CSVN – Sinh ra và lớn lên trong một gia đình giàu truyền thống cách mạng đã giúp chị Nguyễn Thị Gái – Bí thư Đảng ủy, TGĐ TCT CS Đồng Nai tôi luyện trưởng thành từ cái nôi cách mạng, từ những truyền thống tốt đẹp của công nhân cao su Việt Nam. Để ngày hôm nay, dù cuộc sống đôi lúc thăng trầm thì hình ảnh cô dân quân ngày ấy vẫn luôn tràn đầy nhiệt huyết, phấn đấu không mệt mỏi vì sự phát triển của TCT CS Đồng Nai nói riêng và VRG nói chung.
Tôi luyện từ truyền thống cách mạng
Từ mảnh đất Nam Định, năm 1932 ba là ông Nguyễn Thả và mẹ Lại Thị Hấu vào làm phu cao su ở Nông trường Bình Sơn, sau đó chuyển qua Nông trường Long Thành. Phong trào đánh Tây nổi dậy khắp nơi, ba mẹ chị băng rừng về đồn điền Galia Bình Ba và trụ lại lâu dài ở đây. Ba là công nhân nhà máy chế biến mủ, mẹ là công nhân cạo mủ của đồn điền Galia.
Cả ba và mẹ chị tham gia hoạt động cách mạng bí mật nuôi giấu cán bộ, trong đó có nuôi giấu ông Phạm Văn Hy – nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Cao su. Hai anh trai là công nhân cao su cũng tham gia cách mạng, đến năm 1958 thì bị lộ và thoát ly tham gia cách mạng. Ba chị từng bốn lần bị bắt giam, còn mẹ cũng bị giam giữ sáu lần. Dù bị tra tấn dã man nhưng với tinh thần cách mạng của người công nhân cao su, ba mẹ chị nhất quyết không khai. Gia đình chị cũng giống như bao gia đình cách mạng trong các đồn điền cao su đều nằm trong diện quản lý theo dõi của Mỹ Ngụy.
Năm 1973 cả gia đình vào vùng chiến khu giải phóng xã Bàu Lâm, huyện Xuyên Mộc, bản thân chị cũng tham gia hoạt động cách mạng với vai trò là giao liên, đưa thư mật cho cách mạng. Cũng có thời gian chị tham gia cứu thương, tải đạn trong chiến dịch giải phóng Xuyên Mộc. Ngày ấy, mẹ chị sợ con gái ra đường sẽ bị bọn mật thám theo, vì vậy mỗi khi đưa thư chị đi cùng với một người bạn gái và rất cẩn thận, khéo léo tránh bị phát hiện.
Chị hồi tưởng: “Phong trào đấu tranh của công nhân cao su lúc bấy giờ diễn ra rất mạnh mẽ và quyết liệt bằng nhiều hình thức như đào đường, đắp mô ngăn không cho giặc tới, tiếp tế lương thực, thuốc tây, pin đèn cho các chiến sĩ. Những vật dụng đó được cất giấu ngụy trang tinh vi bằng mọi cách để đưa đến tận tay các cán bộ cách mạng. Là công nhân cao su nhưng không phải lúc nào muốn ra lô cũng được, giặc gài mìn dày đặc khắp nơi, chỉ sơ suất một chút là mất mạng. Nhưng không vì thế mà tinh thần cách mạng giảm sút”.
Với sự đóng góp cho hoạt động cách mạng, ba mẹ chị được Hội đồng Bộ trưởng Phạm Văn Đồng trao tặng bằng khen gia đình vẻ vang, Huân chương kháng chiến chống Mỹ hạng III. Bản thân chị cũng nhận được Huy chương kháng chiến. Trong quá trình cống hiến chị cũng nhận được Huân chương lao động hạng II và hạng III, hai bằng khen của thủ tướng Chính phủ.
Chị bồi hồi xúc động: “Cha mẹ, hai anh và bản thân tôi tham gia cách mạng nên hơn ai hết tôi tự hào về truyền thống ấy và nhận thấy mình được tôi luyện trong khó khăn gian khổ, vì vậy phải có trách nhiệm giữ gìn và phát huy giá trị truyền thống ấy. Phải nói rằng nếu không có những giá trị truyền thống đó thì chúng ta không có ngày hôm nay. Tự bản thân luôn nhắc nhở mình và các con phải có trách nhiệm gìn giữ và phát huy, muốn làm gì thì phải nghĩ đến truyền thống của gia đình mà gìn giữ, mà làm việc cho xứng đáng với những gì cha mẹ và những người đi trước đã cống hiến gầy dựng nên”.
Vượt qua khó khăn nhờ sức mạnh của tập thể
Là thuyền trưởng của một đơn vị có quy mô lớn, với số lượng công nhân lớn nhất toàn Tập đoàn, đôi lúc chị cũng gặp áp lực trong công việc. Vì theo chị, chính cái tính cách luôn đắn đo, suy nghĩ thận trọng của phụ nữ đôi khi là tốt nhưng có khi lại bỏ qua những cơ hội. Nhưng là nữ lãnh đạo nên cách xử lý công việc thường khéo léo, mềm mỏng nhiều hơn so với nam giới.
Chị cho biết: “Có những lúc khó khăn tưởng chừng không vượt qua được nhưng bản thân may mắn được giáo dục, rèn dũa trong gian khó mà ra, tiếp nối truyền thống của gia đình nên tôi vẫn đứng vững. Bản thân mình phải có niềm tin, vững vàng để vượt qua khó khăn thử thách.
Bên cạnh tôi luôn có sự hỗ trợ từ gia đình, con cái rất ngoan hiền, tiếp nối truyền thống của mẹ. Nhờ sự quan tâm chỉ đạo sát sao của lãnh đạo ngành cao su, lãnh đạo tỉnh Đồng Nai qua nhiều thời kỳ, đồng nghiệp luôn hỗ trợ, sẻ chia, những người công nhân luôn sát cánh cùng chung sức thi đua, thêm vào đó truyền thống đoàn kết của TCT CS Đồng Nai đã và đang phát huy giá trị”.
Truyền thống của ngành, của người công nhân cao su qua bao thế hệ là truyền thống cha truyền con nối, là nghĩa tình, là sự thủy chung sống có trước có sau. Vì vậy ai trong chúng ta đều phải có trách nhiệm bảo tồn và phát huy giá trị truyền thống. Để làm được điều đó, dù ở cương vị nào điều quan trọng đòi hỏi phải là người có đức – có tài, tận tụy với nghề, luôn chia sẻ, cảm thông với mọi người thì mọi khó khăn trở ngại đều vượt qua được, chị nhấn mạnh.
Quỳnh Mai
Related posts:
- Ấn tượng đất nước và con người Việt Nam qua ảnh
- Đắm say câu lục bát tự tình
- "Vào mùa"
- Tính năng động của các đồn điền cao su Việt Nam
- "Chất lửa" tại hội diễn văn nghệ cao su Bình Long
- Nhà truyền thống cao su Dầu Tiếng: khắc họa truyền thống hào hùng
- Rubico giải nhất Hội diễn Khu vực IV
- Ngôi làng cổ của phu công tra
- Cao su Bà Rịa tích cực tham gia hội thi tìm hiểu 30 năm thành lập huyện Châu Đức, tỉnh Bà Rịa - Vũng...
- Liên quân Cao su Chư Sê – Kampong Thom giải nhất Hội diễn Khu vực III