Người gắn bó với 1 chu kỳ cây cao su

Đến nay, Công ty TNHH MTV Cao su Mang Yang đã tròn 30 năm, một đời cây cao su đã đi qua và đã đến lúc có nhiều con người chia tay với vườn cây, tạm biệt công việc. Những người đã từng đặt cây cao su đầu tiên trên vùng đất được mệnh danh là cổng trời này đã chuyển tiếp sự nghiệp phát triển cao su cho thế hệ trẻ.
Tiêu biểu trong số đó có chị Tống Thị Tính, người từng là công nhân, cán bộ của NT Đoàn Kết.

Khởi nghiệp từ năm 1977 khi cùng gia đình đi xây dựng kinh tế tại NT Thuận Phú (Công ty CPCS Đồng Phú), đến năm 1984 khi Công ty Cao su Mang Yang được thành lập, chị cùng gia đình theo lớp đàn anh lên Tây Nguyên lập nghiệp. Công việc ban đầu của người con gái xứ Thanh là công nhân, rồi đội trưởng vườn ươm cho NT Tân Bình (nay là NT Đoàn Kết). Với kinh nghiệm nhiều năm làm việc tại NT Thuận Phú, chị đã vận dụng tối đa kiến thức đã học để xây dựng vườn ươm cho nông trường, cho công ty có được những cây cao su tốt nhất khi mang ra trồng.

Quê hương Thiệu Hóa – Thanh Hóa của chị vốn đã nghèo khó nên chị phải tìm vùng đất mới để lập nghiệp. Khi đến với vùng đất đỏ bazan màu mỡ, chị đã nhủ lòng sẽ là nơi ta gắn bó suốt đời, là nơi làm thay đổi cuộc sống. Chính vì thế, suốt thời gian làm cao su chị chưa một ngày ngừng phấn đấu.

Chia sẻ về những ngày đầu làm cao su, chị tâm sự: “Gần 30 năm làm cao su, cuộc đời tôi đã chứng kiến nhiều thăng trầm lắm. Bắt đầu từ người công nhân, đến đội trưởng vườn ươm, rồi kế toán nông trường, thủ quỹ, thủ kho, rồi lại điều đi làm Tổ trưởng khai thác, đến Tổ trưởng chăm sóc… nhưng lâu nhất là Trưởng ban nữ công và Thường vụ Công đoàn, đúng 20 năm. Với từng ấy công việc tôi đã chứng kiến cả một chu kỳ của cây cao su với biết bao vui buồn, đắng cay và vị ngọt của nó. Lúc cao su thấp giá, cuộc sống cũng khó khăn khốn đốn, lúc cao giá cũng được hưởng thụ những gì nó mang đến cho mình. Vì thế tôi rất trân trọng và quý báu quãng thời gian gắn bó với cây cao su”.

 Dù nghỉ hưu nhưng chị Tính vẫn còn quan tâm, gắn bó và cống hiến cho đơn vị, cho ngành cao su.

Dù nghỉ hưu nhưng chị Tính vẫn còn quan tâm, gắn bó và cống hiến cho đơn vị, cho ngành cao su.

Trong câu chuyện của mình, chị kể cho chúng tôi về thời kỳ khó khăn nhất mà chị phải trải qua. Đó là thời gian từ 1988 – 2000 khi công ty thực hiện việc giảm biên chế vì cán bộ sinh nhiều con. Tuy nhiên, đây chưa phải là quãng thời gian nhiều cảm xúc nhất với chị trong cuộc đời làm cao su của mình.

Chị cho hay: “Thời gian tôi làm tổ trưởng mới thật sự vất vả với tình hình trộm cắp mủ cao su, rồi trộm phân bón…Địa bàn tổ tôi phụ trách giáp với khu vực người địa phương với nhiều thành phần phức tạp. Là phụ nữ, tôi nào biết uống rượu, bia nhưng thỉnh thoảng cũng phải mang vài cân lòng lợn, ít lít rượu đế vào làng, ra thôn ngồi uống với thanh niên nam nữ trong làng để tạo mối quan hệ tốt, góp phần giảm tệ nạn trộm mủ”.

Nay chị đã nghỉ hưu, nhường chỗ cho thế hệ sau để về với vườn cà phê, tiêu…nhưng chị vẫn được mọi người kính trọng, được nông trường tin tưởng mời giữ chức Trưởng ban liên lạc hưu trí của nông trường. Cùng với đó chị cũng được bà con láng giềng tin tưởng mời làm Bí thư tổ dân phố, rồi cộng tác viên dân số kế hoạch hóa gia đình…

Có điều kiện tốt về thời gian và kinh tế, chị vẫn thường xuyên dành thời gian cho cao su, với công nhân cao su. Hiện giờ, mỗi khi có sự kiện lớn nông trường vẫn mời chị đến dự, thỉnh thoảng được lãnh đạo nông trường, công ty thông báo tình hình sản xuất kinh doanh của đơn vị.

Với người công nhân, chị vẫn thường xuyên gặp gỡ trên cương vị là người đi trước, là cộng tác viên dân số để tuyên truyền về kế hoạch hóa gia đình. Những lần gặp, chị vẫn nói để thế hệ trẻ biết và hiểu về truyền thống của ngành cao su, của nông trường và công ty. Nhiều bạn trẻ đã đặt câu hỏi về tâm huyết của chị với cây cao su, về lý do chị gắn bó lâu dài, chị bày tỏ: “Cây cao su là cây rất tình người, nó đã nuôi sống và giúp nhiều cuộc đời thoát được nghèo. Ngành cao su có được như hôm nay chính là nhờ sự đoàn kết một lòng của lãnh đạo, CBCNV và người lao động đơn vị”.

Văn Vĩnh