Trong những năm qua tỉnh Kon Tum đã có những chủ trương, chính sách hỗ trợ đầu tư phát triển cao su. Trước tình hình khó khăn như hiện nay, tỉnh đã có nhiều giải pháp tích cực.
Xác định hiệu quả của cây cao su
Việc phát triển cây cao su theo chủ trương của Chính phủ và định hướng quy hoạch đã góp phần phát triển kinh tế xã hội trên địa bàn tỉnh, thúc đẩy quá trình khai thác quỹ đất trồng cao su, thu hút các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh đầu tư. Ngoài ra còn tạo thêm nhiều việc làm, từng bước nhận thức được lợi ích và hiệu quả lâu dài của cây cao su đối với việc phát triển kinh tế hộ gia đình cho nhân dân trên địa bàn, đặc biệt là người đồng bào dân tộc thiểu số.
Theo rà soát của các địa phương trong tỉnh Kon Tum, hiện có 34,2 ha cao su được người dân tự phát chuyển đổi sang trồng cây khác như cà phê, tiêu. Tại huyện Sa Thầy 10 ha; Ngọc Hồi 6 ha; Đăk Hà 18,2 ha, trong đó 12 ha là diện tích cao su trong thời kỳ kinh doanh và 22,2 ha trong thời kỳ KTCB do vườn cây mật độ không đảm bảo, trồng không đồng đều, sinh trưởng phát triển kém.
Trước tình hình trên, UBND tỉnh đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn cử cán bộ xuống các địa phương tuyên truyền, vận động người dân không nên chặt phá cao su. Đồng thời hướng dẫn người dân kỹ thuật chăm sóc, thâm canh lại những vườn cao su sinh trưởng phát triển kém và hướng dẫn phương pháp khai thác, cạo mủ đúng kỹ thuật.
Mức đầu tư cho cây cao su trong thời kỳ kiến thiết cơ bản khoảng 14-17triệu đồng/ha/năm và trong thời kỳ kinh doanh khoảng 12-17 triệu đồng/ha/năm. Từ năm 2010 đến 6 tháng đầu năm 2014, lợi nhuận bình quân trong sản xuất cao su từ 8,5 – 102 triệu đồng/ha/năm tùy thuộc vào năng suất, giá mủ cao su từng thời điểm.
Chuyển đổi cơ cấu giống và trồng đúng quy hoạch
Việc phát triển cao su trên địa bàn tỉnh còn gặp nhiều khó khăn như việc sử dụng giống đối với diện tích cao su tiểu điền của người dân tự phát, khó kiểm soát. Điều kiện kinh tế xã hội một số địa phương còn khó khăn nên mức độ đầu tư thâm canh vườn cây còn thấp ảnh hưởng đến chất lượng và kéo dài thời gian KTCB vườn cây.
Xuất phát từ khó khăn trên, để duy trì vườn cây thì chính quyền địa phương cần phối hợp với các tổ chức đoàn thể tăng cường công tác tuyên truyền, vận động người dân, các doanh nghiệp phát triển cao su theo đúng quy hoạch đã được phê duyệt.
Chuyển đổi cơ cấu giống cao su đối với diện tích cao su già cỗi hết chu kỳ khai thác bằng các giống cao su theo cơ cấu giống khuyến cáo của Viện NCCS VN; lựa chọn cây trồng phù hợp để trồng xen vườn cây cao su trong thời kỳ kiến thiết cơ bản để tăng thu nhập; giảm chi phí đầu tư phù hợp đối với vườn cây giai đoạn kinh doanh khi giá thị trường thấp để đảm bảo duy trì sinh trưởng vườn cây.
Thực hiện chính sách hỗ trợ người trồng cao su mua bảo hiểm vườn cây; chính sách vay vốn lãi suất thấp trong thời gian kiến thiết cơ bản vườn cây; và tổ chức thực hiện liên kết hợp đồng thu mua sản phẩm theo giá bảo hiểm ngay đầu vụ giữa doanh nghiệp và hộ trồng cao su.
M.Phương – Kim Sơn
Related posts:
- Công tác Nông nghiệp VRG: Sẵn sàng cho tương lai
- Xử lý nước thải không dùng hóa chất
- Để vườn cây chất lượng tốt, năng suất cao
- Phun phòng trị phấn trắng - giải pháp hiệu quả cho vườn cao su ở Tây Nguyên
- Apollo Tires phát triển lốp xe du lịch với 75% vật liệu bền vững
- Nâng cao năng suất, chất lượng vườn cây khu vực Tây Nguyên
- Sáng kiến làm lợi cho đơn vị hơn 4 tỷ đồng
- Thu gom mủ tự động - sáng chế hữu ích
- Chủ động phun phòng bệnh phấn trắng trên vườn cây Tây Nguyên
- Sẽ rà soát toàn diện cơ cấu giống cao su