hành trong 1 ngày vào 30/4; theo quy mô cấp Quốc gia thì thời gian kéo dài 2 ngày (29 và 30/4).
Lễ hội gồm 2 phần:
Phần lễ: Phần lễ chủ đạo là Lễ thượng cờ và một chương trình khai mạc ngày hội, với các nghi thức theo một kịch bản không cố định và thường xuyên được thay đổi khá linh hoạt, nhằm chuyển tải những ý nghĩa có tính biểu trưng với những nội dung liên quan đến hoạt động tôn vinh khát vọng thống nhất, độc lập Tổ quốc và toàn vẹn lãnh thổ.
Lễ thượng cờ được tổ chức trang nghiêm tại Kỳ đài Hiền Lương (kỳ đài/cột cờ giới tuyến), diễn ra vào lúc 8h00 sáng ngày 30/4. Sau một hồi còi báo hiệu, cùng với nghi thức cử Quốc ca, lá cờ đỏ sao vàng được từ từ kéo lên trên đỉnh kỳ đài Hiền Lương lịch sử trước sự chứng kiến của hàng ngàn người tham dự.
Lễ thượng cờ ngày 30/4 là một nghi thức thiêng liêng, thể hiện tình yêu Tổ quốc và lòng tự hào dân tộc, tôn vinh những chiến công bất tử, những hy sinh của nhân dân hai miền Nam – Bắc trong cuộc đấu tranh thực hiện khát vọng thống nhất, độc lập, tự do; đồng thời vinh danh biểu tượng lá cờ Tổ quốc một thời kiêu hãnh trên địa đầu giới tuyến.
Sau lễ thượng cờ là bài diễn văn ôn lại truyền thống lịch sử về nỗi đau chia cắt hai miền Nam – Bắc và cuộc đấu tranh vì khát vọng thống nhất đất nước của quân và dân đôi bờ Hiền Lương – Bến Hải nói riêng, dân tộc Việt Nam nói chung và phát biểu của lãnh đạo cao nhất (của tỉnh hoặc TW) tham dự lễ hội. Phần kết thúc là màn hợp xướng “Bài ca thống nhất” được xem như bài hát truyền thống tại lễ hội. 64 chùm bóng bay gắn dải lụa ghi tên 64 tỉnh, thành phố trong cả nước được thả lên từ dưới chân kỳ đài, tạo ra không khí tưng bừng, tươi vui của ngày hội lớn.
Phần hội gồm các hoạt động cắm trại, giao lưu văn hóa, văn nghệ, thể thao của nhân dân trong tỉnh. Trong đó, hoạt động đua thuyền truyền thống hàng năm tại di tích Đôi bờ Hiền Lương – Bến Hải đã thu hút hàng vạn người dân tham gia cổ vũ, tạo nên một không khí rộn ràng của ngày hội. Vào các năm chẵn kỷ niệm 30 năm và 35 năm giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước còn có thêm các chương trình giao lưu, biểu diễn nghệ thuật đặc biệt với sự có mặt của nhiều đoàn nghệ thuật Trung ương và địa phương khắp cả nước.
Lễ hội Thống nhất non sông lần đầu tiên được tổ chức vào năm 2000 và tổ chức liên tục cho đến nay. Với tầm vóc và giá trị lịch sử của di tích cũng như sự hình thành và phát triển bền vững của Lễ hội, được sự cho phép của Chính phủ, từ năm 2010, Lễ hội Thống nhất non sông được nâng lên quy mô Lễ hội Quốc gia.
Nguyễn Văn Thanh
Related posts:
- Cao su Krông Buk - Rattanakiri đạt giải nhất toàn đoàn Hội thao Khu vực Campuchia - Lào
- Phụ nữ quân đội đoàn kết, sáng tạo
- Nông trường Xà Bang (Cao su Bà Rịa): Những hình ảnh tư liệu lịch sử
- Lời tự sự của cây cao su già ở Dầu Giây
- Vững tin vào hiện tại, mạnh mẽ trong tương lai
- Nguồn gốc giống cao su do ông E. Rauol đưa vào Việt Nam
- Tình người trong mưa bão
- Chúc tết năm mèo
- Cây cao su ở Việt Nam dưới góc nhìn lịch sử - sinh thái (1897 - 1975): CHUYỂN DÒNG
- 125 năm cây cao su ở Việt Nam: Nguồn vốn người Pháp trồng cao su