CSVN Xuân – Với khoảng 7 căn nhà đơn và song lập tương đối nguyên vẹn, làng 2 Bến Củi là ngôi làng cổ hiếm hoi còn sót lại của phu cao su cho đến ngày nay. Xuyên qua hai thế kỷ, đây còn là ngôi làng có nhiều thế hệ công nhân cao su gắn bó với nghề.
Cách NTCS Bến Củi (Công ty CPCS Tây Ninh) khoảng 2 km, Làng 2 nằm thanh bình, nép mình dưới những tán cây xanh. Đường vào làng không rộng rãi nhưng bằng phẳng. Từng căn nhà trên những mảnh vườn nhỏ được phân chia vuông vức, nối tiếp từ đầu đến cuối làng.
Tiếp chúng tôi trong ngôi nhà cổ gần 100 năm, chủ nhân Roãn Thị Rậu – 70 tuổi, phu cao su, đi cạo cho chủ Tây từ năm 16 tuổi, cho biết cả mấy thế hệ gia đình bà đã sống trong căn nhà này. “Anh em, con cháu có điều kiện bây giờ ra ở riêng. Nhiều lần con cháu muốn phá bỏ để xây mới nhưng tui không chịu. Căn nhà hương hỏa của ông bà phải giữ lấy làm kỷ niệm”, bà Rậu cho biết. Nói rồi bà Rậu lục tìm trong chiếc hộp gỗ cũ, lấy ra những tấm thẻ được cất giữ cẩn thận, khoe với chúng tôi. Đây là thẻ nghề nghiệp của các thành viên trong gia đình bà, được giám đốc Đồn điền Cao su Bến Củi cấp đã mấy chục năm nay.
Qua lời kể của bà Roãn Thị Tiến (sinh năm 1929), chị ruột bà Rậu, cả gia đình 7 người phải sống chen chúc trong căn nhà chật chội, vì không có tiền để xây thêm. “Hồi đó, phu công tra vào sống ở đây đông lắm, đi mấy tàu hỏa lận. Tui theo cha mẹ từ Nam Định vào làm phu cao su. Dân vào ở các làng 1, 2, 3, cứ quen người làng nào thì ở làng ấy. Cả làng chỉ có một cái giếng nước sinh hoạt chung. Chủ Tây còn làm nhà điểm để họp dân và tiệm bán tạp hóa nữa”, bà Tiến nhớ lại.
Khác kiểu nhà bà Rậu, cách một con đường, nhà vợ chồng ông Trần Văn Chim (78 tuổi) và bà Nguyễn Thị Bính (76 tuổi) cũng là dân công tra, thuộc kiểu nhà song lập. Nhà này phân cho hai gia đình cùng ở. Nhà có hai cửa chính, hai cửa phụ và 2 cửa sổ. Gia đình nào có điều kiện thì làm thêm 2 bên đầu hồi thêm chỗ rộng hơn để sinh hoạt.
“Hai gia đình đông con mà ở thì chật chội lắm, nhưng được cái nhà xây rất chắc chắn, ở từ đó đến nay chứ không sửa gì nhiều. Nhà lợp ngói nên mùa nắng mát mẻ. Cả 4 thế hệ gia đình tôi sinh sống ở đây. Con cái lớn, lập gia đình riêng, tôi có xây thêm 1 căn nhà kế bên. Ý nguyện gia đình vẫn giữ lại nhà cũ chứ không đập bỏ”, ông Chim bày tỏ. Anh Trần Quốc Lâm, 27 tuổi (CN Đội 2, NT Bến Củi) cháu ngoại ông Chim, là thế hệ thứ 4 trong gia đình gắn bó với nghề cạo mủ cao su.
Theo lời ông Nguyễn Thanh Liêm – Chủ tịch Công đoàn Công ty CPCS Tây Ninh, làng cao su Bến Củi, được Pháp xây dựng những năm 1927 – 1930. Đây cũng là ngôi làng có rất nhiều gia đình công nhân cao su có từ 3 đến 4 thế hệ làm việc cho công ty.
Bài, ảnh: Phan Thắng
Related posts:
- Không phai trong ký ức
- Người xây ước mơ
- Sản phẩm báo chí media ở Tạp chí Cao su Việt Nam: Đi lên từ nội lực
- Thú vị nghề MC đám tiệc
- Cao su Chư Sê tổ chức thi “Hội khỏe măng non”
- Lớp học dưới chân đồi cao su
- Bỏ hip-hop học đánh cồng chiêng
- Nét đẹp Nhà văn hoá CN Cao su Quảng Trị
- Cây cao su ở Việt Nam dưới góc nhìn Lịch sử - Sinh thái (1897 - 1975)
- Nỗi lòng mùa nghỉ cạo