CSVN – Bên cạnh kiến nghị đa dạng hóa cây trồng trên quỹ đất phát triển cao su và việc thực hiện tái cơ cấu doanh nghiệp, VRG còn gửi 6 kiến nghị khác đến các Bộ ngành, Chính phủ thuộc về cơ chế chính sách cần được tháo gỡ để tạo điều kiện cho VRG phát triển bền vững.
Quy mô VRG đến 2015: 420.000 ha cao su
Theo kế hoạch giai đoạn 2011 – 2015 của VRG được Chính phủ phê duyệt, tổng diện tích VRG đến năm 2015 là 500.000 ha, trong đó nước ngoài từ 180.000 đến 200.000 ha cao su, trong nước từ 300.000 đến 320.000 ha cao su. Tuy nhiên diện tích ở nước ngoài không đạt như kỳ vọng, do việc thay đổi chính sách về đất đai của nước bạn Lào và Campuchia, việc tiếp cận quỹ đất tại Myanmar còn nhiều khó khăn.
Vì vậy dự kiến diện tích đến 2015 ở nước ngoài của VRG chỉ tương đương khoảng 130.000 ha. Hơn thế nữa, với trong nước, chương trình chuyển đổi rừng nghèo kiệt sang trồng cao su của Chính phủ hiện tạm dừng…Do vậy kiến nghị điều chỉnh quy mô diện tích cao su của VRG xuống còn khoảng 420.000 ha.
Hoàn thành sớm các thủ tục để từng bước IPO các dự án cao su ở nước ngoài
Việc triển khai các dự án trồng cao su ở nước ngoài của VRG được bắt đầu từ năm 2005. Đến nay các dự án bắt đầu có kết quả, từ năm 2016 trở đi sẽ tăng nhanh doanh thu, lợi nhuận. VRG kiến nghị được từng bước phát hành lần đầu cổ phiếu ra công chúng (IPO) để thu hồi vốn nhanh các dự án này. Để thực hiện IPO yêu cầu phải hoàn chỉnh các thủ tục pháp lý ở Việt Nam cũng như ở nước ngoài.
Hiện nay ở trong nước thủ tục cấp giấy chứng nhận đầu tư cũng như điều chỉnh giấy chứng nhận đầu tư mất nhiều thời gian, gây khó khăn cho VRG thực hiện các cam kết về tiến độ với Chính phủ nước sở tại. Vì vậy VRG đề nghị Chính phủ có chỉ đạo, đôn đốc các Bộ ngành hữu quan xem xét, tiếp tục hỗ trợ để VRG hoàn thành sớm các thủ tục trong nước theo quy định.
Kiến nghị được vay ưu đãi tín dụng cho các dự án cao su miền núi phía Bắc
VRG đã thực hiện chủ trương phát triển cao su ở các tỉnh miền núi phía Bắc của Đảng và Nhà nước, đặt trọng tâm vào 2 mục tiêu chính là mở rộng quy mô diện tích cao su của Tập đoàn và hỗ trợ các tỉnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tạo việc làm, góp phần vào chính sách xóa đói giảm nghèo tại địa phương nơi có cao su đứng chân.
Đến nay chương trình đã đạt được một số kết quả nhất định. Tuy nhiên sự phối kết hợp triển khai chương trình quốc gia này còn nhiều bất cập, phần lớn dựa vào nguồn lực của VRG, chưa có sự hỗ trợ nhất định của Nhà nước. Trong thời gian tới, VRG kiến nghị với Chính phủ tạo điều kiện để các dự án này được phép vay ưu đãi từ nguồn tín dụng Nhà nước và Nhà nước chấp thuận lồng ghép việc thực hiện dự án với các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng, an sinh xã hội, xây dựng nông thôn mới ở địa phương để giảm vốn đầu tư dự án.
Chấp thuận VRG tăng vốn điều lệ
Theo Quyết định số 514/QĐ –TTg ngày 2/5/2015 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt kế hoạch sản xuất kinh doanh 5 năm 2011 – 2015 của VRG, hàng năm, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chỉ tiêu đầu tư phát triển là 15.000 tỷ đồng nguồn vốn, thực hiện chủ yếu từ nguồn vốn hiện có của VRG và vốn vay.
VRG đã xây dựng phương án tăng vốn điều lệ và đã được Bộ NN&PTNT xem xét, trình Thủ tướng chấp thuận. VRG đề nghị Bộ NN&PTNT đôn đốc để Bộ Tài chính sớm thẩm định trình Thủ tướng xem xét, chấp thuận để VRG có nguồn vốn hợp pháp thực hiện kế hoạch đầu tư phát triển theo kế hoạch được duyệt.
Theo cơ chế đặc thù được Thủ tướng phê duyệt và Nghị định Điều lệ VRG được Chính phủ ban hành, các dự án phát triển cao su được áp dụng cơ chế sử dụng 70% vốn chủ sở hữu để đầu tư. Hiện nay theo dự thảo thông tư hướng dẫn Nghị định 108 về sắp xếp đổi mới nông lâm trường, có dự kiến các công ty lâm nghiệp chỉ được sử dụng 50% vốn chủ sở hữu để đầu tư dự án, việc cơ cấu nguồn vốn phải được cân đối khi duyệt dự án, việc thay đổi đột ngột sẽ không có nguồn để hoàn thành dự án, làm ảnh hưởng hiệu quả đầu tư. Do vậy kiến nghị VRG được tiếp tục thực hiện theo cơ chế nguồn vốn đã được phê duyệt trong Điều lệ Tập đoàn.
