Nơi lưu giữ nhiều hiện vật về cao su

Theo thống kê, hiện nay bảo tàng tỉnh Bình Phước đã sưu tầm được hơn 200 hiện vật, 38 hình ảnh gốc thời kỳ Pháp thuộc, hơn 100 hình ảnh dạng file và một số tài liệu có liên quan.
Thả công tra thời Pháp thuộc
Thả công tra thời Pháp thuộc

Về hiện vật, trong số hơn 200 hiện vật có thể chia thành các nhóm như: Hiện vật liên quan đến hoạt động khai thác, bao gồm dao cạo, thùng đựng mủ, thang, tô đựng mủ, máng hứng mủ, thước đo mủ… với hơn 50 hiện vật. Trong đó có những hiện vật có giá trị độc đáo, hiếm có như: Thang cạo mủ, dao cạo mủ được xác định là từ thời kỳ Pháp thuộc.

Nhóm hiện vật thứ hai là những vật liên quan đến hoạt động chế biến cao su sau khai thác. Đó là những hiện vật liên quan đến sản xuất của nhà máy như: Ray lọc mủ, sào phơi mủ; các hiện vật liên quan đến nhà máy như gạch xây tường, ngói lợp… Trong đó có những hiện vật có niên đại gần 100 năm và độc đáo như: Thanh ray của lò xông nhiệt, mác lò xông, ngói lợp và gạch xây có xuất xứ
từ Pháp.

Trong năm 2014, bảo tàng tỉnh tiếp tục sưu tầm thêm được 10 hiện vật liên quan trực tiếp đến nhà máy và cũng có niên đại gần 100 năm, trong đó tiêu biểu là các thùngđánh đông mủ, thùng đựng hóa chất thí nghiệm. Nhóm hiện vật liên quan đến đời sống vật chất, tinh thần, đời sống lao động và sinh hoạt của người dân cũng có những hiện vật có giá trị như: Gạch và ngói xây dựng nhà ở, các vật dụng dùng để mang thực phẩm trong quá trình đi lao động, những hiện vật liên quan đến tôn giáo tín ngưỡng thời Pháp thuộc.

Dụng cụ cạo mủ thời Pháp thuộc được lưu giữ.
Dụng cụ cạo mủ thời Pháp thuộc được lưu giữ.

Số tài liệu và hình ảnh hiện có do bảo tàng sưu tầm được cũng khá lớn và có giá trị tiêu biểu. Về tài liệu có bộ tài liệu liên quan đến thanh tra lao động năm 1929 cung cấp các thông tin về tình hình lao động tại đồn điền ở Lộc Ninh trong hai năm 1929 và 1930. Đặc biệt, tài liệu và hiện vật có giá trị phải kể đến là tấm thẻ công tra được cấp năm 1927, được xem là thẻ căn cước do các chủ đồn điền
cao su thực dân Pháp cấp cho phu cao su để kiểm soát họ ở các đồn điền trong thời gian khai thác thuộc địa ở VN.

Bên cạnh những hiện vật và tài liệu liên quan đến cao su thời Pháp thuộc, bảo tàng Bình Phước cũng chú trọng đẩy mạnh công tác nghiên cứu và sưu tầm những hiện vật có giá trị liên quan đến thời kỳ sau giải phóng, đặc biệt là thời kỳ khai hoang xây dựng kinh tế mới; những hiện vật và tài liệu liên quan đến thời kỳ đổi mới và phát triển hiện nay.

Như vậy, số lượng hiện vật, tài liệu và hình ảnh liên quan đến ngành cao su qua các thời kỳ lịch sử là tương đối hoàn chỉnh qua các giai đoạn phát triển. Tuy nhiên, do những khó khăn về thời gian và điều kiện chiến tranh, thiên tai, số hiện vật, tài liệu và hình ảnh liên quan đến cao su thời kỳ Pháp thuộc vẫn còn hạn chế so với hiện vật thời kỳ sau giải phóng đến nay.

Phạm Hữu Hiến – Bùi Kim Thư