CSVN Xuân – Ngày 27/11/2014, tại Paris (Pháp) Ủy ban liên Chính phủ về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể của UNESCO chính thức vinh danh Dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
Khi Xuân về xôn xao trên từng góc phố, hàng cây, mỗi ngôi nhà, thì ta lại thả hồn theo những giai điệu dân ca ngọt ngào, chất chứa tình quê sâu nặng. Ở đó, nơi ta sinh ra, lớn lên, nơi lưu giữ bao kỷ niệm tuổi ấu thơ, tình yêu đôi lứa…Và ai cũng thế, khi xa quê mới thấy nhớ da diết, khao khát được trở về; về với “núi Hồng, sông Lam”, nơi lưu giữ “Điệu ví quê hương cứ nặng tình đến thế/Nao nao lòng đứa con ở nơi xa”.
Về với Dân ca ví, giặm là tìm về mạch nguồn yêu thương, là về với chính mình, để đến dãi đất hẹp khô cằn, thiên nhiên khắc nghiệt “mưa úng đất, nắng nẻ trời”. Và chính cuộc sống của vùng đất khó khăn, vất vả đã tôi luyện, ăn sâu máu thịt vào người dân xứ Nghệ khí chất lạc quan, sức chịu đựng, nghị lực vượt khó. Để rồi, chính vẻ đẹp cốt cách, tâm hồn ấy được phản ánh tinh tế và phong phú qua câu ca, lời hát: “Tình xứ Nghệ không mau/Nhưng bén rồi sâu lắng/Quen xứ Nghệ quen lâu/ Càng tình sâu nghĩa nặng” (Huy Cận).
Không biết chính xác Dân ca ví, giặm có từ bao giờ, chỉ biết rằng điệu hát này khởi nguồn từ sinh hoạt cộng đồng của người dân vùng Nghệ An, Hà Tĩnh. Hát ví có nhiều thể như ví phường vải, ví phường cấy, ví phường nón, ví phường gặt, ví phường đan, ví phường củi, ví ghẹo… Tình điệu ví nghe mênh mang sâu lắng, bâng khuâng xao xuyến, tha thiết ân tình. Tuy vậy, vẫn có loại ví ghẹo và ví mục đồng nghe dí dỏm hài hước, nghịch ngợm hồn nhiên tươi trẻ.
Giặm giàu tính tự sự, kể lể khuyên răn, phân trần bày giãi. Các làn điệu của hát giặm như: giặm xẩm, giặm nối, giặm vè, giặm điên, giặm kể… Cũng có loại giặm dí dỏm khôi hài, châm biếm trào lộng và có cả giặm trữ tình giao duyên.
Với lối hát mộc mạc, phương ngữ giãi bày đã tô đậm hồn quê rưng rưng, ở đó còn toát lên chất người dân xứ Nghệ tinh tế, giàu tình cảm, bạo liệt mà bao dung, đáo để mà duyên dáng, đặc biệt hiếu nghĩa, thủy chung:“Khúc dân ca có từ trong máu thịt/Không thể dối lòng làm sống dậy một hồn quê”. Họ hát bất cứ nơi đâu, trải lòng trong câu hát; hát cho vơi nỗi buồn, hát cho quên vất vả, hát giãi bày nỗi nhớ, hát bộc lộ niềm thương:“Anh đến tìm hoa thì hoa đã nở/ Anh đến bến đò thì đò đã sang sông…”, để rồi: “…Đến duyên em thì em phải lấy chồng/ Anh trách em như rứa có cực lòng nhau thêm”…
Vừa qua, Dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh được UNESCO ghi danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, đó là niềm tự hào, niềm hạnh phúc lớn lao của nhân dân hai tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh nói riêng và nhân dân cả nước nói chung. Sự kiện này chứng tỏ sức sống mãnh liệt của văn hóa truyền thống Việt Nam trong dòng chảy hội nhập văn hóa thế giới.
Nguyễn Lý
Related posts:
- Video Clip Hội thi 85 năm khu vực II
- Tam ca 3 anh em “Đông – Nam – Bắc” ở Cao su Bình Thuận
- Chuyện "thuốc đắng dã tật"
- Ai sẽ là giọng ca vàng của núi rừng Tây Nguyên?
- Ảnh dự thi "Nét đẹp lao động" trên fanpage Tạp chí Cao su Việt Nam
- Phát động Cuộc vận động sáng tác ca khúc về ngành cao su Việt Nam
- Chuyện làm dân vận ở Nông trường K’dang
- Xí nghiệp Chế biến đạt giải nhất Hội thao Cao su Đồng Nai
- Mời tham gia cuộc thi ảnh “Phụ nữ ngành cao su” năm 2019 của IRSG
- "Quả ngọt" từ công trình hợp tác Việt - Xô