CSVN Xuân – “Nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới là đẩy mạnh công tác chăm sóc, định hình vườn cây. Đồng thời tích cực thu tuyển, đào tạo lao động, triển khai xây dựng nhà máy cho nhiệm vụ khai thác và chế biến”. Đó là phát biểu của ông Huỳnh Trung Trực – Phó TGĐ VRG, Phó trưởng Ban thường trực Ban chỉ đạo phát triển cao su của VRG ở Campuchia (CPC), tại Hội nghị sơ kết 9 tháng công tác đầu tư sản xuất tại CPC, tổ chức vào ngày 2-3/10/2014.
Vườn cây phát triển tốt, đời sống người lao động ổn định
Năm 2014 được coi là năm cuối cùng trong chặng đường 8 năm triển khai trồng mới cao su tại CPC của VRG. Theo số liệu thống kê đến 30/9/2014, diện tích cao su đã trồng được của 16 đơn vị thành viên Tập đoàn là 86.035,58 ha. Theo đánh giá của Viện Nghiên cứu Cao su VN và Ban Quản lý Kỹ thuật VRG, chất lượng vườn cây trồng mới và KTCB sinh trưởng tốt, phát triển đồng đều. Tuy nhiên vẫn còn một số diện tích trồng trên đất trũng, ngập úng nên cây phát triển chậm.
Mặc dù gặp nhiều khó khăn, các công ty đã quan tâm chăm sóc, đầu tư thâm canh đúng mức, như tổ chức phun phòng bệnh kịp thời, bón phân đúng thời vụ, cắt đọt tạo tán… Đặc biệt có công ty đã dùng máy bón phân rất hiệu quả cho vườn cây năm thứ 4 trở đi, như Tân Biên, Phước Hòa, Bà Rịa, Chư Sê – Kampong Thom. Các công ty cũng chú ý đến tạo tán cho cây bằng phương pháp thủ công như cắt đọt tạo tán đối với một số giống mới chậm phân cành.
Ngoài nhiệm vụ sản xuất, các đơn vị đã xây dựng gần 9.000 m2 nhà ở CN, trên 5.000 m2 lán trại, hơn 472 km đường lô, liên lô. Tổng số lao động đến ngày 30/9 là 14.238 người, trong đó lao động quản lý gián tiếp người Việt là 1.087 người (chiếm 7,6%), lao động quản lý người Campuchia là 135 người, công nhân trực tiếp người CPC là 13.016 người, chiếm 91,4%. Tiền lương bình quân trả cho lao động trực tiếp từ 135 -150 USD/người/tháng.
Các dự án này góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, tăng thu ngân sách, tạo việc làm cho người dân và đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế của CPC và vun đắp mối quan hệ hữu nghị giữa 2 nước và nhân dân CPC – VN.
Ngoài ra, các đơn vị còn thực hiện nhiều chế độ chính sách khác để chăm lo đời sống người lao động như khám bệnh miễn phí, cấp đồ bảo hộ lao động, xây dựng trường học, chùa chiền, cấp phát gạo… Anh Keo-Cosol – CN chăm sóc Công ty CPCS Đồng Nai – Kratie, cho biết: “Khi làm CN cao su, chúng tôi không chỉ được nhận lương kịp thời mà còn được xây nhà ở miễn phí, được đi xe máy, được chơi thể thao và có điện để xem ti vi. Đặc biệt, con cái chúng tôi còn được đến trường, còn tôi không phải đi xa để thắp hương cầu phật vì ở đây họ đã xây một ngôi chùa. Hiện tại gia đình tôi có 4 người làm cao su đó là vợ chồng và 2 đứa con lớn của tôi”.
Nhà máy chế biến đầu tiên đi vào hoạt động
Đến thời điểm hiện tại, đã có 2 đơn vị đưa vườn cây vào kinh doanh. Đó là Công ty Tân Biên – Kampong Thom với diện tích 200 ha và Công ty Hoàng Anh – Mang Yang K 56 ha. Để phục vụ cho nhiệm vụ chế biến, Công ty Hoàng Anh – Mang Yang K đã khánh thành Nhà máy chế biến mủ sau hơn 2 năm thi công xây dựng. Nhà máy có công suất 5.000 tấn/năm, với 2 dây chuyền chế biến mủ, trong đó dây chuyền chế biến mủ RSS có công suất 2.000 tấn/năm và dây chuyền chế biến mủ SVR 10 – 20 có công suất 3.000 tấn/năm.
Tiếp sau Công ty Hoàng Anh – Mang Yang K, hiện tại Công ty Tân Biên – Kampong Thom đang trong quá trình hoàn thiện xây dựng nhà máy chế biến. Theo thiết kế, nhà máy có tổng công suất là 15.000 tấn/năm được chia làm 4 giai đoạn. Ngoài các công ty như Hoàng Anh – Mang Yang K, Tân Biên Kampong Thom, Phước Hòa, Bà Rịa, Chư Sê – Kampong Thom, Đồng Phú, Đồng Nai – Kratie cũng đang xúc tiến các công đoạn xây dựng nhà máy chế biến để chuẩn bị cho nhiệm vụ khai thác trong các năm 2016, 2017.
Ngoài công tác chuẩn bị xây dựng nhà máy, các đơn vị thành viên đã và đang xây dựng chiến lược thu tuyển và đào tạo nguồn nhân lực cho khai thác. Là đơn vị đầu tiên đưa vườn cây vào khai thác, Công ty Tân Biên – Kampong Thom đã và đang mở lớp đào tạo tay nghề cho CN khai thác. Hiện nay, số CN đã qua đào tạo đã đáp ứng nhu cầu khai thác 200 ha. Trong những năm tiếp theo, vườn cây đưa vào khai thác ngày một nhiều nên lãnh đạo công ty đang có kế hoạch tìm nguồn lao động ở các địa phương khác để chuẩn bị và đào tạo tay nghề trước khi vườn cây mở miệng cạo mới.
Nguyễn Cường
Related posts:
- Tập trung chuẩn bị chu đáo Đại hội Đại biểu Đảng bộ Tập đoàn lần thứ IX
- Cao su Đồng Phú tuyên dương 173 học sinh, sinh viên xuất sắc
- Cao su Mang Yang – Ratanakiri tuyển dụng hơn 150 vị trí việc làm
- 12 chỉ đạo của Tổng giám đốc Tập đoàn ngay từ đầu năm
- Đoàn Thanh niên Cao su Phước Hòa tổ chức khai mạc hè
- Tiết giảm chi phí: Khó nhưng phải làm
- Cao su Tân Biên ra quân khai thác mủ
- Cao su Ea H'Leo: 3/7 nông trường, đội hoàn thành kế hoạch trước 25 ngày
- Chặng đường thực hiện chiến lược phát triển bền vững: Bước đầu có kết quả tích cực
- Cao su Sa Thầy: Lương bình quân trên 7,2 triệu đồng/người/tháng