Nhà mới vùng biên của công nhân 715

CSVN – Công ty 715 (Binh đoàn 15) vừa đầu tư gần 2 tỷ đồng để xây dựng 20 căn nhà cho công nhân, người lao động đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS), giúp bà con ổn định cuộc sống, gắn bó với đơn vị, chung sức xây dựng vùng biên giới tỉnh Gia Lai phát triển về kinh tế, mạnh về quốc phòng an ninh.
Những ngôi nhà mới của công nhân Công ty  715
Những ngôi nhà mới của công nhân Công ty 715
Xuất hiện nhiều “tỷ phú vùng biên”

Cũng như những làng quê trên đất Tây Nguyên, vùng biên giới Ia Grai, tỉnh Gia Lai đón những ngày “nóng lạnh” thất thường của mùa khô. Gặp chúng tôi từ đầu làng, ông Ksor Guân, già làng Kúc thông báo trong niềm vui: “Các chú vào Đội 9, đường không còn xa nữa đâu, vượt qua dốc Ba Tầng (xã Ia O) chừng 1km, cứ đi thẳng là đến. Đường sá bây giờ rộng mở, lại được Công ty 715 đổ đất cấp phối, nhiều đoạn đã bê tông hóa. Người dân vùng biên giới này nhờ có các chú bộ đội 715 tiếp sức nên đã biết trồng, chăm sóc, thu hoạch cây mì (sắn), cà phê, hồ tiêu và cao su tiểu điền nên đời sống ngày càng khá giả.”

Già làng Kúc phấn khởi cho biết thêm, “Nhiều hộ giàu lên trở thành những “tỷ phú” vùng biên, như gia đình Rơ Ma el, Ksor Âu, Rơ Lan Ghin và Ksor Tét… một năm thu nhập từ 500 đến 700 triệu đồng. Bà con mình bây giờ nhà nào cũng có ti vi, xe máy để đi làm, hơn 30% số hộ có xe công nông đa năng (sử dụng nhiều công việc như vận chuyển hàng hóa, bơm nước tưới cây, kéo mô tơ phát điện…)”.

Trao đổi với chúng tôi, Đại úy Lê Ngọc Tung, Đội trưởng Đội 9 cho biết: “Diện tích cao su đội đang quản lý là 277ha, nằm dọc theo vùng biên giới của xã Ia O, huyện Ia Grai. Nét đặc biệt của đội là 100% công nhân, người lao động đều là con em đồng bào DTTS, 72 lao động là người Giơ Rai tại chỗ, còn 98 lao động khác là người Nùng, Thái, Mường, Dao… Anh em sống với nhau rất thân tình, đoàn kết, nên mọi người hay gọi bọn em là “ngôi nhà chung các dân tộc”.

Để tạo điều kiện ăn ở, sinh hoạt và đặc biệt là chuyện các cháu nhỏ đi học, Công ty 715 vừa đầu tư xây dựng, bàn giao 20 căn nhà và một phòng học mẫu giáo. Đây là một việc làm thiết thực hướng về cuộc sống người lao động, được bà con đón nhận trong niềm vui và cũng được cấp ủy, chính quyền địa phương đánh giá rất cao.

Trao “chiếc cần câu” – 400 ha cao su cho bà con

Không giấu được niềm vui cùng chúng tôi đến thăm khu gia đình của công ty nơi biên giới, Thiếu tá Nguyễn Thanh Ngọc – Chủ nhiệm chính trị Công ty bộc bạch: “Thời gian gần đây vượt qua nhiều khó khăn về quỹ đất, về vốn đầu tư, Công ty 715 đã trồng và kinh doanh có hiệu quả 3.200 ha cao su, 300 ha cà phê. Thu hút trên 1.750 công nhân, người lao động. Trong đó có trên 400 lao động là thanh niên con em đồng bào các dân tộc thiểu số tại chỗ, với thu nhập trung bình từ 6 đến 9 triệu đồng/ người/ tháng. Đặc biệt Công ty 715 đã bàn giao gần 400 ha cao su đang mùa khai thác cho bà con địa phương. Đây được coi là “chiếc cần câu” giúp bà con sản xuất ổn định cuộc sống.

[stextbox id=”stb_style_259398″]Chỉ 5 năm trước đây, nghe đến dốc Ba Tầng thì mọi người đã không muốn vào. Dốc cao, đường đi khó khăn, núi non hiểm trở, ở đây khi ốm đau, bệnh tật không biết đến đâu mà khám, điều trị… Nhưng nay đi qua dốc Ba Tầng cứ như trong phố, hai bên đường một màu xanh bạt ngàn của cao su, cà phê, những ngôi nhà mới xây to, đẹp.[/stextbox]

Đến nay tất cả các làng, bản đến các khu kinh tế trên vùng biên giới đều đã có điện và đường giao thông thông suốt, tiền đề quan trọng để cho bà con giao lưu hàng hóa, phát triển kinh tế”.

Gặp chúng tôi sau chuyến đi kiểm tra vườn cây trở về, thượng tá Lê Đình Hùng – Giám đốc Công ty 715 cho biết: “Đến nay cái chúng tôi làm được là đã nâng cao chất lượng sản phẩm và đời sống người lao động. Mặc dù khó khăn, nhưng chúng tôi quyết tâm không cắt giảm công nhân, không giảm lương và các chế độ, chính sách của người lao động. Thực hiện tốt khâu quản lý, giảm chi phí, hạ giá thành sản phẩm, tiết kiệm trong chi tiêu sản xuất… tất cả hướng về cuộc sống người lao động, hướng về một năm mới với những hy vọng mới từ màu xanh của cao su, cà phê…”

Bài, ảnh: Lê Quang Hồi