Giữa tháng 8/2014, trên một số phương tiện thông tin đại chúng đăng tải bài “Ai đe dọa rừng thiêng Pỏm Om?” với nhiều thông tin cáo buộc NT Quế Phong (thuộc Công ty ĐT&PT Cao su Nghệ An) đã tự ý đưa máy móc san ủi rừng thiêng của bản Pỏm Om, trồng cao su lên phần đất đã được huyện cấp sổ đỏ cho bản, dùng hóa chất để diệt trừ rừng.
Để tìm hiểu thêm bản chất sự việc, chúng tôi đã lên tận nơi, tiếp xúc với các bên liên quan.
Không có mốc ranh giới
Tiếp xúc với chúng tôi, ông Lương Tiến Lê, Chủ tịch UBND xã Hạnh Dịch, huyện Quế Phong cho biết: “Theo văn bản của UBND tỉnh, đã giao hơn 3.000 ha đất trên địa bàn xã của Tổng đội TNXP 7 trước đây cho NT Quế Phong để thực hiện qui hoạch trồng cao su, trong thời gian từ 2011-2015. Năm 2012, UBND huyện Quế Phong đã cấp sổ đỏ cho cộng đồng bản Pỏm Om với diện tích hơn 240 ha, thuộc tiểu khu 85. Đất của NT Quế Phong thuộc tiểu khu 86, phần đất giáp ranh không có mốc giới cụ thể. Cho nên khi máy móc của NT thi công đường đồng mức, phát thực bì đã lấn sang một phần diện tích của tiểu khu 85, thuộc phần rừng nghèo, chủ yếu là lau lách”.
Bản chất của việc lấn chiếm nói trên, theo ông Lê, chỉ là vô tình do bộ phận trồng cao su chưa rõ ranh giới giữa hai khu đất. Sau khi sự việc xảy ra, các bên đã có làm việc, bàn bạc, thống nhất việc giữ nguyên hiện trạng. Toàn bộ diện tích cây cao su đã trồng, NT sẽ để lại cho bà con trong bản chăm sóc, sử dụng. Phía dân bản cũng không đòi hỏi bồi thường gì thêm. Hai bên thống nhất sẽ mời cơ quan chức năng xác định lại mốc giới cụ thể rõ ràng hơn.
Thiếu tá Nguyễn Đình Kiệm, bộ đồn Biên phòng kiêm Phó Bí thư Đảng ủy xã Hạnh Dịch cho rằng: “Địa phương chúng tôi rất vui mừng vì có dự án cao su triển khai trên địa bàn, tạo công ăn việc làm, thu nhập cho người dân, góp phần xóa đói giảm nghèo, an ninh biên giới được giữ vững. Nguyên nhân của sự việc lấn đất vừa qua là do chưa được các cơ quan thẩm quyền cắm mốc phân rõ ranh giới giữa các lô, khoảnh, tiểu khu, bản chất sự việc không có gì đến nỗi như báo chí phản ánh”.
Cấp đất chồng đất
Ông Lê Hữu Huy, Phó TGĐ Công ty ĐT&PT CS Nghệ An kiêm Giám đốc NT Quế Phong cho biết: “Ngoài lí do như chưa xác định rõ mốc giới thì nguyên nhân chính của sự việc vừa qua là phía huyện Quế Phong đã cấp đất chồng lên nơi đã cấp cho Tổng đội TNXP trước đây”.
Cụ thể, theo ông Trần Ngọc Thắng, TGĐ công ty, phần đất mà UBND huyện Quế Phong đã cấp cho dân bản Pỏm Om vào ngày 19/6/2012 là trùng với diện tích đất của Công ty đã được UBND tỉnh Nghệ An phê duyệt tại Quyết định số 3192 ngày 14/9/2001. Ngoài ra, huyện Quế Phong còn cấp đất cho các bản: Khốm, Pà Cọ, Pà Kỉm, Chiếng, xã Hạnh Dịch với diện tích hơn 1,8 triệu m2, tất cả đều thuộc các vùng đất đã được UBND tỉnh giao cho công ty từ năm 2001. Điều đáng nói là diện tích đất thuộc các bản Pà Cọ, Pà Kỉm được huyện cấp cho bản sau khi công ty đã khai hoang, san hạ các đường đồng mức và đã triển khai trồng cao su.
Do đó, Công ty ĐT&PT CS Nghệ An đã có văn bản gửi UBND huyện Quế Phong, đề nghị thu hồi sổ đỏ đã cấp cho cộng đồng các bản Pỏm Om, Bản Khốm, Pà Cọ, Pà Kỉm, Bản Chiếng thuộc xã Hạnh Dịch. Như vậy, nếu như UBND huyện Quế Phong trong quá trình cấp đất cho cộng đồng các bản thực hiện đúng qui trình, sau khi cấp đất tiến hành bàn giao thực địa với mốc giới cụ thể thì đã không xảy ra sự việc tranh chấp, khiếu kiện giữa người dân và doanh nghiệp.
P.V
Related posts:
- Các đơn vị miền núi phía Bắc: Hoạt động sản xuất kinh doanh dần ổn định
- Sôi nổi luyện tay nghề - Thi thợ giỏi
- Hiệu quả từ cây cao su trên quê hương Bác
- Chuyện ở nông trường cao su An Lộc
- Chủ động phòng chống cháy mùa khô
- Cao su Krông Buk – Ratanakiri tiêu thụ trên 119,8% kế hoạch
- Ấn tượng một chuyến đi "Cam"
- Chủ động phòng chống dịch Covid - 19 trên lô
- Công ty TNHH MTV Cao su Kon Tum: 40 năm vượt khó, khẳng định vị thế của doanh nghiệp Nhà nước trên v...
- Cao su Chư Păh trao 2.380 hộp khẩu trang cho người lao động