Đến năm 2020 khu vực miền núi phía Bắc đạt 32.000 ha cao su

CSVN Xuân – Đây là chủ trương của lãnh đạo VRG về chương trình phát triển cao su khu vực miền núi phía Bắc. Tập trung nâng cao chất lượng vườn cây; quản lý suất đầu tư hiệu quả; tranh thủ lồng ghép các dự án phát triển cao su với chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn, là những nhiệm vụ trọng tâm của các công ty trong thời gian tới.
Phó TGĐ VRG Nguyễn Hồng Phú (thứ hai từ phải qua) kiểm tra chất lượng vườn cây Công ty CPCS Điện Biên. Ảnh: P.L
Phó TGĐ VRG Nguyễn Hồng Phú (thứ hai từ phải qua) kiểm tra chất lượng vườn cây Công ty CPCS Điện Biên. Ảnh: P.L
Trồng mới 1.200 ha trong năm 2015

Kết thúc vụ trồng mới năm 2014, 9 CTCS miền núi phía Bắc (MNPB) đã trồng mới và trồng lại 4.200 ha cao su. Đây là năm đầu tiên 100% diện tích được trồng bằng bầu có tầng lá, tỷ lệ cây sống bình quân toàn khu vực trên 95%. Lãnh đạo VRG đã biểu dương các CTCS: Hà Giang; Yên Bái; Lai Châu và Mường Nhé – Điện Biên có thành tích dẫn đầu về chất lượng vườn cây trồng mới năm 2014. Diện tích cao su KTCB của các công ty trong năm qua là 23.900 ha. Như vậy, tính đến cuối năm 2014, tổng diện tích cao su đã trồng của các CTCS khu vực MNPB là 28.100 ha, trong đó Tây Bắc gần 23.000 ha và Đông Bắc 5.122 ha.

Phó TGĐ VRG Nguyễn Hồng Phú – Phó Trưởng Ban Chỉ đạo phát triển cao su Tập đoàn khu vực MNPB, cho biết năm 2015 các công ty cao su (CTCS) sẽ phát triển trồng mới 1.200 ha.

Cụ thể, Yên Bái 300 ha; Lai Châu II 200 ha; Điện Biên – Mường Nhé 200 ha; Dầu Tiếng – Lai Châu 150; Hà Giang 100 ha; Lai Châu 100 ha; Dầu Tiếng – Lào Cai 100 ha; Điện Biên 30 ha và Sơn La 20 ha. Đến cuối năm 2015, các CTCS khu vực MNPB, phát triển được khoảng 29.300 ha. Còn trong giai đoạn 2016 – 2020, các công ty tiếp tục trồng mới khoảng 2.700 ha.

“Theo quyết định 750/QĐ-TTg, của Thủ tướng Chính phủ, quy hoạch phát triển cao su đến năm 2015 và tầm nhìn đến năm 2020, các tỉnh vùng Tây Bắc, đến năm 2020 toàn vùng đạt khoảng 50.000 ha cao su. Tuy nhiên, chủ trương của VRG trồng gọn lại, để đến cuối năm 2020, toàn vùng phát triển được khoảng 32.000 ha là dừng trồng mới. Diện tích còn lại để các thành phần kinh tế khác tham gia phát triển”, ông Phú cho hay.

Năm 2015, lãnh đạo VRG và lãnh đạo tỉnh Lai Châu thống nhất tổ chức lễ mở miệng cạo mới vào khoảng tháng 5 – 6, trên vườn cây của Công ty CPCS Lai Châu. Đây là công ty đầu tiên khai trương mở miệng cạo tại khu vực MNPB.

Để công tác trồng mới năm 2015 đạt chất lượng tốt, lãnh đạo VRG đã chỉ đạo các công ty tuân thủ nghiêm ngặt quy trình kỹ thuật và những chỉ đạo về quy hoạch chọn đất trồng mới, chọn cơ cấu giống cao su thích hợp. Và nhất là sử dụng cây con chất lượng cao, có tầng lá đạt tiêu chuẩn, trồng sớm trong thời vụ cho phép, không trồng trễ vụ.

