Sáng tạo trẻ mang lại hiệu quả

CSVN – Với nhiệt huyết muốn cống hiến của tuổi trẻ, bằng niềm đam mê và tinh thần sáng tạo, nhiều sáng kiến, sáng tạo ra đời, giúp tiết kiệm hàng trăm triệu đồng cho doanh nghiệp mỗi năm, đến từ những người còn rất trẻ.

>> Cần khơi dậy lòng đam mê sáng tạo

>>VRG có 3 đề tài sáng tạo trẻ được tuyên dương

Với sáng tạo sử dụng chất bám dính Kinetic trong công tác phun diệt cỏ, Lê Quốc Bảo được Trung ương Đoàn TNCS HCM tặng bằng khen. Ảnh: Ngọc Trường
Với sáng tạo sử dụng chất bám dính Kinetic trong công tác phun diệt cỏ, Lê Quốc Bảo được Trung ương Đoàn TNCS HCM tặng bằng khen. Ảnh: Ngọc Trường
 Thành công đến từ đam mê sáng tạo

Thôi thúc trước câu hỏi, làm thế nào tiết kiệm được chi phí trong việc chăm sóc vườn cây tái canh và kiến thiết cơ bản trên diện tích lớn hàng năm, đặc biệt là công tác diệt cỏ dại bằng hóa chất, giảm thiểu tác hại môi trường, anh Lê Quốc Bảo – Phó Bí thư Đoàn Thanh niên Công ty TNHH MTV Cao su Dầu Tiếng, luôn suy nghĩ tìm tòi giải pháp.

“Từ năm 2011, công ty đạt chứng nhận tiêu chuẩn quản lý rừng bền vững FSC. Đây là chứng chỉ quốc tế yêu cầu cao về bảo vệ môi trường. Việc tìm chất phụ gia nhằm giảm lượng hóa chất nhưng vẫn đảm bảo hiệu lực của thiết diệt cỏ là yêu cầu cấp thiết. Từ đó, tôi nghiên cứu thử nghiệm chất bám dính Kinetic trong phun diệt cỏ bằng hóa chất”, anh Bảo cho biết

Bằng kinh nghiệm làm kỹ thuật nông nghiệp, giữa năm 2012 anh Bảo thực hiện thí nghiệm so sánh hiệu quả việc giảm nồng độ thuốc diệt cỏ có kết hợp bám dính Kinetic so với phương pháp sử dụng máy phun CDA. Thực hiện 7 nghiệm thức, với liều lượng thuốc và nồng độ chất bám dính khác nhau, sau 15 ngày, cho thấy sử dụng thuốc diệt cỏ dại giảm nồng độ đi 25% so với định mức có sử dụng chất bám dính vẫn hiệu quả.

Đối với việc giảm nồng độ xuống 50% thì việc trừ cỏ chỉ có tác dụng đối với một số loại cỏ 1 lá mầm, đối với một số loại cỏ 2 lá mầm không có tác dụng. Như vậy, việc phun thuốc diệt cỏ có kết hợp bám dính ở 2 nồng độ khác nhau vẫn cho kết quả tương đương nhau.

“Qua tính toán, cho thấy chi phí cho từng nghiệm thức sử dụng bám dính Kinetic đối với diện tích ở nồng độ 0,025% và thuốc ở mức 75% so với đối chứng cho thấy hiệu quả kinh tế nhất mà vẫn đảm bảo khả năng diệt cỏ. Giảm lượng thuốc diệt cỏ 0,75 lít/ha và bổ sung 3,75 ml sẽ tiết kiệm được 37.987 đồng/ha. Với Dầu Tiếng, tổng diện tích phun thuốc cỏ vườn cây kiến thiết cơ bản hàng ngàn ha mỗi năm. Nếu sử dụng thêm chất bám dính, công ty tiết kiệm được hàng trăm triệu đồng”, anh Bảo giải thích.

Công trình sáng tạo “Khảo nghiệm kết hợp chất bám dính Kinetic trong công tác phun thuốc diệt cỏ” của Lê Quốc Bảo đứng trong tốp 40 công trình, đề tài, sản phẩm tiêu biểu toàn quốc năm 2014, được Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tuyên dương tại Festival “Sáng tạo trẻ” toàn quốc lần thứ VII năm 2014.

Sáng kiến xuất phát từ thực tiễn sản xuất

Cũng là một người trẻ, hăng hái trong các hoạt động phong trào, nhiệt tình trong công tác chuyên môn, Hoàng Văn Tuyên – Đoàn viên Chi đoàn cơ sở Xí nghiệp Cơ khí Chế biến và Xây dựng (Công ty CPCS Phước Hòa) rất say mê tìm tòi, nghiên cứu và có nhiều sáng kiến hay được áp dụng vào sản xuất tại Nhà máy Chế biến Cao su Bố Lá.

Tiêu biểu có sáng kiến “Cải tiến bộ điều khiển tự tắt mở 4 quạt công nghiệp làm nguội mủ khu vực ra lò”, áp dụng cuối năm 2012. Sáng kiến này đã giúp cho nhà máy tiết kiệm được từ 300 đến 400 kw điện/tháng. “Khi chưa có sáng kiến này, 4 quạt công nghiệp làm nguội mủ tại khu vực ra lò hoạt động liên tục. Để tiết kiệm điện, tôi đã sáng kiến cải tạo bộ điều khiển để quạt hoạt động tự động. Với rờ le thời gian, khi có thùng mủ ra lò và được di chuyển đến gần quạt thì nó mới hoạt động, khi thùng mủ đẩy ra xa thì quạt ngừng”, anh Tuyên cho biết.

Với đức tính cần cù, chịu khó, khắc phục những hạn chế trong quá trình sản xuất, tiếp đó anh Tuyên có sáng kiến “Chế tạo bộ phận làm mát máy ép mủ”. Với sáng kiến này, anh giúp đơn vị tiết kiệm khoảng 350 đến 400 m³ nước mỗi tháng và khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường. “Trước đây, xả nước máy ép chảy ra ngoài, rất lãng phí. Tôi suy nghĩ tại sao không tái sử dụng vừa tiết kiệm chí phí bơm nước, đồng thời bảo vệ nguồn nước ngầm. Sau khi cho xây hồ chứa nước, dùng máy bơm tuần hoàn, giúp tiết kiệm lượng nước và chi phí cho nhà máy”, anh Tuyên chia sẻ.

Phan Thắng