Gửi một lời yêu với ngành cao su

CSVN – Nhân kỷ niệm 85 năm truyền thống ngành cao su VN 28/10, nữ nhạc sĩ Quỳnh Hợp cho ra mắt album ca nhạc “Mùa về sau tán cao su”, tập hợp 15 ca khúc của chị viết về đất và người cao su. Nhân dịp này, PV Tạp chí Cao su đã có cuộc trao đổi với nhạc sĩ Quỳnh Hợp về album mới của chị.
Bìa Album của nhạc sỹ Quỳnh Hợp
Bìa Album của nhạc sỹ Quỳnh Hợp

– Tính đến thời điểm hiện nay, chị đã sáng tác được bao nhiêu ca khúc về cao su?

Nhạc sĩ Quỳnh Hợp: Mình đến với những nông trường cao su từ năm 2003. Đầu tiên là chuyến đi cùng nhóm nhà thơ nữ TP.HCM. Đó là lần đi dài nhất và đến được nhiều
vùng cao su nhất. Sau này, thỉnh thoảng cũng đến với các nông trường ở miền Đông Nam Bộ và Tây Nguyên… Những cảm nhận ấy đã cho mình những xúc cảm chân thực về đất và người cao su. Ca khúc đầu tiên viết về cao su là bài “Gửi một lời yêu” phổ thơ Quỳnh Lệ. Bài hát viết từ năm 2006.

Tính đến thời điểm hiện tại mình cũng viết được khoảng trên dưới 30 bài. Viết nhiều nhất là thời gian có cuộc vận động sáng tác về ngành cao su năm 2013. Lúc ấy, có nhiều
bài thơ gửi về dự thi nên cũng gợi mở cảm xúc cho nhiều ca khúc của mình ra đời. Với tác giả thì bài hát nào của mình cũng tâm đắc. Tuy nhiên, trong chùm 15 bài hát ra mắt trong album này, mình có 2 ca khúc đã được trao giải nhất “Cuộc vận động sáng tác thơ – ký – nhạc” về ngành cao su tổ chức năm 2013 là Như dòng sữa me và Cây cao su về bản em.

“Như dòng sữa mẹ” là ca khúc viết theo âm hưởng hát ru Trung bộ, phổ từ bài thơ cùng tên của nhà thơ Phạm Thị Mai Khoa. Bài hát chuyển tải nhẹ nhàng những tình cảm gần gũi với những người công nhân đã gắn bó cuộc sống với cây cao su cùng những ước mơ đổi thay cuộc đời, vươn ra thế giới.

Còn “Cây cao su về bản em” là ca khúc mình viết cả nhạc và lời. Bài hát giới thiệu hình ảnh cây cao su về với các bản làng vùng núi phía Bắc, không chỉ phủ xanh đồi trọc mà còn mang lại công ăn việc làm cho người dân vùng cao. Và cũng cho thấy, cao su đang lan tỏa dọc ngang đất trời, dọc dài đất nước, khẳng định vị thế kinh tế của cây cao su trên toàn quốc. Bài hát có âm hưởng dân ca miền núi phía Bắc vừa duyên dáng vừa tươi tắn.

Nhạc sỹ Quỳnh Hợp
Nhạc sỹ Quỳnh Hợp

– Chị có thể giới thiệu đôi nét về album “Mùa về sau tán cao su”?

Nhạc sĩ Quỳnh Hợp: Album tập hợp 15 ca khúc, là những góc nhìn vừa cụ thể, vừa khái quát; vừa tả thực vừa hư cấu về đất và người cao su. Những ca khúc trong album được biểu cảm đa dạng âm hưởng dân ca như bài: Như dòng sữa mẹ, Cây cao su về bản em, Quê em đất đỏ miền Đông, Bồng bềnh Tây Nguyên, Mùa về sau tán cao su sẽ dễ dàng tiếp cận khán giả; còn lại là những bản trữ tình và nhạc trẻ là những bản pop nhẹ nhàng, dễ nghe, dễ thuộc phù hợp với cảm nhận, tâm tình của CBCNV cao su.

Đó là những bức tranh đẹp, thơ mộng về rừng cao su và những con người ngày đêm tần tảo sớm hôm. Những ca khúc sẽ mang đến cho khán giả những xúc cảm vừa trữ tình thiết tha vừa tươi tắn rộn ràng trong tổng thể bức tranh về rừng cao su, ngành cao su đang trên đà phát triển.

Cả 15 ca khúc đều phổ từ thơ của nhiều tác giả. Nhiều nhất là nhà thơ Nguyễn Minh Dũng với Mùa về sau tán cao su, Giao hưởng xanh, Hương rừng cao su, Những mùa xuân ước mong, Thoảng hương rừng cao su; thơ của Quỳnh Lệ gồm Gửi một lời yêu, Mưa qua vùng cao su, Tháng giêng nõn xanh, Bồng bềnh Tây Nguyên, còn lại là các bài Bâng khuâng nông trường (thơ Nông Quy), Em là hoa thắm (thơ Dương Xuân Định), Cô gái vườn ươm (thơ Kim Quyên), Quê em đất đỏ miền Đông ( thơ Trường Khang)…

– Là một người hoạt động nghệ thuật, theo chị làm thế nào để các hoạt động văn hóa văn nghệ thực sự đi vào đời sống của CN cao su ?

Nhạc sĩ Quỳnh Hợp: Hoạt động VHVN tại một ngành phụ thuộc vào sự quan tâm của người lãnh đạo. VRG đã tổ chức Hội diễn nghệ thuật CNVCLĐ, có rất nhiều tiết mục tự biên là những ca khúc, bài múa, tiểu phẩm kịch… xoay quanh chủ đề về ngành, về những địa danh cụ thể làm phong phú đời sống tinh thần của người lao động.

Tiến đến Lễ kỷ niệm 85 năm ngày truyền thống ngành cao su, bên cạnh những hoạt động thiết thực khác, phong trào văn hóa văn nghệ sẽ càng sôi nổi và đời sống tinh thần
người CN sẽ ngày càng phong phú hơn, góp phần xây dựng nông thôn mới và góp sức nâng cao đời sống văn hóa vùng sâu, nơi có cây cao su đứng chân…

Quỳnh Mai (thực hiện)