Đó là nhận định của ông Lê Hảo – Nguyên Chủ tịch Công đoàn Công ty CPCS Hòa Bình. Ông Lê Hảo nghỉ hưu tháng 7/2014, sau 33 năm cống hiến cho ngành cao su và 27 năm công tác trong lĩnh vực Công đoàn. Ông là mẫu người tận tụy, say mê với công việc, luôn trăn trở những khi đơn vị gặp khó khăn ảnh hưởng đến đời sống của công nhân cao su.
33 năm cống hiến cho ngành cao su
Ông Hảo sinh năm 1954 tại xã Triệu Trạch, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị. Năm 1981, ông vào làm công nhân cao su tại Nông trường Hòa Bình, đây là đơn vị thuộc vùng sâu và xa nhất của Công ty Cao su Đồng Nai. Ông chia sẻ về kỷ niệm khó quên của năm đầu tiên làm công nhân cao su: “Hai vợ chồng tôi được nhận làm công nhân và giao 2 mẫu đất rừng nguyên sinh, khai hoang bằng thủ công trong điều kiện ăn ở thiếu thốn gặp nhiều khó khăn. Thế mà 30 ngày đã thực hiện hoàn thành, trong khi không ít người phải bỏ đi nửa chừng do bệnh sốt rét, rất xa nơi điều trị… Nghĩ lại, tôi thấy sao ngày trước mình có thể làm việc quên ăn quên ngủ như vậy”.
Năm 1987, ông Hảo làm kế toán, thống kê, bảo hộ lao động Nông trường Hòa Bình, Phó Chủ tịch Công đoàn cơ sở. Năm 2004, ông giữ chức vụ Chủ tịch Công đoàn Công ty CPCS Hòa Bình. Ông vừa mới nghỉ hưu tháng 7/2014. Kể lại thời gian khó, ông tâm sự: “Quá trình công tác vui nhất là những lúc đời sống công nhân lao động có thu nhập đầy đủ kể cả tiền lương và đời sống tinh thần… Thời kỳ bao cấp sung sướng khi được phân phối lương tháng 13, 14, tiền thưởng và tham quan Đà Lạt… được cấp trên về chiếu phim phục vụ, được trang bị máy phát để xem tivi… Điều buồn cười là hàng hóa thiếu thốn đến nỗi 2, 3 công nhân bốc thăm 1 cái quần đùi, 1 xăm xe đạp…”
Phải có nhiều chính sách đãi ngộ thu hút người lao động
Nói về những tháng năm công tác trong lĩnh vực Công đoàn, ông chia sẻ: “Bản thân tôi thấy hạnh phúc với công tác Công đoàn. Đặc biệt, đơn vị tôi có tình đoàn kết cao, công việc phối hợp hài hòa, đời sống việc làm của người lao động – đoàn viên có thu nhập ổn định. Điều làm tôi trăn trở là khi điều kiện thiên nhiên đôi lúc không ưu đãi đối với công nhân công ty. Đó là việc 2 cơn bão liên tiếp xảy ra (bão số 9 năm 2006 và số 1 năm 2009) làm thiệt hại nặng nề và ảnh hưởng lâu dài đến hoạt động kinh doanh, thu nhập đời sống người lao động và cả phong trào thi đua hoạt động Công đoàn sau này.
Ông cha xưa có dạy rằng: An cư mới lạc nghiệp, liên hệ công tác, tôi cứ suy nghĩ mãi. Hoạt động ngành cao su phụ thuộc nhiều yếu tố khách quan, do vậy cũng có lúc thuận lợi, lúc khó khăn. Làm công tác tuyên truyền giáo dục phải kịp thời, sâu rộng, thuyết phục để người lao động hiểu, chấp nhận và tin tưởng vào sự lãnh đạo, quản lý nhằm khắc phục vượt qua khó khăn ổn định cuộc sống, xứng đáng truyền thống giai cấp công nhân cao su Việt Nam.
Những lúc những nơi người lao động – đoàn viên chưa đồng hành và cảm thông hoặc có biểu hiện quay lưng với doanh nghiệp là nơi đó người cán bộ chưa hiểu và chia sẻ những cái vui, buồn của họ? Kinh nghiệm làm tốt công tác của tôi là: Tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, chia sẻ khó khăn với cán bộ cấp dưới và gần gũi thấu hiểu người lao động hơn”.
Ngọc Cẩm
Related posts:
- Điển hình phát triển kinh tế gia đình ở Cao su Phước Hòa
- “Phần thưởng ý nghĩa trước ngày cưới”
- Nữ công nhân "Giỏi việc nước - Đảm việc nhà"
- Nữ công nhân tận tâm với công việc
- Người “giữ lửa” các phong trào ở Cao su Chư Sê
- Trí thức trẻ tâm huyết với ngành
- Người chọn cao su phát triển sự nghiệp
- Chuyện người thầy thuốc "đụng đâu học đó"
- Nàng Châu Long thời hiện đại
- Gặp những công nhân điển hình ở Cao su Chư Păh