“Các công ty tuyệt đối không chạy theo số lượng và quy mô diện tích, phải trồng cây nào chắc cây đó; chất lượng vườn cây trồng mới phải đạt và vượt tiêu chuẩn. Các đơn vị nên tổ chức tham quan học tập mô hình vườn cây tốt của nhau; xây dựng mô hình vườn cây chất lượng cao để đúc kết kinh nghiệm và nhân rộng”, ông Phú chỉ đạo.

 Tập trung nâng cao chất lượng vườn cây

Theo Phó TGĐ Nguyễn Hồng Phú, một trong những nhiệm vụ trọng tâm của các CTCS khu vực MNPB trong năm 2015 và những năm tiếp theo là thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp quản lý – kỹ thuật để nâng cao chất lượng vườn cây KTCB; quản lý suất đầu tư chặt chẽ, đảm bảo hiệu quả dự án đầu tư.

Đối với diện tích sinh trưởng kém, vườn cây không đồng đều, phải kiểm kê chi tiết, phân loại chất lượng, xác định nguyên nhân và có biện pháp xử lý thích hợp, hiệu quả. Các công ty tập trung phát triển theo chiều sâu, với quy mô hợp lý, phù hợp với điều kiện đất đai, thổ nhưỡng, khí hậu của từng khu vực và kết quả quản lý điều hành của đơn vị. Trước mắt, tập trung nguồn lực củng cố, cải thiện, nâng cấp chất lượng vườn cây về sinh trưởng, mật độ, độ đồng đều…

[stextbox id=”stb_style_259398″ caption=”Chủ yếu sản xuất mủ tờ”]

Trong năm 2015 và các năm tiếp theo, các CTCS của VRG tại miền núi phía Bắc sẽ xúc tiến việc xây dựng nhà máy nhằm chuẩn bị cho công tác chế biến sau khi vườn cây đưa vào khai thác. Theo định hướng của VRG, chủng loại sản phẩm khu vực miền núi phía Bắc chủ yếu sản xuất mủ tờ, vì phù hợp với địa hình và điều kiện của các công ty nơi đây. Điều này cũng phù hợp với định hướng cơ cấu sản phẩm của VRG trong thời gian tới là đẩy mạnh mục tiêu tăng sản lượng cao su tờ lên 12% trên tổng cơ cấu sản phẩm. Hiện nay mủ tờ tiêu thụ khá tốt và có giá bán cao và không thua kém mủ SVR 3L.

P.V

[/stextbox]

Bên cạnh đó, tăng cường quản lý suất đầu tư, tiết giảm chi phí đầu tư hợp lý, đảm bảo hiệu quả của dự án, rà soát lại các dự án để điều chỉnh cho phù hợp với quy định mới về quản lý suất đầu tư. Chủ động tiết giảm, hạn chế đầu tư các công trình XDCB chưa thật sự cần thiết, ưu tiên tập trung nguồn vốn đầu tư cho các hạng mục nông nghiệp, nhà máy với chi phí tiết kiệm, không vượt suất đầu tư mới ban hành.

Song song đó, hoàn thiện thủ tục chi trả lương; hợp đồng giao khoán; thủ tục nghiệm thu; thanh toán khối lượng giao khoán; quản lý tốt chi phí tiền lương cho từng đối tượng; tiến hành giao khoán cho người lao động, hộ nhận khoán; xây dựng lại định mức kinh tế kỹ thuật cho phù hợp với điều kiện đặc thù của từng đơn vị; hạn chế việc điều tiết quỹ lương giữa các khu vực.

Ngoài ra, các công ty phải hoàn thành việc ký kết hợp đồng góp đất trồng cao su với người dân; thống nhất phương án phân chia lợi ích; cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; gắn kết lồng ghép các dự án phát triển cao su với các chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn. Đặc biệt, chương trình xây dựng nông thôn mới MNPB nhằm tận dụng các lợi thế về cơ sở hạ tầng, giao thông, điện, thủy lợi, trường học, nhà trẻ, trạm xá… nhằm tiết giảm chi phí đầu tư.

Anh Quân