Các CTCS Tây Nguyên hiện phải đối mặt với những khó khăn, thử thách rất lớn trong vấn đề tiêu thụ và xuất khẩu, nhất là trong tình hình hiện nay khi giá mủ cao su liên tục giảm sút.
Nhìn vào điển hình Chư Prông
Mặc dù là vùng cao su trọng điểm thứ hai của VRG, nhưng trong những năm qua phần lớn các đơn vị Tây Nguyên chưa thật sự quan tâm, chú trọng đến công tác xây dựng thị trường. Mặt khác, thường xuyên bỏ ngỏ vấn đề chất lượng của sản phẩm dẫn đến không có được những bạn hàng truyền thống, hợp đồng dài hạn với những thị trường lớn, khó tính và đòi hỏi chất lượng nghiêm ngặt. Hiện các đơn vị này có tỷ lệ xuất khẩu cao su trực tiếp khá khiêm tốn, chủ yếu là nội tiêu, ủy thác xuất khẩu và xuất khẩu sang Trung Quốc qua con đường tiểu ngạch.
Nhìn vào thực trạng cơ cấu sản phẩm của các đơn vị Tây Nguyên trong một vài năm gần đây không có gì đa dạng, chủ yếu là mủ cốm 3L, SVR 5, 10, 20 và mủ RSS. Hiện chỉ có Công ty TNHH MTV Cao su Chư Prông là đơn vị tiên phong trong số các đơn vị trên địa bàn khi liên tục xây dựng thêm dây chuyền sản xuất chủng loại mới. Cụ thể năm 2010, công ty đã đưa vào khai thác dây chuyền mủ ly tâm và đầu năm 2014 công ty tiếp tục đưa dây chuyền chế biến mủ CV vào sản xuất.
Theo ông Phan Sỹ Bình – TGĐ công ty thì: “Để có được kết quả như hôm nay, chúng tôi đã bắt đầu xây dựng thị trường, mở rộng và tiến hành ký kết hợp đồng dài hạn với các đối tác là những tập đoàn lớn trên thế giới từ năm 2007. Qua quá trình làm việc, trao đổi chúng tôi đã nhận ra rằng muốn giữ được những bạn hàng này thì chất lượng sản phẩm của chúng tôi phải thật sự tốt và hoàn toàn có thể đáp ứng được các tiêu chí mà phía đối tác cần. Đồng thời, nhằm đáp ứng trong mọi hoàn cảnh, công ty chúng tôi đã liên tục bổ sung thêm một số dây chuyền để đa dạng hóa sản phẩm nếu khách hàng cần”.
Chính vì có sự nhận thức rõ ràng về thị trường, về chất lượng và chủng loại sản phẩm từ nhiều năm qua nên năm 2014, Công ty TNHH MTV Cao su Chư Prông đã chủ động được đầu ra cho sản phẩm của mình. Đến hết 25/8/2014 công ty đã bán được 3.667 tấn, chiếm 42% kế hoạch cả năm. Với kế hoạch được VRG giao khai thác 8.350 tấn thì công ty gần như đã bán hết. Cụ thể: Hợp đồng dài hạn chiếm 2.200 tấn, 2.000 tấn bán cho Công ty Cao su Đà Nẵng, xuất khẩu và ủy thác xuất khẩu cho VRG 1.500 tấn. Đặc biệt năm 2014 này công ty đã có đơn hàng mủ CV 50 – 60 giao cho các nước Malaysia, Ấn Độ và Tây Ban Nha 1.500 tấn, số còn lại 1.700 tấn, tương đương 19% sẽ bán cho các thị trường khác.
Cần bắt tay xây dựng thị trường dài hạn ngay từ bây giờ
Theo tìm hiểu của chúng tôi, các công ty Tây Nguyên vẫn khá bế tắc về thị trường mới, còn phụ thuộc quá nhiều vào thị trường mậu biên với Trung Quốc, chủ yếu tiêu thụ nội địa và ủy thác xuất khẩu cho VRG. Trong năm 2014, tỷ trọng xuất khẩu trực tiếp của các đơn vị Tây Nguyên còn khá thấp, vẫn ít có đơn hàng đi Châu Âu, Mỹ hay thị trường khác. Trao đổi với Phó TGĐ Công ty TNHH MTV Cao su Kon Tum, ông Lâm Xuân Lịch cho biết: “Năm 2014 VRG giao công ty khai thác 14.000 tấn. Về tiêu thụ đến nay lượng tồn kho của công ty còn khoảng 1.000 tấn, chủ yếu là mủ 3L, các mặt hàng khác vẫn bán được nhưng không chạy, giá thấp, rời rạc, chủ yếu là nội tiêu và ủy thác xuất khẩu”.
Tương tự Công ty Kon Tum, TGĐ Công ty TNHH MTV Cao su Ea H’leo Nguyễn Toàn Nhân cho hay: “Từ đầu năm đến nay, công ty đã khai thác được 47,56% trong kế hoạch 5.600 tấn mà VRG giao. Hiện chúng tôi mới chỉ bán được 1.700 tấn, còn tồn kho 1.400 tấn, thị trường chính là nội tiêu và ủy thác cho VRG. Tình hình từ nay đến cuối năm công ty sẽ gặp rất nhiều khó khăn, bởi không thể chủ động về thị trường. Thời gian qua đơn vị chưa thật sự chú ý, quan tâm đến việc xây dựng thị trường cũng như chú trọng đến chất lượng sản phẩm, bởi vậy trong điều kiện giá cả thấp, đòi hỏi của khách hàng lại khắt khe nên công ty gặp quá nhiều khó khăn trong công tác tiêu thụ”.
Trong 7 CTCS Tây Nguyên đang khai thác, chế biến cao su thì hầu hết vẫn thực hiện việc xuất hàng theo hợp đồng chuyến, mang tính thời vụ. Đến nay, các đơn vị trên mới bắt đầu bắt tay mạnh mẽ vào việc xây dựng thị trường mới, thị trường dài hạn. Và để làm được như Công ty TNHH MTV Cao su Chư Prông thì các đơn vị phải mất ít nhất 5 năm.
Văn Vĩnh
Related posts:
- Chứng khoán lại lao dốc mạnh
- Nệm Đồng Phú khai trương Showroom thứ 6 tại Gia Lai
- Động lực thúc đẩy các nhà sản xuất cao su có sức bật trở lại
- Giá cao su đầu năm 2021 khởi động đà tăng mới
- Tập trung thống nhất một thương hiệu là cần thiết
- Giá cao su Nhật Bản lên cao nhất kể từ tháng 2
- Cao su Đồng Phú chia cổ tức 50%
- Khánh thành Nhà máy phân bón Hà Gianh
- "ANRPC sẽ can thiệp để bình ổn giá cao su"
- Cập nhật quan trọng của EUDR và các lưu ý trong chứng nhận FSC-STD-40-004