CSVN Xuân – Vườn cây cao su cổ thụ hiếm hoi còn sót lại, minh chứng Sài Gòn là địa điểm đầu tiên được người Pháp trồng thử nghiệm và lập đồn điền cao su tại khu vực Đông Nam bộ.
Cách trung tâm TP.Hồ Chí Minh khoảng 17 km, tại Nhà Văn hóa Thể thao phường Tân Thới Hiệp (Q.12), vẫn còn tồn tại một vườn cây cao su già. Vườn cây tỏa bóng mát, che chở nhà văn hóa, khu vui chơi trẻ em, quán nước giải khát… luôn trong tình trạng mát mẻ.
Anh Phan Văn Bình – người dân sống gần Nhà Văn hóa, cho biết ngày cuối tuần gia đình anh thường xuyên tới đây vui chơi, giải trí. “Thành phố đông người, xe cộ, khói bụi ngột ngạt, rất thiếu không gian xanh để thư giãn. Đáng quý ở đây vẫn còn vườn cây xanh, không khí thoáng đãng, thoải mái tận hưởng. Hơn nữa, tôi có cơ hội giới thiệu cho mấy đứa nhỏ biết hình hài cây cao su ra sao”, anh Bình nói.
Theo lời kể của một cụ cao niên sống tại phường Tân Thới Hiệp, vườn cây cao su này được trồng từ hồi Pháp thuộc, nay cũng đã mấy chục năm tuổi. “Hồi trước, khu vực này cao su trồng nhiều lắm, chạy dọc hai bên đường là những vườn cao su xanh tốt. Dần dần đô thị phát triển, nhà cửa, đường sá mọc lên thì cao su bị chặt phá hết, đến nay, chỉ còn duy nhất vườn này thôi”, cụ cho biết.
Ông Nguyễn Lưu – Chủ nhiệm Nhà Văn hóa Thể thao Tân Thới Hiệp, cho hay vườn rộng khoảng 1 ha, hiện còn khoảng 100 cây cao su cổ thụ. Cách đây 10 năm, khi xây dựng nhà văn hóa có một số cây cao su bị chặt. “Nhờ vườn cây xanh này đã tạo cảnh quan, môi trường nhà văn hóa luôn sạch đẹp, không khí trong lành. Đây là điểm vui chơi, giải trí ưa thích của người dân trong khu vực. Vào những ngày cuối tuần có cả ngàn lượt người tìm đến sinh hoạt, vui chơi, tham gia các câu lạc bộ, đội nhóm”, ông Lưu cho biết.
Ngoài vườn cao su trên, tại TP.HCM còn hiện diện một cây cao su cổ thụ tại Thảo Cầm Viên Sài Gòn, được đánh mã số quản lý 697. Bà Lê Thị Ngọc Mai – Giám đốc Xí nghiệp Thực vật (Công ty TNHH MTV Thảo Cầm Viên Sài Gòn) – đơn vị quản lý cây xanh trong Thảo Cầm Viên, cho biết cây cao su được trồng thời Pháp. Tuy nhiên, về lý lịch, nguồn gốc cây cao su do ai trồng, trồng từ lúc nào thì đơn vị không có hồ sơ lưu trữ.
“Tôi được biết, cây cao su này có tuổi đời cũng cả 100 năm rồi. Đây là một trong số hơn 2.400 cây thân gỗ được quản lý, chăm sóc tại Thảo Cầm Viên. Cây cao su có chiều cao ngút
ngọn 17 m, chiều cao dưới tán 7 m, đường kính gốc 1,8 m tính từ mặt đất lên 1m. Cây được chăm sóc, tỉa cành, tạo tán, thường xuyên phòng ngừa và xử lý bệnh hại”, bà Mai cho biết.
Còn theo ông Lê Thanh Liêm – phụ trách Phòng Kỹ thuật Thảo Cầm Viên Sài Gòn, cây cao su không phải là cây rừng tự nhiên bản địa mà được ông Loius Pierre – Giám đốc Vườn Bách Thảo (tên ban đầu của Thảo Cầm Viên) trước đây di nhập trồng thử nghiệm. Cây cao su (Hevea brasiliensis) và cây Guồi phi châu (Landolphia owariensis) là hai loại cây thân gỗ, trồng thử nghiệm lấy nhựa tại vườn.
Trải qua bao biến thiên, thăng trầm của lịch sử, cùng với sự vươn vai phát triển lớn mạnh của thành phố, quá trình đô thị hóa là tất yếu, nhưng may mắn giữa lòng Sài Gòn vẫn còn tồn tại một vườn cây cao su cổ thụ. Đây là nét chấm phá độc đáo, trong bức tranh muôn màu, muôn vẻ của thành phố 317 năm tuổi.
Bài, ảnh: Anh Thư
Related posts:
- Bùi Thế Mão - giọng ca tiềm năng của Cao su Yên Bái
- Nơi thắp lên niềm tin
- Nụ cười xuân
- 117 gia đình sẽ được tuyên dương tại Lễ kỷ niệm 85 năm
- Hoài niệm Tết xưa!
- Kinh tế khủng hoảng toàn cầu và công ước 1934 (tt)
- Cây cao su ở Việt Nam dưới góc nhìn lịch sử - sinh thái (1897 - 1975)
- Được gặp Bác - Kỷ niệm đáng nhớ
- "Quả ngọt" từ công trình hợp tác Việt - Xô
- "Ánh sáng từ dòng vàng trắng" lần thứ VI - năm 2024