Phấn đấu hoàn thành kế hoạch, đảm bảo thu nhập người lao động

CSVN – Theo đánh giá của nhiều người, năm 2014 thời tiết khu vực Tây Nguyên tương đối thuận lợi cho công tác nông nghiệp hơn các năm trước khi bệnh phấn trắng đã có cách khắc phục kịp thời. Tuy vậy, các công ty vẫn gặp khó khăn trong việc hoàn thành kế hoạch (KH) sản lượng được giao do tình hình chung giá mủ thấp, ảnh hưởng đến lao động.
Ngay từ đầu năm, trong lễ ra quân lãnh đạo các nông trường Công ty TNHH MTV CS Kon Tum đã cùng nhau ký cam kết hoàn thành vượt mức kế hoạch năm 2014.Đến nay đây là đơn vị có điểm sáng nhất khối Tây nguyên
Ngay từ đầu năm, trong lễ ra quân lãnh đạo các nông trường Công ty TNHH MTV CS Kon Tum đã cùng nhau ký cam kết hoàn thành vượt mức kế hoạch năm 2014. Đến nay đây là đơn vị có điểm sáng nhất khối Tây nguyên
Duy trì tiền lương bằng 80% so năm trước

Một trong những nguyên nhân chính làm cho các đơn vị Tây Nguyên gặp khó khăn trong việc hoàn thành sản lượng là bệnh rụng lá mùa mưa. Ông Bùi Duy Đốc – Trưởng Phòng Kỹ thuật Công ty TNHH MTV Cao su Chư Sê cho biết: “Năm 2014 cơ bản công ty đã xử lý được bệnh phấn trắng, nhưng không có cách nào khống chế được bệnh rụng lá mùa mưa. Đầu năm phun thuốc phòng bệnh phấn trắng, lá ra xanh tốt đến khi mưa thì rụng gần hết, đến tháng 9 lá mới dần phục hồi. Chính vì thế, công tác khai thác của công ty đã gặp nhiều khó khăn, dự kiến hết năm 2014 công ty mới hoàn thành kế hoạch, nếu có chắc cũng vượt được 60 – 70 tấn trên kế hoạch 6.200 tấn”.

Cũng khó khăn như một số đơn vị bạn, ông Phan Sỹ Bình – TGĐ Công ty TNHH MTV Cao su Chư Prông chia sẻ: “Đây là năm hết sức khó khăn, hầu hết các công ty đều không hoàn thành được các chỉ tiêu chính. Riêng Công ty Chư Prông hết năm vẫn có lãi, nhưng không đáng kể. Do đó, tiền lương của người lao động chỉ bằng 80% của năm trước, mức lương bình quân chung cho cả công ty đạt 4,2 triệu đồng/người/tháng”.

Còn tại Công ty TNHH MTV Cao su Chư Păh, Phó TGĐ Phạm Đình Luyến cung cấp: “Công ty Chư Păh là đơn vị sử dụng nhiều lao động là dân tộc thiểu số nhất, vì thế càng khó khăn hơn cho chúng tôi. Dù vậy, chúng tôi cũng cố gắng duy trì thu nhập cho đối tượng này ở mức 80% so với năm trước, còn công nhân là người dân tộc Kinh thấp hơn nữa. Lương thấp, thưởng ít nên công nhân cũng có tư tưởng dao động, đã khó khăn rồi nay lại thêm khó khăn”.

Việc biến động lao động nhiều nhất vẫn đang diễn ra tại Công ty TNHH MTV Cao su Mang Yang, điều này càng làm cho công ty khó khăn khi năng suất bình quân chỉ từ 1,1 – 1,2 tấn/ha. Tuy nhiên, hiện vườn cây của công ty cũng đang vào thời điểm thanh lý nhiều, nên biến động lao động vẫn có thể xử lý bằng cách cạo d3 – d4 để có thể đáp ứng công việc khi nguồn lao động không được dồi dào.

Điểm sáng Kon Tum

Thuận lợi nhất trong số các đơn vị là Công ty TNHH MTV Cao su Kon Tum, đây là năm thứ 3 liên tiếp công ty vượt kế hoạch, năm 2014 công ty hoàn thành trước 34 ngày. Đó chính là món quà ý nghĩa chào mừng công ty tròn 30 năm. Ngoài việc công ty khai thác được 14.500 tấn, vượt kế hoạch 1.000 tấn, tương đương 7,4% kế hoạch, năm nay công ty tiếp tục có thêm 2 nông trường gia nhập vào câu lạc bộ 2 tấn/ha của VRG, nâng tổng số nông trường gia nhập câu lạc bộ này lên 6 đơn vị.

Năn 2014 cũng ghi nhận thêm 2 công ty mở miệng cạo lần đầu tiên sau 6 năm trồng mới và chăm sóc, dù Công ty TNHH MTV Cao su Chư Mom Ray và Công ty CP CS Sa Thầy chỉ đưa vào khai thác khoảng 200 ha, nhưng đây là một sự cố gắng rất lớn của lãnh đạo đơn vị trong việc đưa diện tích cao su vào khai thác trước thời hạn.

Nhìn chung, các công ty trên địa bàn Tây Nguyên chủ yếu hoàn thành kế hoạch được giao. Mặc dù gặp nhiều khó khăn trong công việc sản xuất kinh doanh, nhưng các đơn vị đều cố gắng duy trì việc làm và thu nhập ổn định cho người lao động, nhất là công nhân dân tộc thiểu số. Các chế độ, chính sách cho người lao động vẫn được các công ty thực hiện đầy đủ và kịp thời.

Bài, ảnh: Văn Vĩnh