VRG cần xem thị trường là chiến lược phát triển

CSVN – Đến dự Hội nghị tổng kết 2014 của VRG vừa qua, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát phát biểu nhấn mạnh, VRG cần xem thị trường là chiến lược để phát triển, theo hướng đẩy mạnh sản xuất sản phẩm công nghiệp cao su, góp phần tăng cường tiêu thụ cao su nguyên liệu trong nước, giảm xuất khẩu thô. Tạp chí CSVN xin trích giới thiệu.
Bộ trưởng Cao Đức Phát trao Cờ thi đua xuất sắc của Bộ NN&PTNT cho các đơn vị tại Hội nghị tổng kết 2014. Ảnh: Tùng Châu
Bộ trưởng Cao Đức Phát trao Cờ thi đua xuất sắc của Bộ NN&PTNT cho các đơn vị tại Hội nghị tổng kết 2014. Ảnh: Tùng Châu
Tái cơ cấu theo hướng nâng cao giá trị gia tăng

VRG là doanh nghiệp lớn nhất, đóng vai trò quan trọng trong ngành nông nghiệp, nhất là với các địa bàn vùng sâu vùng xa. Trong năm 2014 vừa qua, ngành nông nghiệp được mùa được giá, riêng lĩnh vực cao su được mùa nhưng không được giá. Tuy vậy với những nỗ lực, sáng tạo, VRG đã vượt qua được khó khăn, bám sát mục tiêu, tinh thần chỉ đạo của Chính phủ, đảm bảo SXKD có lãi, giữ vững thu nhập người lao động. Bộ NN&PTNT đánh giá rất cao nỗ lực, đóng góp của VRG trong 1 năm đầy sóng gió.

Năm 2014 tiếp tục diễn biến giá cao su giảm sâu. Những năm trước đây, khi giá ở mức cao, ngành cao su là một trong những ngành đầu tư hấp dẫn không chỉ ở Việt Nam mà còn trên khắp thế giới. Vì vậy diện tích đã tăng mạnh trong thời gian này khiến sản lượng càng tăng cao. Do vậy giá cao su giảm trong điều kiện nguồn cung tăng cao so với nhu cầu. Tại các nước cũng đang chung tay cùng nhau điều chỉnh diện tích, sản lượng, tái cơ cấu ngành cao su, cùng tìm gói giải pháp giải quyết vấn đề. Đối với VN đây không phải là khó khăn đầu tiên, chúng ta đã có kinh nghiệm, cần phải bình tĩnh để xử lý.

Trước hết cần phải giải quyết những vấn đề tình thế, chủ yếu tập trung giảm giá thành để duy trì thu nhập, lợi nhuận. Và cần đặt vấn đề lớn hơn là xem xét tổ chức thực hiện chủ trương tái cơ cấu theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững. Tái cơ cấu ngành nông nghiệp nói chung và ngành cao su – VRG nói riêng phải bắt đầu từ cách tiếp cận, chiến lược phát triển chính là chiến lược thị trường. Cần phải xác định như thế nào trong tương lai, tiếp tục xuất khẩu mủ thô hay có cách tiếp cận khác.

Theo Bộ trưởng Cao Đức Phát, VRG cần cần nghiên cứu theo hướng nâng cao giá trị gia tăng cho sản phẩm xuất khẩu
Theo Bộ trưởng Cao Đức Phát, VRG cần cần nghiên cứu theo hướng nâng cao giá trị gia tăng cho sản phẩm xuất khẩu. Trong ảnh: Chế biến găng tay cao su của Công ty CP VRG Khải Hoàn. Ảnh: Tùng Châu

Một mặt chúng ta cần nghiên cứu xâm nhập thị trường thế giới để đạt lợi nhuận cao hơn, mặt khác cần nghiên cứu theo hướng nâng cao giá trị gia tăng cho sản phẩm xuất khẩu. Việt Nam là nước xuất khẩu cao su nguyên liệu nhưng nhập khẩu cao su nhân tạo với giá trị cao hơn rất nhiều. VRG đã khai thác thị trường trong nước nhưng vẫn còn dư địa rất nhiều. Bởi vậy cần phải điều chỉnh cơ cấu sản phẩm để tăng cường cho thị trường trong nước.

Cần phải cắt giảm chi phí về mọi mặt, lúc này không nên chạy theo sản lượng, diện tích bởi sản lượng VN cũng ảnh hưởng đến cung cầu thế giới, tăng sản lượng giá sẽ giảm và tiếp tục ảnh hưởng nặng hơn. Cần cân nhắc không nên chạy theo sản lượng cao su nguyên liệu mà chủ yếu tìm một điểm dừng hợp lý để duy trì sản xuất, vượt qua khó khăn. Mặt khác cần nghiên cứu thị trường thế giới để tìm hướng sản phẩm sản xuất phù hợp, tiếp cận phân khúc thị trường có giá trị cao, đồng thời nỗ lực tìm kiếm thị trường trong nước, giảm xuất khẩu thế giới, đặc biệt là Trung Quốc.

Tiên phong đưa công nghệ cao vào Việt Nam

Ngoài ra VRG cần khai thác hơn nữa nguồn lực sẵn có, nhất là về đất đai. Ngành gỗ hiện nay chiếm ¼ lợi nhuận toàn Tập đoàn, cần phải phát huy ngành này. Về giải pháp, có 2 giải pháp chính trong 6 nhóm giải pháp của ngành nông nghiệp mà lĩnh vực cao su cần lưu ý.

Thứ nhất cần thúc đẩy chuyển giao khoa học công nghệ nhiều hơn, kể cả công nghệ cao. VRG phải là tấm gương tiên phong, đưa công nghệ đỉnh cao của ngành cao su thế giới vào Việt Nam, không những về trồng trọt mà còn chế biến, toàn bộ chuỗi sản xuất kinh doanh của ngành cao su.

Thứ hai VRG cần có bản sắc riêng trong chuỗi sản xuất ngành cao su. Hiện nay sự gắn kết giữa doanh nghiệp nguyên liệu và chế biến cao su chưa chặt chẽ để sản xuất sản phẩm công nghiệp cao su. Tôi rất mong doanh nghiệp sản xuất săm lốp là VRG. Cơ cấu sản phẩm của VRG phải xem xét điều chỉnh để có được chuỗi sản xuất như vậy. VRG trước đây chủ yếu tập trung vào trồng trọt, sản xuất cao su nguyên liệu đã được nhiều thành quả rất đáng tự hào. Giờ nên bước qua giai đoạn sản xuất công nghiệp, chế biến sản phẩm.

P.V (ghi)