Trong xã hội hiện nay, khi đời sống văn hóa ngày càng phát triển thì nhận thức người dân không ngừng nâng lên, việc tổ chức các hoạt động phong tục, lễ hội có phần cầu kỳ, màu sắc, sáng tạo hơn, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống, vươn tới một xã hội văn minh, hiện đại.
Tuy nhiên thực tế hiện nay, một bộ phận người dân, đặc biệt là người có chức quyền ở các cơ quan, doanh nghiệp Nhà nước muốn khẳng định vị thế của mình nên xem trọng việc phô trương quyền lực và sự giàu sang, hào nhoáng bề ngoài, xem nhẹ những giá trị tinh thần cao đẹp, đặc biệt là xem nhẹ các chuẩn mực văn hóa trong giao tiếp ứng xử, tạo sự bất bình trong xã hội. Trong phạm vi bài viết, xin được đề cập đến một khía cạnh văn hóa đối với một số quan chức được ví làm “công bộc của dân”: Văn hóa “Gửi thiệp “.
Tôi nhớ cách đây vài năm, con gái của một vị cán bộ cao cấp của cơ quan tôi đã chờ tôi có mặt ở công sở để trao tận tay tấm thiệp cưới của mình với lời mời trân trọng, chân tình của một người cháu. Hiện nay thì hành động này khá hiếm nhất là trong thời buổi “cái tôi” của người có quyền lực được đẩy cao chót vót. Việc gửi thiệp cưới, thiệp đám giỗ, thiệp đầy tháng, thôi nôi, tân gia thường rất khô khan chứ ít khi thấy biểu hiện của hai chữ nghĩa tình. Thiệp được gửi qua trung gian, có khi hai, ba vòng mới tới người nhận, điều này khiến người nhận buồn lòng, khó chịu.
Điều đáng nói là các vị cán bộ đáng kính không ở đâu xa, họ cũng công tác tại cơ quan, cũng gặp gỡ mọi người hằng ngày để trao đổi công việc, cũng vui vẻ cười nói, thế mà, khi muốn mọi người chia sẻ niềm vui với gia đình mình, họ lại hành xử như vậy, liệu có phù hợp với đạo lý hay không. Tiếc gì một chút thời gian, vài bước chân, vài lời mời, bởi suy cho cùng tấm thiệp không có lỗi, có chăng chính là việc người thực hiện sứ mệnh gửi nó đã không bày tỏ nội dung mà nó chứa đựng.
Cách đây không lâu, một vị công chức xã đã gửi thiệp cưới con mình cho một số người ở một công ty qua trung gian một… cây xăng. Trời ạ, gần một tuần qua chưa thấy ai nhận. Không biết những tấm thiệp vô tri vô giác ấy có đến kịp với người nhận hay không, nhưng nếu nhận được thì có lẽ họ sẽ buồn hơn vui rồi “miễn cưỡng thực thi nhiệm vụ”.
Thiết nghĩ, một số vị quan chức cần nên xem lại các chuẩn mực về văn hóa ứng xử, bởi lẽ không riêng gì chuyện “Gửi thiệp ” mà còn liên quan đến rất nhiều hành vi khác trong công tác và đời sống. Biết nhìn nhận và điều chỉnh lại thái độ cư xử của mình, bớt đi “cái tôi” cố hữu sẽ giúp cho việc lãnh đạo, điều hành tốt hơn, đặc biệt là nêu cao đạo lý nghĩa tình vốn dĩ đã ăn sâu vào tư tưởng, phong tục tập quán của người VN.
Lê Ngọc Cẩn
(Văn phòng Đảng ủy-Công ty TNHH MTV Cao su Bà Rịa)
Related posts:
- Hãy vì hạnh phúc gia đình!
- 9 đại biểu VRG tham dự Đại hội Thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ X
- Trên 600 vận động viên tham gia Hội thao khu vực Đông Nam bộ
- Khai mạc giải bóng chuyền nam truyền thống Cao su Dầu Tiếng
- Mè nghệ xen canh
- Xin mãi được đồng hành
- Hoài niệm một loài cây
- Cao su Phú Riềng nhất toàn đoàn Hội thao khu vực Đông Nam bộ
- Phát hiện một trái đạn trong lô
- Bóng chuyền nữ Tập đoàn Cao su - Bình Phước gặp nhiều đối thủ mạnh