Trân trọng, tự hào

CSVN – Nhân Kỷ niệm 85 năm truyền thống ngành cao su VN (28/10/1929 – 28/10/2014), cùng lắng nghe những cảm nhận, suy nghĩ của thế hệ CBCNV-LĐ hiện nay về lịch sử, truyền thống của ngành; về lòng biết ơn đối với các thế hệ cha anh đã tạo dựng và để lại di sản cho ngành cao su VN…
CB CNV VRG tham dự lễ kỷ niệm 85 năm truyền thống ngành cao su. Ảnh: Văn Vĩnh
CB CNV VRG tham dự lễ kỷ niệm 85 năm truyền thống ngành cao su. Ảnh: Văn Vĩnh

* Ông Vương Đức Thông – Chủ tịch CĐ Công ty TNHH MTV Cao su Chư Sê: Việc VRG tổ chức sự kiện 85 năm truyền thống ngành cao su là một sự kiện lớn, có ý nghĩa rất quan trọng không chỉ với CBCNV-LĐ trong ngành mà còn có ý nghĩa với bạn bè, đối tác của ngành cao su. Đây là dịp tốt để VRG quảng bá thương hiệu, vị thế và hình ảnh của mình đến xã hội…

* Ông Lâm Xuân Lịch – Phó TGĐ kiêm Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH MTV Cao su Kon Tum: Sự kiện VRG tổ chức 85 năm truyền thống là rất ý nghĩa. Biết rằng hiện nay ngành cao su đang gặp khó khăn, nhưng cũng vẫn nên tổ chức để tri ân công lao của các thế hệ đi trước. Tổ chức để truyền lửa cho thế hệ hiện nay và mai sau. Tổ chức để tạo không khí thi đua, tạo sự phấn khởi cho đội ngũ CBCNV-LĐ cùng nhau phấn đấu, chung sức vượt qua giai đoạn khó khăn hiện nay. Tôi tin rằng, sau sự kiện này, mọi người sẽ nhắc nhiều hơn về truyền thống, hiểu và tự hào hơn về lịch sử của ngành cao su.

* Chị Phan Thị Huyền Thơm (Công ty CPCS Lai Châu II): Là sinh viên mới ra trường, tôi vượt hàng ngàn cây số đến với mảnh đất Lai Châu xa xôi, đến với với một loài cây hoàn toàn xa lạ. Thời gian trôi qua, những tán cây cao su xanh mướt, cuộc sống lao động, tình cảm chân thành của đồng nghiệp… Tất cả làm thay đổi cuộc sống của tôi. Tôi yêu sao những buổi chiều tan sở, mấy chị em chạy lên đồi cao su hóng mát. Tôi yêu sao những hàng cây cao su với tiếng gió luồn qua những tán lá mát rượi. Tôi thương sao tiếng trẻ thơ bi bô học nói…Quả thật “Hạnh phúc hiện hình từ trong hy sinh và gian khổ”, mấy chị em nữ thường bảo nhau rằng: Sau này lấy chồng nếu chụp hình cưới, nhất định sẽ lên những đồi cao su để chụp, để lưu lại những khoảnh khắc ngọt ngào trong đời với tình yêu và với cây cao su đã đem đến bao niềm tin, hi vọng!

Tôi vô cùng tự hào về bề dày lịch sử của ngành. Là thế hệ viết tiếp trang sử hào hùng, tôi nguyện đem trí lực để hăng say lao động, đóng góp chút công sức vào sự phát triển và bền vững ngành cao su VN.

450 đại biểu đại diện cho các đơn vị trong ngành dự lễ. Ảnh: Văn Vĩnh
450 đại biểu đại diện cho các đơn vị trong ngành dự lễ. Ảnh: Văn Vĩnh

* Chị Ngô Thị Vân Anh (NT Hiệp Đức, Công ty TNHH MTV  Cao su Quảng Nam): Tôi vô cùng vinh dự và tự hào khi đứng trong ngôi nhà chung có bề dày truyền thống lịch sử với những mốc son chói lọi, có ngọn lửa Phú Riềng Đỏ soi đường. Ngành cao su có một bề dày mà không phải ngành kinh tế nào cũng có được.

Trong suốt chặng đường thăng trầm của ngành gắn với bao sự kiện lịch sử của đất nước đã chứng kiến nhiều thế hệ “nếm mật, nằm gai” mở đường phát triển cây cao su ra mọi vùng miền Tổ quốc và sang cả nước bạn Lào, Campuchia. Truyền thống lịch sử của ngành là dòng chảy liên tục, vừa đào sâu, vừa mở rộng và không ngừng bồi đắp. Theo tôi, chúng ta cần có những giải pháp kịp thời và hiệu quả nhằm sưu tầm, lưu giữ và phổ biến những giá trị truyền thống vật thể và phi vật thể quý giá của ngành cao su.

* Anh Bùi Thiện Hậu (Giám đốc Nông trường 6, Công ty TNHH MTV Cao su Phú Riềng): Tháng 10 đến, mang theo bao điều hứa hẹn, niềm háo hức trông chờ và cả những dự định… Mỗi người đều có những cảm xúc riêng nhưng có một tâm trạng chung đó là tự hào, vinh dự vì được sống và làm việc trong một gia đình lớn – Tập đoàn CN Cao su VN. Thành quả hôm nay được xây dựng trên nền móng của ngày hôm qua. Chúng ta có quyền tự hào với quá khứ và cần phải nỗ lực nhiều hơn nữa, vượt qua khó khăn hiện tại, năng động, vững vàng hội nhập thế giới. Là thế hệ thừa hưởng di sản tốt đẹp của cha anh, chúng ta cùng viết tiếp trang sử mới của ngành cao su VN – hào hùng và bền vững.

Nguyễn Lý-Gia Linh (thực hiện)