Xen canh lúa giúp cải thiện đời sống

CSVN – Cùng với việc triển khai trồng mới năm 2014 tại Nông trường VII, Công ty TNHH MTV Cao su Lộc Ninh đã tạo điều kiện người dân trồng xen canh lúa ở hai bên hàng cao su mới trồng, giúp cải thiện đời sống cho nhiều hộ dân là người dân tộc thiểu số xung quanh địa bàn.
Vườn cây trồng xen canh lúa tại công ty. Ảnh: Tùng Châu
Vườn cây trồng xen canh lúa tại công ty. Ảnh: Tùng Châu

Trong tổng số 750 ha cao su tại Nông trường VII, có hơn 600 ha được giao cho người dân bản địa trồng xen lúa nương vào giữa hai bên hàng cây cao su, khoảng cách từ lúa tới cao su thường là 1 đến 1,5 mét. Công ty còn cho người dân được canh tác lúa nương trên diện tích trồng cao su non trong vòng 1 năm.

Việc cho trồng xen canh đã giúp phủ xanh nhiều diện tích đất bỏ trống trong thời gian chờ cao su phát triển. Ngoài ra còn giảm bớt tình trạng xói mòn đất tại những nơi dốc đồi, giúp cản gió cho cây cao su mới trồng, tạo điều kiện thuận lợi cho cao su phát triển. Đây là giống lúa nương ngắn hạn, được trồng ở trên đồi cao, không cần nhiều nước, cũng như công chăm sóc như lúa nước. Công ty tạo điều kiện cho người dân bản địa trồng lúa nương trong lô cao su non nhằm cải thiện việc làm, cũng như đời sống của người dân sinh sống xung quanh nông trường. Bên cạnh đó, còn làm giảm tình trạng một số người dân vào trộm mủ.

Công tác trồng xen canh lúa nương được thực hiện ở nhiều nông trường tại Công ty Lộc Ninh. Đa số các diện tích lúa được trồng xen canh thường giao cho các công nhân đang làm việc trong công ty nhằm nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống. Nhưng khác biệt tại Nông trường VII thì hầu hết diện tích lúa được giao cho người dân tộc thiểu số sống quanh nông trường trồng và thu hoạch. Ngoài hơn 600 ha cao su có xen canh lúa, còn lại hơn 150 ha diện tích cao su non của nông trường cũng được người dân canh tác với nhiều giống cây ngắn ngày như lạc, khoai lang, rau, màu… nhằm phủ xanh diện tích đất trống trong thời gian chờ cao su phát triển.

Từ việc làm trên cho thấy công ty không chỉ quan tâm đến đời sống của công nhân trong công ty còn quan tâm tới đời sống, lợi ích của người dân bản địa. Ngoài việc cải thiện việc làm cho người dân, chủ trương này còn tạo sợi dây gắn kết mối quan hệ giữa nông trường với người dân, cũng là sự gắn kết giữa công nhân với người dân bản địa.

Ngọc Trường