CSVN Xuân – Sản xuất sạch hơn (SXSH), tiết kiệm chi phí – giảm thiểu ô nhiễm là một trọng tâm đối với VRG. SXSH không những giúp các đơn vị VRG sử dụng nguyên nhiên liệu hiệu quả hơn, mà còn đóng góp vào việc cắt giảm chi phí xử lý môi trường. Mỗi năm, SXSH giúp các nhà máy chế biến cao su tiết giảm 10 – 15% chi phí sản xuất.
Năm 2014 dựa trên cơ sở yêu cầu thực tế, VRG đưa ra thêm các giải pháp SXSH và áp dụng thành công, giảm giá thành sản xuất. Đơn cử như giải pháp tận thu mủ serum của mủ đông tại vườn cây, Bảo quản NH3 trong mủ nguyên liệu, giúp giảm lượng axít đánh đông, mức độ ô nhiễm và giảm được chi phí sản xuất, bảo vệ sức khỏe người lao động. Cải tiến thiết bị nạp liệu cho máy băm búa và sàn rung: Giải pháp này giảm suất tiêu thụ điện năng cho chế biến mủ cốm tạp khoảng 7% tại các nhà máy của VRG. Dùng năng lượng mặt trời để sơ sấy: VRG đã sớm ứng dụng kỹ thuật sơ sấy cao su bằng năng lượng mặt trời trong quá trình chế biến mủ tờ xông khói RSS. Nhờ ứng dụng kỹ thuật này, đã giảm được thời gian sơ sấy từ 72 giờ/chu kỳ xuống 65 giờ/chu kỳ; nhờ vậy giảm được 10% chi phí chất đốt/tấn sản phẩm.
Với giải pháp tận thu nước mưa để sản xuất, hằng năm nhu cầu nước cho nhà máy chế biến cao su với công suất 10.000 tấn/năm vào khoảng 160.000 m3/năm. Trong khi đó, lượng nước mưa thu được từ máng xối của nhà xưởng đạt 20.000 m3/ năm. Việc thu hồi tận dụng nguồn nước mưa này có thể đáp ứng được 10% lượng nước cho sản xuất. Tiết kiệm được từ 12-15 % chi phí điện nếu so với bơm từ sông hồ. Ngoài ra còn nhiều giải pháp khác mang lại lợi ích thiết thực.
Ông Nguyễn Hoàng Thái – Phó Ban Công nghiệp VRG, nhận xét: “Đi ngược với cách tiếp cận truyền thống, SXSH hướng tới việc tăng hiệu suất sử dụng tài nguyên, tức là làm sao để các nguyên nhiên liệu đi vào sản phẩm với tỉ lệ cao nhất có thể trong phạm vi khả thi kinh tế, qua đó giảm thiểu được các phát thải và tổn thất ra môi trường từ ngay quá trình sản xuất. Áp dụng SXSH không quá khó; bằng những hành động cụ thể, thiết thực với việc đưa ra và áp dụng các giải pháp hữu ích phù hợp với điều kiện, năng lực, tầm hoạt động của đơn vị. Để thực hiện SXSH, đơn vị phải thường xuyên xem xét đánh giá các công đoạn sản xuất, phân tích công nghệ, nguyên lý hoạt động, thông số quá trình để từ đó đặt ra khả năng và cơ hội tiết kiệm chi phí, tăng hiệu quả sản xuất và góp phần bảo vệ môi trường”.
Ngọc Cẩm
Related posts:
- Cao su Sơn La tập huấn khai thác mủ
- Khoán vườn cây lâu dài tạo ổn định về lao động
- Sản xuất phân hữu cơ sinh học từ công nghệ nuôi trùn quế
- Cao su Đồng Phú tiên phong áp dụng rộng rãi cạo D4
- 23 phòng kiểm nghiệm cao su đạt tiêu chuẩn ISO/IEC 17025
- Cao su Dầu Tiếng - Lai Châu: Sẵn sàng khai thác mủ
- Đóng bè vượt sông vận chuyển mủ
- Cao su Phước Hòa được nhận chứng chỉ ISO 50001
- Mô hình kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp
- Máy sát khuẩn tự động giúp hạn chế tiếp xúc