Các dự án cao su chưa được hưởng các chính sách ưu đãi
Theo Nghị định số 210/2013/NĐ-CP ngày 19/12/2013 của Chính phủ về việc ban hành danh mục lĩnh vực đặc biệt ưu đãi đầu tư trong nông nghiệp và nông thôn và Thông tư số 05/2014/TT-BKHĐT của Bộ Kế hoạch Đầu tư về hướng dẫn thực hiện Nghị định 210/NĐ-CP thì dự án cây cao su không được xếp vào ngành nghề nông nghiệp đặc biệt ưu đãi đầu tư.
Do quy định chưa rõ nên các dự án của VRG khi đăng ký để hưởng ưu đãi đầu tư đều bị địa phương từ chối. VRG kiến nghị Bộ NN&PTNT có ý kiến để Bộ Kế hoạch và Đầu tư có hướng dẫn để các dự án cao su được hưởng ưu đãi theo quy định.
Một kiến nghị khác là từ trước đến nay khi tái canh, các dự án cao su được miễn tiền thuê đất trong thời gian kiến thiết cơ bản. Tuy nhiên hiện nay Chính phủ ban hành Nghị định số 46/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 quy định về thu tiền thuê đất, thuê mặt nước và Bộ Tài chính có thông tư số 77/2014/TT-BTC ngày 16/6/2014 hướng dẫn một số điều của Nghị định 46 thì từ ngày 1/7/2014, việc trồng tái canh cao su không thuộc diện miễn, giảm tiền thuê đất.
[stextbox id=”stb_style_259398″ caption=”Đa dạng hóa cây trồng trên quỹ đất phát triển cao su”]Một số khu vực đất đai có độ cao, tầng dày, thổ nhưỡng… có giới hạn nhất định với cây cao su, cây cao su khó đạt được năng suất và hiệu quả tốt, VRG kiến nghị Bộ NN&PTNT, các địa phương chấp thuận để các công ty thực hiện đa dạng hóa cây trồng, theo hình thức trồng xen những loại cây trồng khác để nâng cao hiệu quả sử dụng đất.[/stextbox]Đây là một khó khăn rất lớn cho các công ty cao su. Cụ thể trong thời gian vườn cây chưa đưa vào khai thác, chưa có sản phẩm nên không phát sinh doanh thu, lợi nhuận, không có nguồn để nộp tiền thuê đất. Để nộp tiền thuê đất công ty phải vay vốn thực hiện, là gánh nặng về tài chính cho công ty. Khoản tiền nộp tiền thuê đất sẽ hạch toán vào chi phí đầu tư của vườn cây cao su, sẽ tính khấu hao vào giá thành sản phẩm, làm tăng giá thành (khoảng 1 triệu đồng/tấn ở khu vực Đông Nam bộ), sẽ làm giảm tính cạnh tranh của cao su Việt Nam so với các nước khác.
Ngoài ra hiện nay một số tỉnh Đông Nam bộ áp giá tiền thuê đất đối với cây cao su rất cao, có công ty lên đến 5 triệu đồng/tấn, gần bằng 20% giá bán cao su. Hiện nay VRG đang tập hợp các thông tin để trình Chính phủ xem xét miễn, giảm tiền thuê đất để đảm bảo tính cạnh tranh của sản phẩm.
Cho phép giãn tiến độ thoái vốn sau 2015
Năm 2015, VRG dự kiến cổ phần hóa 5 công ty cao su. Hiện VRG đang chờ thông tư liên tịch “Hướng dẫn phương pháp xác định giá trị rừng trồng, vườn cây để sắp xếp, đổi mới và phát triển nâng cao hoạt động của các công ty nông, lâm nghiệp”, đề nghị Bộ NN&PTNT sớm ban hành để VRG có cơ sở triển khai.
Giá mủ cao su xuống thấp trong năm 2015 và dự báo khó thay đổi đột biến đến 2020, do vậy kết quả SXKD của các công ty cổ phần hóa sẽ không hấp dẫn nhà đầu tư. Trong trường hợp bán quá bất lợi, VRG sẽ trình Chính phủ và Bộ xem xét quyết định.
Về thoái vốn ngoài ngành nghề chính, trong danh mục có những công ty mới hoàn thành việc xây dựng cơ bản, kết quả kinh doanh vài năm đầu chưa tốt, do vậy khó thoái vốn có hiệu quả trong giai đoạn này. VRG kiến nghị Bộ cho phép giãn tiến độ thoái vốn sau 2015 để hiệu quả cao hơn.
N.K
Related posts:
- Cao su Lai Châu tổ chức khám sức khỏe định kỳ cho người lao động
- Cao su Mang Yang: Phấn đấu khai thác vượt trên 10% kế hoạch
- Chuỗi hoạt động Kỷ niệm 89 năm Ngày báo chí cách mạng VN (21/6/1925 – 21/6/2014)
- Đảng bộ Cao su Ea H’leo phấn đấu kết nạp từ 30-40 đảng viên
- 8 công ty cao su đã tạo diện mạo mới cho tỉnh Kampong Thom
- Cao su Chư Sê: Thưởng "nóng" 2 nông trường về đích sớm
- Tỉnh Lai Châu tiếp tục đồng hành với VRG
- Cao su Bình Long ký kết chương trình phối hợp với huyện Hớn Quản
- Khánh thành khu nghiên cứu thí nghiệm cao su tầm cỡ khu vực
- Thu nhập người lao động Cao su Kon Tum trên 9 triệu đồng/người/tháng