Thấy gì sau 3 năm phát triển cao su tiểu điền ở Kon Tum?

CSVN – Thời gian qua trên địa bàn tỉnh Kon Tum mặc dù việc phá bỏ cao su tiểu điền có chất lượng chưa xảy ra mà chủ yếu là một số ít vườn cây già cỗi, bị bệnh hoặc năng suất thấp, nhưng việc một số hộ không còn mặn mà hay có tâm lý bỏ bê, không chăm sóc vườn cây theo đúng yêu cầu kỹ thuật là có. Đây là suy nghĩ chưa thấu đáo, cần được ngăn chặn.
Người dân xã Đăk Môn, huyện Đăk Glei chăm sóc cây cao su từ Đề án chính sách hỗ trợ hộ nghèo, hộ cận nghèo DTTS phát triển cao su tiểu điền để giảm nghèo bền vững
Người dân xã Đăk Môn, huyện Đăk Glei chăm sóc cây cao su từ Đề án chính sách hỗ
trợ hộ nghèo, hộ cận nghèo DTTS phát triển cao su tiểu điền để giảm nghèo bền vững

So với những năm gần đây, năm 2014 vừa qua là năm giá cao su xuống thấp nhất. Chính vì vậy, một số vườn cao su nhiều tuổi, năng suất thấp, người dân khai thác chuyển sang cây trồng khác; nhiều vườn cây đến tuổi khai thác, nhưng nhiều người vẫn chưa mặn mà với việc cạo mủ vì sợ thu không đủ bù chi; nhiều người lại có tâm lý muốn bỏ bê vườn cây cao su.

Theo đánh giá của UBND tỉnh Kon Tum nếu vườn cây cao su già cỗi, bị bệnh năng suất thấp thì việc phá bỏ vườn cây có thể chấp nhận, nhưng nếu vườn cây đang phát triển tốt, còn cho mủ nhiều mà phá bỏ thì đây là kiểu ăn xổi ở thì. Làm nông nghiệp, giá cả lên xuống là chuyện thường. Còn nhớ trước đây cây cà phê hạ giá, nhiều người bán rẻ hay chặt phá cà phê để chuyển sang cây trồng khác, khi giá lên thì lại ân hận, nuối tiếc. Hiện tượng bỏ bê, không chăm sóc vườn cây theo đúng yêu cầu kỹ thuật là suy nghĩ chưa thấu đáo, cần sớm được ngăn chặn.

Qua Hội nghị sơ kết 3 năm thực hiện Đề án chính sách hỗ trợ phát triển cao su tiểu điền, các đại biểu tham dự cho biết có một số ít hộ không còn mặn mà với cây cao su như những năm trước. Câu hỏi được đặt ra là nên tiếp tục đầu tư cho dân hay tạm dừng việc thực hiện Đề án! Bằng thực tiễn và sự phân tích thấu đáo, nhiều ý kiến cho rằng nên tiếp tục đầu tư cho dân trồng cao su. Bởi, mặc dù giá cao su xuống thấp, nhưng người dân trồng cao su vẫn có thu nhập khoảng 500 nghìn đồng/ha/lần cạo.

[stextbox id=”stb_style_259398″ caption=”Hơn 253 tỷ đồng phát triển cao su tiểu điền”]

Thực hiện chính sách hỗ trợ phát triển cao su tiểu điền trên địa bàn tỉnh Kon Tum, nhằm hướng tới mục tiêu đến năm 2016 hỗ trợ cho 6.314 hộ nghèo, hộ cận nghèo đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh trồng mới 5.841,5 ha nhằm giúp các hộ thoát nghèo bền vững. Tổng kinh phí thực hiện Đề án là hơn 253 tỷ đồng; trong đó ngân sách tỉnh hỗ trợ 61 tỷ đồng, ngân sách huyện và nguồn vốn lồng ghép các chương trình-dự án khác đầu tư trên địa bàn 50 tỷ đồng, dân đóng góp hơn 141 tỷ đồng.

Theo Sở NN&PTNT, qua 3 năm thực hiện Đềán, đã tổ chức được 207 lớp tập huấn kỹ thuật trồng mới và chăm sóc cây cao su cho 4.537 lượt người nhằm tập huấn cho các hộ được hướng dẫn chi tiết kỹ thuật kết hợp thực hành ngoài thực địa kỹ thuật trồng và chăm sóc cây cao su giai đoạn trồng mới, kiến thiết cơ bản cũng như kỹ thuật chọn giống đảm bảo tiêu chuẩn kỹ thuật, tỉnh đã hỗ trợ 1.167.516 cây giống cho 2.334 hộ trồng mới được 2.171,6 ha cao su.

K.S

[/stextbox]

 

Nếu so với ngày công lao động hoặc nhiều cây trồng khác ở nông thôn thì cây cao su vẫn cho giá trị kinh tế cao. Các đại biểu vẫn đánh giá cao chính sách hỗ trợ phát triển cao su tiểu điền và cho đây là chính sách được lòng dân, hiệu quả nhất. Việc giá cao su xuống thấp, nếu có thua lỗ hoặc huề vốn là chỉ có ở doanh nghiệp Nhà nước do đơn giá đầu tư cao, người lao động gián tiếp ăn theo nhiều, còn cao su tiểu điền do người lao động trực tiếp cạo vẫn lãi. Sau khi phân tích và xem xét cây cao su ở nhiều khía cạnh, các đại biểu tham dự Hội nghị đều thống nhất tiếp tục thực hiện đề án chính sách hỗ trợ phát triển cao su tiểu điền.

Việc trồng cao su là việc đầu tư dài hạn, bà con không nên có tâm lý ăn xổi ở thì. Nếu hộ nghèo nào có tâm huyết, có đất, có bìa đỏ, tình nguyện viết đơn, kiên trì với cây cao su thì tỉnh sẽ tiếp tục đầu tư; nếu hộ nào lừng khừng, không tâm huyết thì sẽ để lại. Việc phát triển cao su tiểu điền cần được thực hiện chặt chẽ.

Trần Văn