Ngành cao su VN đã đạt được nhiều thành tựu nổi bật về sản xuất nguyên liệu cao su thiên nhiên (CSTN). Đến năm 2013, VN đã vươn lên dẫn đầu về năng suất cây cao su (1,74 tấn/ha) và chiếm vị trí thứ ba về sản lượng, duy trì được vị trí thứ 4 về xuất khẩu trên thị trường thế giới. Sản lượng CSTN VN còn nhiều tiềm năng để tăng từ 1 triệu tấn ước đạt trong năm 2014 lên 1,2 -1,4 triệu tấn vào năm 2020.
Tuy nhiên nghịch lý là ngành công nghiệp chế biến sản phẩm cao su trong nước vẫn phải nhập khẩu 313.000 tấn cao su nguyên liệu, trong đó là 270.000 tấn CSTN. Đây là con số thống kê trong năm 2013, mặc dù đã giảm 10,6% so năm 2012 nhưng vẫn là một con số nói lên nghịch lý hiện nay giữa sản xuất và tiêu thụ cao su nguyên liệu.
Nói như TGĐ VRG Trần Ngọc Thuận “sản xuất cao su nhiều là tốt chứ không phải xuất khẩu thô nhiều là tốt”. Để giải quyết bất cập này, theo TGĐ, cần có sự gắn kết giữa nhà sản xuất và nhà tiêu thụ, phải có sự gặp gỡ nhau nhiều hơn, hợp tác trên tinh thần đôi bên cùng có lợi.
Trước đây, khi giá cao su cao, quan hệ này theo hướng DN cung cấp nguyên liệu “nằm ở kèo trên”, chú trọng xuất khẩu mà chưa mặn mà với thị trường trong nước. Khi ở đỉnh cao xuất khẩu, tiêu thụ thuận lợi, DN sản xuất CSTN cũng chưa quan tâm đến chủng loại, cơ cấu sản phẩm. Nói cách khác là quên mất thị trường trong nước.
Số liệu đưa ra tại Hội thảo về đẩy mạnh tiêu thụ cao su trong nước vừa qua cho thấy chủng loại chủ yếu để sản xuất cao su công nghiệp – lốp xe là SVR 10, SVR 20, RSS 3 các nhà cung cấp trong nước sản xuất rất ít. Cụ thể, năm 2013, ngoài SVR 10 chiếm 22,6% cơ cấu sản phẩm thì SVR 20 chỉ có 1,4% và RSS 3 là 4,9%. Bởi vậy DN sản xuất cao su công nghiệp buộc phải nhập khẩu từ nước ngoài với giá cao.
Một lý do khác là chất lượng nguồn nguyên liệu cũng không ổn định. Đặc thù sản xuất lốp xe đòi hỏi nguyên liệu phải ổn định về chất lượng. Hiện tại ngoại trừ các DN Nhà nước thuộc VRG có sản phẩm đáp ứng tiêu chuẩn sản xuất thì 3 DN lốp xe lớn thuộc Tập đoàn Hóa chất rất ngại tìm đến các nhà máy chế biến cao su tư nhân chất lượng kém. Ông Hà Phúc Lộc – Phó TGĐ Công ty CPCS Đà Nẵng, 1 trong 3 DN thuộc Vinachem cho biết, Cao su Đà Nẵng sẽ tiêu thụ 45.000 tấn cao su nguyên liệu, chủ yếu 3 chủng loại trên cho vào năm 2020. Tổng cộng 3 đơn vị sẽ lên đến khoảng 135.000 tấn. Trong khi đó do nguồn cung không lớn từ các DN cung cấp uy tín nên họ phải nhập khẩu. Như vậy có thể nói lý do chính cho nghịch lý là từ số lượng và chất lượng nguồn cung, bằt nguồn từ chủng loại.
Nhận thức được điều này, bắt đầu từ 2014 VRG sẽ đẩy mạnh tái cơ cấu chủng loại sản phẩm. Ngoài đáp ứng thị trường trong nước và cũng nhắm đến cung ứng cho bạn hàng xuất khẩu truyền thống theo hướng sản xuất những gì thị trường cần. Đây cũng là giải pháp tối ưu nhằm giữ vững khâu tiêu thụ ổn định của VRG trong thời gian tới, đối phó với những bất lợi từ giá cả thị trường.
Quốc An
Related posts:
- Vững tin vượt khó
- Tất cả vì người lao động
- Truyền thống là động lực vượt khó
- Trân trọng quá khứ - vững tin hiện tại - mạnh mẽ tương lai!
- "Chú trọng khen thưởng người lao động trực tiếp sản xuất"
- Vì một nền nông nghiệp hiện đại, bền vững
- Tái cơ cấu ngành nông nghiệp bắt đầu từ đâu?
- Nỗ lực cao độ, kết quả khả quan
- Quy định chống phá rừng của liên minh châu Âu - cơ hội mới cho ngành cao su Việt Nam
- Nụ cười người về đích