Chữ tình của phu cao su xưa

CSVN Xuân  – Cuộc sống của phu cao su thời xưa luôn đối mặt với sự tàn bạo trong cai trị, bóc lột của thực dân Pháp. Trong hoàn cảnh đó m giữa người với người đã được phát huy một cách mạnh mẽ, giúp cho họ có thêm sức mạnh để cùng sống và tồn tại.
Công nhân giao nộp mủ cho chủ Tây. Ảnh tư liệu
Công nhân giao nộp mủ cho chủ Tây. Ảnh tư liệu

Trước hết là tình người, được thể hiện trong cuộc sống hằng ngày ở đồn điền. Phu cao su được phân bố ở thành từng khu gọi là làng, lúc đầu, hầu như dân phu cao su đều là những người độc thân nhưng quá trình sống và lao động ở đồn điền, họ kết hôn và hình thành những gia đình nhỏ. Dù là người đang độc thân hay là có gia đình, tuy không có quan hệ họ hàng nhưng họ dành cho nhau tình cảm như người thân.

Khi có ai trong khu đồn điền gặp khó khăn hay có việc cần thì họ đều sẵn sàng chia sẻ, giúp đỡ. Những lúc ốm đau, nếu là người độc thân thì những đồng nghiệp ở cùng nhà sẽ chăm sóc, chén cơm bát cháo để cho người ốm chóng khỏi bệnh. Có những trường hợp gia đình có cha hoặc mẹ, có khi cả cha lẫn mẹ chẳng may qua đời thì cả cộng đồng cùng chung tay chăm sóc bảo bọc nuôi dưỡng những đứa con mồ côi cho đến ngày khôn lớn.

Ngoài ra, các việc lớn nhỏ trong làng từ cưới hỏi, lễ Tết, ma chay…mọi người đều chung tay góp sức để cùng với gia đình lo chu toàn. Một hình ảnh khác cũng rất đặc biệt là họ luôn xem những người lớn tuổi trong làng như những người ông người bà của mình. Thỉnh thoảng, họ đến thăm hoặc đưa con cháu đến thăm hỏi, chăm sóc như một trách nhiệm thiêng liêng. Những việc làm ấy tuy nhỏ nhưng hết sức cao quý, làm ấm lòng những người phu cao su sống nơi đất khách quê người.

Tình người phu cao su được phát huy đến đỉnh cao là trong các phong trào đấu tranh chống lại sự áp bức bóc lột của chủ đồn điền và chính quyền cai trị. Trong hơn 40 năm, từ năm 1908 – khi đồn điền cao su đầu tiên ở Bình Phước được hình thành đến năm 1954, phu cao su ở Bình Phước đã có hàng chục cuộc đấu tranh ở các đồn điền Phú Riềng, Lộc Ninh, Đa Kia, Quản Lợi… đòi chủ đồn điền thực hiện các quyền cơ bản của người lao động. Họ sẵn sàng bảo vệ, che chở những người bị chủ đồn điền truy bắt sau các cuộc đấu tranh. Những điều đó thể hiện tình cảm cao quý giữa con người với con người, tình đồng nghiệp trước sự đàn áp dã man của các thế lực cai trị.

Những câu chuyện tình người của phu cao su nơi vùng đất đỏ, đã thể hiện truyền thống “lá lành đùm lá rách”, đoàn kết một lòng của dân tộc Việt Nam. Và trong những hoàn cảnh đặc biệt, tình thần tình người lại được phát huy đến đỉnh cao.

Vũ Phong – Phạm Hữu Hiến