CSVN – Những đứa con của làng – Nguyễn Đức Việt làm đạo diễn do Hãng Hongngatfilm và Phương Nam Film sản xuất, được Nhà nước đặt hàng. Chọn đề tài hậu chiến và vấn đề tha thứ và hòa hợp dân tộc, bộ phim được làm chỉn chu, nghiêm túc, có chất lượng nghệ thuật và gây được tiếng vang trong nước cũng như quốc tế.
Gợi mở tha thứ và hòa hợp
Chuyện phim kể về những năm 1960. Trong cuộc chiến chống Mỹ, làng Hà ở miền Trung đã bị tên trưởng làng – tên Đồng – dẫn lính ngụy về thảm sát người làng trên một khúc sông. Ông Thập (NSƯT Trung Anh, đóng) là chỉ huy du kích thoát chết, chứng kiến cảnh tượng đó và mối căm hận ấy cứ ám ảnh ông. 20 năm sau, đất nước đã thống nhất, nhưng với ông Thập – nay là trưởng làng – vẫn không thể quên được mối thù đó và cũng không cho dân làng quên nó.
Cảnh làng Hà, 20 năm sau: Một ông già ngoài 70 tuổi – ông Thập – dẫn đầu đoàn người nối dài trong một đám tang không kèn, không trống, không tiếng khóc, chỉ có tiếng hô đồng thanh: “Hai mươi tháng sáu sáu lăm (20-6-1965), làng mình chết hết một trăm bốn (104) người, ai đem máu chảy đầu rơi, cả làng phải nhớ đời đời không quên”. Tiếp đến là cảnh trong nghĩa trang của 104 người, lần lượt từng người trong làng cầm gậy đánh vào ngôi mộ to nhất – mộ ông Đồng – xả hận lên tên trưởng làng phản bội năm xưa.
Phía bên kia bờ sông, Đông (Trần Bảo Sơn, đóng) – con trai ông Đồng – ngậm ngùi đợi trời tối hẳn mới dám bơi qua sông, thắp cho cha nén nhang. Nhang chưa kịp tàn, anh đã phải chạy tháo thân vì ông Thập cho trai làng đuổi đánh.
Câu chuyện được đẩy tới với những bi ai, oán hận cùng hàng loạt những tình tiết đầy mâu thuẫn: Cây cầu nối hai bờ, huyện cấp tiền nhưng bị chủ tịch xã ăn chặn, người dân khốn khó khi phải đi lại bằng đò. Đông xin bốc mộ cha đem đi khỏi làng, đổi lại sẽ hoàn thành cây cầu, nhưng ông Thập không đồng ý. Chiếc cầu vẫn mãi dở dang, kế bên là chiếc cầu phao do anh Bè (Huy Cường), tính tình hơi tưng tưng, cặm cụi, kiên nhẫn làm bằng những chiếc thùng phuy và ván gỗ được anh chịu khó lượm lặt, bao phen tan hoang vì mưa lũ. Cô Bưởi (Thúy Hằng) – con gái ông Thập, ngày ngày chèo đò đưa khách sang sông, bị đuổi khỏi làng phải ra sống xập xệ nơi góc nghĩa địa, vì có bầu. Đông bao phen bị đuổi đánh vẫn nhất định ở lại, nhẫn nhịn cầu xin ông Thập cho được bốc mộ cha ra khỏi làng… Chính những đứa con của làng ấy đã làm cho ông Thập luôn phải đối diện với lương tâm, và dần dà đã nhận ra sai lầm khi bao năm qua chỉ biết rao giảng mọi người ôm hận và trả thù người đã khuất.
Cảnh ông Thập đồng ý cho Đông được bốc mộ cha, hóa giải hận thù. Nhưng rồi sau đó ông lại không cho bốc mộ, bởi lẽ, ông chấp nhận Đông và ông Đồng là những đứa con của làng, phải để làng chăm sóc. Đó chính là ý nghĩa lớn lao về sự cảm thông, thấu hiểu và tinh thần kết nối giữa hai thế hệ, để xóa đi những hận thù với quá khứ.
Đề tài khá lạ, đậm chất Việt Nam
Phim có khoảng 30 diễn viên, nhưng chủ yếu là diễn viên quần chúng, diễn xuất chính thì chỉ có 5 nhân vật. Bối cảnh phim cũng chỉ trong một hai căn nhà, túp lều, dăm ba ngôi mộ và hai bên bờ sông bị tách rời bởi chiếc cầu đang xây dở. Ít ỏi và đơn giản vậy, nhưng điều mà Những đứa con của làng để lại là bức thông điệp lớn lao và đầy nhân văn về tình người, về sự hòa giải và hòa hợp dân tộc, cũng chỉ đơn giản được dẫn dắt, tháo gỡ bằng câu chuyện về sự thay đổi trong suy nghĩ và việc làm của vị trưởng làng già.
Phải ghi nhận phim được làm chỉn chu, sạch sẽ, hầu như không bị những lỗi ngớ ngẩn thường gặp trong phim Việt. Giọng lồng tiếng miền Trung cho toàn bộ các nhân vật trong phim không quá khó nghe, bối cảnh phim rất đẹp với nhiều cảnh quay nên thơ.
Các chi tiết đều được xây dựng rất “đắt”: Ông Thập đồng ý cho Bè phá chiếc quan tài mà ông rất quý để lấy ván làm cầu; ông đồng ý để Đông lấy ô tô chở Bưởi đi cấp cứu; cho Bè tế con gà trống – người bạn thân thiết duy nhất của anh – trước khi làm thịt nấu cháo cho Bưởi… là những chi tiết cảm động và rất tình người.
Những đứa con của làng đã thành công khi khai thác đề tài khá lạ, đậm chất Việt Nam.
Phương Thảo
Related posts:
- Phát huy thành tích
- "Luôn nhắc nhở bản thân giữ gìn và phát huy giá trị truyền thống"
- Tiếng hát từ "Miền Đông Gian Lao Mà Anh Dũng”
- Sôi nổi giải bóng đá Cao su Quảng Nam
- Niềm vui của những "chân đi"
- TCT Cao su Đồng Nai: bảo tồn, gìn giữ những giá trị truyền thống của ngành cao su
- Người lưu giữ những khoảnh khắc lịch sử của Cao su Chư Prông
- Người Quảng Trị trên đất Xà Bang
- “Khúc ru tình” của người làm báo
- 16 đơn vị tham gia Hội diễn khu vực II