CSVN Xuân – Năm nay ông đã 108 tuổi, già lắm rồi. Kể từ khi người Pháp hạ sinh ông trên mảnh đất Dầu Giây này, hơn 1 thế kỷ với bao thăng trầm, ông chứng kiến từng giai đoạn sinh sôi phát triển của lớp con cháu với bao nước mắt, niềm vui và nụ cười. Để rồi giờ đây, ở cái tuổi người ta gọi ông là đại thụ, ông có quyền tự hào về dòng giống của mình đã cống hiến cho đời, cho lịch sử những âm vang hào hùng.
Tuổi thơ ông đầy tủi nhục, cay đắng. Máu – nước mắt ông đổ xuống dưới lớp đòn roi trong thân phận nô lệ, trong vai trò một công cụ kiếm tiền của chủ nghĩa thực dân. Màu đất đỏ bazan thấm máu xương, xác thịt đồng loại dường như thấm luôn cả nỗi uất ức của số phận một chủng loài.
Nhưng “Không, chúng ta nhất quyết không chịu làm nô lệ”, ông vẫn nhớ như in lời nói đã hiệu triệu hàng vạn sinh linh, đánh thức những trái tim sục sôi dòng máu nóng. Ông trầm ngâm trong một buổi sáng đẹp trời, vào một ngày cuối tháng 10 năm 2014, cành lá run run trong niềm tự hào tột độ: “Chân lý này đã giúp chúng tôi thay đổi cuộc đời mình. Nếu không có lẽ giờ đây trên bản đồ Việt Nam đã không còn hiện hữu một loài cây”.
Vùng lên! Vùng lên với dòng máu trắng quyện cùng màu cờ đỏ sao vàng, quyết làm chủ cuộc đời, giành quyền sống. Nhưng, để chiến thắng phải có tổ chức, không thể đấu tranh tự phát mãi. “Đúng ngày này, cách đây 85 năm, một tổ chức ra đời là kim chỉ nam cho chúng tôi noi theo, chiến đấu và giành thắng lợi cuối cùng”, một lần nữa, ánh mắt ông lóe lên niềm tự hào giữa lớp da nhăn nheo cùng vết sẹo lồi lõm – vết tích của những năm tháng xả thân vì nước, vì đồng loại. Làng Ba, làng Ba…. Không thể nào quên. “Lớp con cháu sau này hãy nhớ lấy điều đó”, ông nhắn nhủ.
Đứng giữa cảnh non nước thanh bình, phóng tầm mắt nhìn lớp con cháu đang căng tràn nhựa sống vươn lên như một tấm thảm xanh rì, ông nói: “Quê chúng tôi ở tận vùng Nam Mỹ xa xôi, nhưng không ngờ khi đứng chân trên mảnh đất hình chữ S này đã tạo nên một kỳ tích hào hùng như thế, dòng máu trắng của chúng tôi đã hòa quyện vào dòng máu Lạc Hồng tạo thành sức mạnh đánh đuổi thực dân, đế quốc, bảo vệ chân lý lẽ phải, vì 2 chữ độc lập – tự do”. Bạn bè thân hữu của ông ở các quốc gia khác đã không có được niềm hạnh phúc thiêng liêng này.
Hạnh phúc, tự hào nhưng đánh đổi quá lớn. Gần 1 đời cây thay lá, ông chứng kiến bao sự ra đi của đồng đội, con cháu, từ Phú Riềng, Dầu Tiếng, Hớn Quản, Lộc Ninh…Thân xác họ đã ngã xuống, đã vùi lấp để vun đắp, bồi bổ cho màu đất đỏ bazan tươi tốt hơn, màu mỡ hơn, cho dòng vàng trắng ngày nay được chảy mãi, đem lại cơm no áo ấm cho loài người. Chúng ta thường nói ăn ngon mặc đẹp nhờ cây cao su, nhờ dòng nhựa chảy ra để dòng đô -la chảy về. Nhưng mấy ai thấm hiểu được từng giọt máu, thịt xương của cha ông đã đổ xuống trên mảnh đất này để ta có được tự do hôm nay, có được sự trù phú hôm nay, có được dòng vàng trắng hôm nay. Ông rưng rưng, một giọt nước mắt chảy xuống… ông khóc… loài cây khóc…Khóc để đem lại hạnh phúc cho người khác và cũng khóc vì thế hệ con cháu mấy người hiểu được ông, ở cái tuổi gần đất xa trời.
Chiến tranh đã qua, ông may mắn còn tồn tại và vẫn đứng vững trên mảnh đất Dầu Giây này. Người ta xây cho ông một căn nhà gọi là “khu bảo tồn lô 9” là tên gọi thời cha mẹ đặt cho. Theo dòng thời gian, gió bão mưa dầm, vết tích ngày xưa đã dần hư hao, làng công tra xung quanh cũng chỉ còn là tên gọi. Ông hiểu, người ta quan tâm đến ông với một tấm biển hiệu di tích cấp tỉnh. Nhưng có ai quan tâm đến sức khỏe của ông khi loài cỏ dại hung hãn vươn lên chen lấn tấm thân già này. Khi bọn trẻ chăn trâu lẻn vào nghịch ngợm chọc ghẹo lên những vết sẹo thời chiến tranh để lại. Cái ông buồn hơn là đã có vài người bạn già không trụ nổi với thiên nhiên khắc nghiệt đã bật gốc ra đi, khi thiếu bàn tay chăm sóc của con người.
