CSVN – Sau hơn 3 năm được hạ sơn tại vùng đất gió huyện Than Uyên, tỉnh Lai Châu , cây cao su đã và đang vươn mình phát triển ngày càng xanh tốt. Điều này càng khẳng định sức sống mãnh liệt của loại cây công nghiệp mới trong tạo việc làm, tăng thu nhập, xóa đói giảm nghèo, bền vững nơi vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Nỗ lực vì mầm xanh tương lai
Đến thăm những bản làng của vùng trồng cao su huyện Than Uyên vào những ngày cuối năm, chúng tôi không khỏi ngạc nhiên trước sự đổi thay kỳ diệu vùng đất gió nơi đây. Cơ sở hạ tầng đường, điện, trường, trạm được đầu tư xây dựng khang trang, sạch đẹp. Nhiều quả đồi trước kia trồng nương rẫy, cỏ lau mọc um tùm nay đã nhường chỗ cho màu xanh của những dải cao su tươi tốt.
Trong cái se lạnh, hơi thở của mùa xuân đang đến gần, chúng tôi ngược dòng Nậm Mu để “mục sở thị” mầm xanh cao su đang hàng ngày lớn lên. Cùng đi với chúng tôi có Tổng Giám đốc Công ty CPCS Dầu Tiếng – Lai Châu Nguyễn Văn Hòa, người luôn tâm huyết, vượt khó khăn để đưa cây cao su về với các bản làng vùng khó khăn.
Trên chuyến xuồng máy, theo hướng chỉ tay của anh Hòa, chúng tôi bắt gặp ở phía các sườn đồi bao phủ màu xanh cao su thấp thoáng màu áo của từng tốp công nhân đang chăm sóc. Mặc dù thời tiết khắc nghiệt, nắng rét thất thường, song trên các dải đồi cao su, công nhân công ty và người dân vùng dự án vẫn đang miệt mài, hăng say lao động nỗ lực vì mầm xanh trong tương lai.
Điểm dừng chân của Đoàn là Đội sản xuất số 2, chúng tôi gặp cán bộ kỹ thuật Mà A Hồ đang tận tình hướng dẫn cho công nhân tụ gốc, bón phân chăm sóc cây cao su. Gạt mồ hôi, anh Hồ chia sẻ: “Thời gian này, đội đang cho công nhân, người lao động dãy cỏ, bón phân, tỉa chồi, mở rộng đường băng… Tuy thời tiết có rét đậm nhưng anh em vẫn cố gắng hoàn thành công việc được giao. Bên cạnh đó, đội vừa tổ chức Hội nghị tổng kết công nhân lao động nhằm đánh giá lại một năm lao động vun đắp trồng và mở rộng diện tích cây cao su”.
Hiện nay, đội có 35 cán bộ công nhân lao động đang có mức lương hưởng trung bình từ 3,5-4,5 triệu đồng/người/tháng. Trong năm 2014 đội đã trồng mới 150ha, chăm sóc 400ha, bón phân lấp hố 150ha với trên 7.500 ngày công lao động. Em Lò Văn Hòa – bản Nà Đình, xã Mường Kim tâm sự: “Em và một số anh em trong bản tham gia làm công nhân cho công ty từ năm 2012 đến nay. Làm cao su tuy có vất vả nhưng cho thu nhập ổn định, chúng em cũng yên tâm. Công ty luôn quan tâm, chăm lo ổn định đời sống tinh thần và thực hiện đầy đủ các chế độ chính sách, bảo đảm quyền, lợi ích chính đáng hợp pháp của người lao động, nên anh em rất vui”.
Giải đáp bao hoài nghi
Trong năm đầu tiên địa phương triển khai đưa cây cao su vào trồng mới tại các vùng tái định cư, cấp ủy, chính quyền xã Mường Mít đã xuống các bản tuyên truyền, vận động đồng bào chuyển đất bạc màu nông nghiệp sang trồng cây cao su với giá trị kinh tế cao hơn. Tuy nhiên, trong buổi họp bản đầu tiên, người dân còn hoài nghi khi đưa cây cao su vào trồng ở bởi cây công nghiệp này chỉ trồng miền Nam nắng nóng quanh năm, đồi núi bằng phẳng còn ở đây đồi núi nhấp nhô, khí hậu lạnh loại cây này có phát triển?
Rồi chuyện, 7 năm sau khi trồng, cây cao su mới cho thu hoạch khoảng thời gian đó lấy gì để canh tác? Những ý kiến này đã được công ty và địa phương giải thích cặn kẽ cho nhân dân như: Cây cao su là loại cây đa mục đích mang lại hiệu quả kinh tế cao. Khi đưa cây cao su vào thì các tuyến đường giao thông được mở theo, các khu nhà cho công nhân, trường học, trạm y tế sẽ được xây dựng trong tương lai.
Ngoài ra, không chỉ tạo công ăn việc làm tăng thu nhập mà các hộ tham gia góp đất được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo quy định, đồng thời được hưởng phần trăm khi thu hoạch mủ sau này. Có thể thấy, chương trình phát triển cây cao su của Trung ương, tỉnh, huyện đang có nhiều khả quan, vùng sản xuất nguyên liệu cao su rộng lớn gắn với các mô hình xen canh tăng thu nhập cho hộ dân. Cây cao su là cây đa mục đích không chỉ mang lại hiệu quả về mặt kinh tế-xã hội mà còn góp phần tích cực trong việc nâng cao tỷ lệ che phủ rừng. Tương lai không xa, những dòng nhựa trắng sẽ tuôn chảy từ những cánh rừng cao su xanh tốt sẽ làm thay đổi diện mạo của nhiều vùng quê, góp phần xây dựng nông thôn mới nơi đất gió.
Tùng Phương
Related posts:
- Ông Lê Thanh Nghị giữ chức Tổng Giám đốc Cao su Lộc Ninh
- "Cao su Bà Rịa - Kampong Thom là điển hình trong quản lý năng suất, nâng cao lợi nhuận"
- Cao su Tân Biên: Đạt được nhiều kết quả nổi bật trong 35 năm
- Đảng ủy Cao su Bình Long quán triệt các văn bản về đại hội Đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2025 - 2030
- Về thôn "VAC" thời cao su mất giá
- Cao su Lộc Ninh quyết tâm thực hiện tốt nhiệm vụ
- Sản lượng tiêu thụ 8 tháng của Cao su Dầu Tiếng hơn 19.000 tấn
- Thu nhập người lao động cao su Phú Riềng dẫn đầu ngành cao su
- Cao su Quasa – Geruco sản xuất mủ 10 mix đạt chất lượng xuất khẩu
- Cao su Việt Lào quyết tâm hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ năm 2023