Gặp người thổi hồn vào tượng nhà mồ

CSVN – Trước nguy cơ tượng nhà mồ ở Tây Nguyên ngày càng bị mai một, thì Già làng A Dót (55 tuổi) ngụ ở làng Rắk (xã Ya Xiêr, huyện Sa Thầy, TP. Kon Tum) luôn tìm cách hướng dẫn cho bà con đục đẽo, thổi hồn vào những bức tượng tạo nên những tác phẩm nghệ thuật đặc sắc.
Già làng A Dót bên tượng nhà mồ được làm cách đây 2 năm
Già làng A Dót bên tượng nhà mồ được làm cách đây 2 năm

Theo chân Già làng A Dót, chúng tôi đến thăm khu nghĩa địa của làng Rắk. Tôi như sững sờ khi rước mắt mình hàng trăm nhà mồ được “bê tông hóa” kiên cố, vững chắc với nhiều màu sắc khác nhau. Xung quanh mỗi nhà mồ không còn những hình tượng gỗ đặc trưng mà thay vào đó là hình ảnh các con vật: voi, chó, chim… được xây, đúc bằng cốt thép, xi măng. Phóng tầm nhìn ra xa, khó lắm tôi mới tìm thấy duy nhất một nhà mồ còn hai tượng người được đẽo bằng gỗ nằm sâu trong khu nghĩa địa. Tuy nhiên hai tượng này cũng đang bị mọt, mối ăn dần.

Rít một điếu thuốc rê, nhả ra một làn khói đặc quánh, già A Dót chậm rãi kể, trước đây ở vùng này có cả trăm người biết đẽo tượng nhà mồ, mỗi lần các gia đình làm Lễ bỏ mả thì người ta đẽo hàng chục tượng. Bây giờ những người biết đẽo tượng trong làng đã già hết rồi, mắt mờ tay run không cầm nổi cái rìu để đục đẽo nữa đâu, lớp trẻ cũng không có ai mặn mà với nghề đẽo tượng.

Theo Già làng A Dót, chính vì trong làng hiếm người biết đẽo tượng gỗ hơn nữa đồng bào Gia Rai học theo những tục mới, tổ chức quy hoạch nghĩa trang, xây mộ bê tông giống như người Kinh nên nhà mồ bằng gỗ cũng như hình tượng nhà mồ dần dần bị quên lãng. Đặc biệt, vật liệu để đẽo tượng (các loại gỗ được chọn là cà chít, căm xe, xì lũ…) đã trở nên khan hiếm khiến tượng nhà mồ càng thêm vắng bóng.

Thấy dân làng ngày càng xa rời với tượng nhà mồ già A Dót ăn không ngon, ngủ không yên, lúc nào trong người cũng bồn chồn, lo lắng. Sau nhiều đêm trằn trọc suy nghĩ, già quyết tâm vận động dân làng học đục đẽo tượng nhà mồ.

Nghĩ là làm, trong các cuộc họp làng, Già làng A Dót luôn dành thời gian nói về ý nghĩa của tượng nhà mồ và khuyên dân làng nên duy trì việc chôn tượng nhà mồ trong Lễ bỏ mả. Đặc biệt già luôn động viên, khích lệ dân làng tham gia học đẽo tượng. Trước sự nhiệt tình của Già làng A Dót, 4 thành viên trong làng gồm A Ngắt (40 tuổi), A Vá (45 tuổi), A Nhích (45 tuổi) và A Nhót (42 tuổi) đã đồng ý theo già học đẽo tượng nhà mồ.

Không còn gỗ tốt, già A Dót bày cho học trò chọn những cây gỗ tạp, thưa mắt, dài khoảng 2.5 mét, bán kính khoảng 40 xen-ti-mét để tập đẽo. Đặt cây gỗ trước sân, già làm chậm rãi, tỉ mỉ để mọi người dễ hiểu. Được biết bên cạnh việc tập trung bày cho học trò cách đẽo khuôn mặt cổ truyền theo thị hiếu của dân làng: mặt dẹt, phẳng; mắt, miệng, mũi, tay… đơn giản, già A Dót còn nhiệt tình bày cách đẽo các con vật khó hơn như voi, chim.

Miệng nói tay làm, già làng đẽo qua lớp gỗ bên ngoài để lấy phần lõi gỗ bên trong, sau đó dùng than phác họa sơ khuôn mặt người lên khúc gỗ rồi hướng dẫn các học trò từ từ dùng chiếc rìu đẽo từng bộ phận của khuôn mặt. Vừa quan sát già A Dót vừa giảng chậm rãi – chỉ cần gọt đẽo thô sơ, giản lược chứ không cần cặn kẽ chi tiết nhưng phải diễn tả được sự sinh động, mộc mạc mà chân thực như chính người dân tộc Gia Rai.

Việc đẽo tượng tưởng chừng như đơn giản nhưng lại rất khó khăn, nó đòi hỏi sự tỉ mỉ và hết sức kiên trì. Ban đầu học trò của già chưa quen nên những đường đẽo rất cứng nhắc và các bộ phận trên khuôn mặt cũng không đều. “Làm mãi không được, mình nản chí, định bỏ không học nữa nhưng già A Dót động viên nhiều lắm mình mới tiếp tục học nghề” – ông A Nhót tâm sự.

Mài sắt nên kim, sau khoảng 2 năm kiên trì cùng già học và tập đẽo tượng Nhà mồ, giờ đây 4 học trò của già A Dót đã có thể tự tin đẽo các tượng gỗ bằng rìu một cách thành thục, tinh xảo.

Với sự nhiệt tình của già làng A Dót, một vài gia đình trong làng hứa sẽ làm tượng nhà mồ trong lễ bỏ mả sắp tới. Đó là niềm vui cũng là động lực để già làng A Dót và các  học trò tiếp tục truyền lửa, truyền hồn vào các khúc gỗ.

Kim Sơn