Ông không trách ai cả, cũng chẳng dám kể công. Có người hiểu được ông đã là tốt, kẻo không người ta nói “trẻ khôn ra, già lú lại”, trách ông lẩn thẩn. Ông chỉ mong có được niềm an ủi lúc cuối đời là người ta xây được một bảo tàng cho mình và đồng đội ở tầm vóc toàn ngành. Nơi đó sẽ lưu giữ những hiện vật, dấu tích với bề dày hơn 100 năm sinh tồn, trong đó hơn nửa đời chiến đấu. Nơi đó cũng sẽ vinh danh những con người tiêu biểu gắn liền với cuộc đời ông, tạo nên những mốc son trong lịch sử phát triển của ngành. Nơi đó sẽ tái hiện những thước phim qua từng giai đoạn đấu tranh, xây dựng và phát triển với tầm vóc quy mô suốt chiều dài lịch sử hào hùng và được lưu giữ ngàn đời.
Ý nghĩ của ông không ngoa, bởi thế hệ của ông đã anh hùng trong đấu tranh và lớp con cháu ông cũng đã anh hùng trong lao động. Sau chiến tranh, tái thiết sản xuất, phục dựng vườn cây. Với vết tích chiến tranh, máu vẫn còn đổ, máu đổ xuống để cao su mọc lên. Vẫn còn những giai đoạn thăng trầm, thế hệ thứ hai của con cháu ông sinh ra trong điều kiện khó khăn khi hòa bình mới lập lại, thiếu nguồn dưỡng chất nên èo uột. Mười đứa mang nặng đẻ đau thì chỉ vài ba đứa được ngước mắt nhìn đời. Nhưng không vì thế mà con người nhụt chí. Họ vẫn quyết tâm ươm mầm cho một thế hệ mới với bàn tay cần cù chịu khó– nét đặc trưng nổi bật của con người cao su. “Gà mẹ đẻ gà con” – họ mang con cháu ông lên tận vùng Tây Nguyên xa xôi với ý chí xây dựng màu xanh cao su. Bởi họ hiểu chỉ có ông và đồng loại là có khả năng mang lại cơm no áo ấm cho con người vùng cao, cũng như góp phần giữ vững chắc biên giới lãnh thổ – thành quả của cha ông ta đã bỏ xương máu ra mới có được.
Tuy nhiên, ông lại trầm ngâm, “Do đặc thù sản phẩm của chúng tôi phụ thuộc vào giá cả thị trường, không những VN mà cả thế giới. Ngành cao su có lúc thăng, lúc trầm là vì vậy. Có những giai đoạn đời sống người công nhân cao su khó khăn lắm…”. Và điều ông buồn hơn là trong thời điểm hiện nay, giá cao su đang xuống thấp, đã có ý kiến đặt vấn đề hoài nghi về hiệu quả loại cây này. Tuổi già nhưng ông vẫn thường xuyên cập nhật thời sự trong ngành. Ông xốn xang trước dư luận rộ lên tình trạng chặt cao su vì giá thấp, mà thật ra đó là việc thanh lý tái canh rất đỗi bình thường. Ông đau đáu vì người công nhân nghỉ việc hàng loạt, rời bỏ doanh nghiệp trong khó khăn…
…Trời đã về chiều, dưới ánh hoàng hôn lãng đãng, bóng dáng một người công nhân cao su tất bật đón con tan trường sau 1 ngày vất vả trên vườn cây. Đâu đây tiếng hát chào mừng kỷ niệm 85 năm truyền thống ngành cao su từ Phú Riềng Đỏ vọng về. Hòa vào đó là tiếng của cây đại thụ xào xạc: “Vì truyền thống hào hùng, hãy đoàn kết, gắn bó vượt qua khó khăn… Mai đây trời lại sáng…”.
Nguyễn Thị Yến Ngọc
(*) Bài viết đoạt giải nhì cuộc thi viết Tìm hiểu 85 năm truyền thống ngành cao su VN
Related posts:
- Tặng quà Tết cho 300 công nhân khó khăn ở Cao su Hà Tĩnh, Hương Khê - Hà Tĩnh
- Mời tham gia bình chọn Bài hát truyền thống ngành cao su
- Vững tin nhé thành phố của tôi!
- Đôi nét về CÔTE D’IVOIRE
- Cao su Phước Hòa chú trọng đầu tư thiết chế văn hóa
- Cao su Lai Châu II đạt giải nhất Hội diễn Khu vực I
- Săn dế cơm trong vườn cao su
- Đoàn thanh niên Cao su Chư Sê thi đấu quần vợt
- Từ cuộc bùng nổ cao su 1910 đến cuối kế hoạch Stevenson
- Hình ảnh con trâu trong ca dao, tục ngữ