“Trường làng” quê tôi

 

Gần 30 năm kể từ ngày tôi bước chân vào trường tiểu học. Từ nhà tôi đi bộ đến trường chỉ khoảng 15 phút. Hồi đó, cái thời đi bộ, đi xe đạp nhiều hơn đi xe máy và tối tối bọn trẻ chúng tôi phải chạy đi tìm nhà nào có ti-vi để vào xem ké, cha mẹ tôi hoàn toàn không cần bận tâm xem con mình phải học ở đâu (mà cũng không có thời gian để lựa chọn). Trẻ đến tuổi thì đương nhiên vào học trường gần nhà nhất cho tiện đi lại.

Ảnh: Dzũng Nguyên
Ảnh: Dzũng Nguyên

Đi, về đều phải đi bộ một mình, có hôm tôi nhặt được một đồng tiền (loại tiền 1 đồng làm bằng kim loại), không biết sao thằng bạn nói tôi ăn cắp. Tôi bị ba bắt cúi đánh đòn, chắc có lẽ thấy tội nghiệp nên nó minh oan cho tôi. Với bọn trẻ xóm tôi, chửi thề và đánh lộn là chuyện thường, song anh em tôi không đứa nào dám nhiễm thói hư vì ba tôi sẵn sàng phạt đòn. Ba rất chú trọng việc học và đã sớm dạy chúng tôi ý thức rằng chỉ có học giỏi mới thoát nghèo.

Tôi cũng sớm biết rằng nghèo dễ bị coi khinh nên cố gắng học giỏi, luôn đứng nhất nhì trong lớp và luôn có mặt trong đội tuyển dự thi ở trường xã, trường huyện. Đến nay, tôi vẫn thường qua lại với mấy bạn hồi nhỏ (vì nhà chúng tôi ở gần nhau). Tôi vẫn là đứa học cao nhất và duy nhất trong nhóm bạn cùng xóm. Vừa rồi, cô bạn học chung ngày trước làm nghề bán vải ở chợ nói với tôi về chuyện cho con vào lớp một, là trường học ở thị trấn mà cô ấy phải mất công đưa rước. Tôi hỏi sao không cho học trường gần nhà, chỉ đi bộ chút là tới (chính là trường chúng tôi học ngày xưa nay được dời vị trí và xây mới, đẹp hơn) và tôi giật mình khi nghe cô ấy trả lời “Thôi, trường đó toàn con dân cạo (công nhân cạo mủ) không hà, sợ nó học không được rồi hư mất”. Một anh bạn khác của tôi thì bảo rằng không muốn cho con học trường đó vì “ nó phức tạp lắm”.

Trời, hình như hai người đó quên mất chính tôi xuất thân từ xóm nghèo và cả nhóm chúng tôi đều đã học qua “trường làng” đó! Không biết từ lúc nào người ta lại mang nặng thành kiến tránh xóm công nhân lao động và chọn trường điểm mà quên rằng sự giáo dục ở gia đình mới là quan trọng nhất và có thể quyết định tất cả.

Trần Văn Phong

(Trợ lý Kỹ thuật, NTCS Lai Uyên, Cty CPCS Phước Hòa)