Sức sống mới trên vùng đất biên cương

CSVN – Công ty CPCS Sa Thầy là một trong những đơn vị sinh sau, đẻ muộn của VRG, vượt qua nhiều khó khăn thử thách, đến nay công ty đã định hình được hơn 5.200 ha cao su, tạo công ăn việc làm ổn định cho gần 1.000 lao động, góp phần tạo nên sức sống mới trên vùng biên cương.
Vận chuyển cây giống vào vùng trồng mới. Ảnh: Văn Vĩnh
Vận chuyển cây giống vào vùng trồng mới. Ảnh: Văn Vĩnh
Nỗ lực vượt qua khó khăn

Khi mới thành lập, đội ngũ cán bộ công ty chỉ có 5 người nhưng đã tiên phong đi mở đất phát triển cao su trên địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới trọng điểm của huyện Sa Thầy, tỉnh Kon Tum.

Đây là một trong những vùng rừng thiêng, nước độc, lao động tại chỗ không có, cơ sở vật chất ban đầu vô cùng thiếu thốn, cơ sở hạ tầng thấp kém, giao thông đi lại hết sức khó khăn. Vào mùa mưa có lúc phải đi bộ hàng chục cây số, vì đường lầy lội, xe ô tô và xe máy cũng không đi được, muốn qua sông còn phải đi bằng xuồng, bè. Có lúc CBCNV và người lao động còn không có đủ lương thực, thực phẩm để ăn vì không có phương tiện nào vận chuyển vào được…

Khi xem lại những hình ảnh, những thước phim về những ngày đi mở đất, làm vườn ươm và quá trình trồng, chăm sóc vườn cao su trên vùng đất này, mới thấu hiểu được những nỗi khó khăn, gian khổ của CBCNV, những lớp người đi trước, những người đặt nền móng cho sự ra đời và phát triển của công ty.

Từ vùng đất hoang vu, dân cư không có, sau gần 8 năm vật lộn với thời tiết khắc nghiệt, mùa khô thì nắng nóng, mùa mưa thì mưa nhiều… Nếu làm cỏ, phun thuốc diệt cỏ không kịp thời vườn cây rất dễ bị cỏ chụp, chất lượng vườn cây kém. Nhưng bằng sự cố gắng nỗ lực vượt bậc của tập thể CBCNV công ty, đặc biệt là sự quan tâm chỉ đạo kịp thời của Ban lãnh đạo Tập đoàn và sự hỗ trợ, giúp đỡ của các cấp ủy, chính quyền và các ban ngành, đoàn thể địa phương, đến nay toàn công ty đã trồng được hơn 5.200 ha cao su, vườn cây sinh trưởng và phát triển tốt.

Hình thành nét đẹp cộng đồng trên vùng biên cương

Công ty đã đưa vào khai thác 200 ha trong năm 2014. Hệ thống các phòng ban từ công ty đến các đơn vị trực thuộc đã được thành lập theo đúng qui mô, nhu cầu quản lý và điều hành sản xuất. Năm 2014, công ty dự kiến khởi công xây dựng Nhà máy Chế biến mủ 6.000 tấn/năm, trước mắt là dây chuyền sản xuất mủ tờ với công suất 2.000 tấn/năm và thành lập Xí nghiệp Chế biến mủ.

Lãnh đạo VRG đến thăm vườn cây công ty
Lãnh đạo VRG đến thăm vườn cây công ty

Đến nay tổng số CBCNV công ty là 946 người, Đảng viên 31 người; lao động trực tiếp là 853 người; đồng bào dân tộc thiểu số chiếm 70% lực lượng lao động, bao gồm các dân tộc thiểu số ở vùng núi phía Bắc. Hầu hết các hộ gia đình công nhân đã ổn định nơi ăn chốn ở, yên tâm lao động sản xuất, gắn bó lâu dài với vùng đất mới, hình thành 4 cụm dân cư thuộc các xã Morai, Ia Dom và Ia Đa của huyện Sa Thầy tỉnh Kon Tum, tạo nên vẻ đẹp của cuộc sống cộng đồng nơi biên cương Tổ quốc

Công ty thường xuyên quan tâm chăm lo đời sống vật chất tinh thần cho người lao động; những năm đầu mới thành lập, công ty đã làm nhà ở cấp cho công nhân. Khi số lao động tăng, công ty hỗ trợ, hoặc cho các hộ gia đình công nhân mượn tiền làm nhà ở; đào giếng nước tại các khu dân cư; xây dựng các nhà trẻ mẫu giáo, tuyển dụng cô nuôi dạy trẻ theo từng cụm; thực hiện tốt công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu cho gia đình công nhân…

Trong những năm tới, công ty sẽ thường xuyên đổi mới phương pháp quản lý, đề ra các giải pháp thích hợp, tiếp tục, có những biện pháp cụ thể trong thâm canh, khai thác, chăm sóc vườn cây đảm bảo quy trình kỹ thuật, đạt năng suất chất lượng cao, xây dựng công ty ngày càng vững mạnh, góp phần xây dựng VRG ngày càng phát triển ổn định và bền vững, tạo nên sức sống mới trên vùng đất biên cương.

Tạ Thúc Bình