Muốn phát triển ngành cao su bền vững thì phải có con người tâm huyết, sẵn sàng nhận nhiệm vụ khó khăn khi được giao. Một trong những người tâm huyết đó là anh Lê Viết Thông – Tổ trưởng Tổ khai thác 5 – Nông trường KDang – Công ty TNHH MTV Cao su Mang Yang.
Anh Lê Viết Thông sinh năm 1962 tại xã Đông Khê, Đông Sơn, Thanh Hóa. 18 tuổi anh vào bộ đội và được kết nạp Đảng năm 1982 khi còn trong quân ngũ. Sau khi hoàn thành nhiệm vụ quốc tế, anh về địa phương tiếp tục lao động sản xuất xây dựng quê hương.
Năm 1988, cả gia đình anh cùng vào làm công nhân của công ty. Do có bằng y tá quân y nên anh được điều về làm tại Trung tâm Y tế (TTYT) công ty. Suốt từ năm 1988 đến năm 1993, anh đều được cán bộ nhân viên TTYT công ty yêu quý, bệnh nhân tin tưởng mến phục. Năm 1993 anh trở thành công nhân khai thác Nông trường Đoàn Kết, chỉ sau 2 năm anh được đề bạt làm Tổ trưởng khai thác.
Năm 2006, diện tích vườn cây được đưa vào khai thác. Nơi đây cách nông trường KDang gần 10 km, đường đi dốc, lầy lội do xe công nông đào bới, nên ai cũng ngán ngẩm mỗi khi đi làm. Anh được điều về xây dựng Tổ khai thác 10. Với diện tích trên 200 ha cao su và hơn 30 công nhân anh đã phân chia vườn cây hợp lý để công nhân bốc thăm, ai cũng vui vẻ nhận vườn cây. Ngay từ năm đầu tiên xây dựng đã vượt sản lượng gần 10%, anh đã cùng công nhân tạo dựng một cơ ngơi nhà đội xanh sạch đẹp.
Năm 2010, anh được điều về làm Tổ trưởng Tổ khai thác 5- một địa bàn phức tạp. Khi mới về, anh đã động viên công nhân mua quà đến tặng già làng Trưởng thôn, mua bóng chuyền và lưới tặng Chi đoàn của thôn, liên hoan gặp mặt giao lưu văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao. Họp mặt rút kinh nghiệm giữa đồng bào và công nhân trong tổ. Kể từ đó, vật tư không bị mất, mủ tạp không bị bóc, mặt cạo không bị băm… nên công nhân trong Tổ khai thác 5 rất yên tâm làm việc.
Suốt 20 năm làm Tổ trưởng dù ở NT Đoàn Kết hoặc NT KDang anh Thông đều hoàn thành nhiệm vụ xuất sắc. Với những thành tích trên, anh được Giám đốc và Công đoàn công ty biểu dương khen ngợi trao thưởng nóng và tặng nhiều bằng khen, giấy khen.
Nguyễn Sỹ Vui
Related posts:
- Sống nhờ nghề thì phải trân trọng nghề
- Di sản gia đình được gìn giữ
- Chưa bao giờ suy nghĩ sẽ nghỉ làm công nhân
- 20 năm sống cùng đồng bào
- "Hội thi bàn tay vàng đã thay đổi cuộc đời tôi"
- Lương Thị Dung: Nữ công nhân đi đầu trong lao động sản xuất
- Hạnh phúc lớn nhất là được lao động, sáng tạo và cống hiến
- "Học và làm theo Bác để hoàn thiện mình"
- Phó giám đốc có nhiều sáng kiến hữu ích
- "Cao su vẫn là cây công nghiệp có giá trị lớn của Bình Phước"