Ngày 30/7, TGĐ VRG Trần Ngọc Thuận đã có buổi làm việc với Viện NCCS, Ban Quản lý Kỹ thuật và các ban chuyên môn về giải pháp kỹ thuật bổ sung quy trình kỹ thuật (QTKT) 2012 nhằm mang lại hiệu quả tối ưu trong lĩnh vực nông nghiệp.
Định vị khu vực để đầu tư phù hợp
Theo ông Lại Văn Lâm – Trưởng ban QLKT, dù đầu tư giống nhau nhưng năng suất đạt được của các vùng khác nhau do điều kiện tự nhiên. Thêm vào đó, có những vườn cây độ tuổi bằng nhau, chất lượng giống tốt như nhau nhưng hiệu quả năng suất lại khác xa nhau do yếu tố quản lý của từng đơn vị. Vì vậy, để phát huy sự năng động quản lý tại cơ sở thì Tập đoàn cần phải xác định mức đầu tư hợp lý đối với từng vùng.
Có thể định vị khu vực để đầu tư thích hợp như nhóm 1 gồm các công ty miền Đông Nam bộ (ĐNB) có năng suất 2 tấn/ha trở lên, nhóm 2 là những công ty có năng suất 1,8 tấn/ha và nhóm 3 có năng suất 1,6 tấn/ha. Từ đó, xác định suất đầu tư tốt nhất ở ĐNB, lấy đó làm mốc để điều chỉnh mức đầu tư theo năng lực của mỗi vùng, nhằm tạo điều kiện cho các đơn vị chủ động chọn lựa giải pháp tích cực, thích hợp với điều kiện thực tế của mình.
Cùng quan điểm với Ban QLKT, ông Phan Thành Dũng – Quyền Viện trưởng Viện NCCS nhấn mạnh: “QTKT năm 2012 không phải bất biến mà cần bổ sung kịp thời để phù hợp với thực tế. Hiện nay vùng trồng cao su chủ lực và có năng suất cao nhất là ĐNB. Năng suất vườn cây là do nhiều yếu tố tạo thành như điều kiện đất đai, giống, khí hậu, chăm sóc… ngoài các yếu tố về kỹ thuật thì năng suất còn bị ảnh hưởng bởi yếu tố quản lý.
Về mục tiêu lâu dài của Tập đoàn hướng đến là tăng năng suất vườn cây, sản xuất bền vững, tăng năng suất lao động, áp dụng cơ giới hóa trong sản xuất. Thực trạng hiện nay cho thấy hiệu quả của việc sử dụng đất tại một số đơn vị còn thấp vì vậy nếu muốn đạt được mục tiêu đề ra thì Tập đoàn phải quyết liệt hơn nữa trong việc khảo sát đất. Trong quá trình kiểm tra nếu thấy đất không phù hợp thì Tập đoàn phải chỉ đạo không được trồng cao su trên diện tích đất xấu, không đem lại hiệu quả. Bên cạnh việc bổ sung những giải pháp vào QTKT thì các đơn vị cần phải quan tâm đến việc đào tạo đội ngũ cán bộ nông nghiệp giỏi, có chuyên môn cao”.
Những giải pháp kỹ thuật bổ sung sẽ áp dụng ngay trong năm 2014
Các công tác về giống, bón phân, trồng thảm phủ, thu hoạch mủ đều được đưa ra thảo luận tại cuộc họp và nhận được sự đồng thuận cao của các ban chuyên môn. Cụ thể, về công tác bón phân sẽ khuyến cáo bón phân tùy theo điều kiện của từng vùng, căn cứ vào thực trạng của đất và giống. Tỷ lệ dặm phải có khuyến cáo cụ thể tỷ lệ hàng năm để các công ty chủ động trong việc trồng cây giống…
Kết luận tại cuộc họp, TGĐ Trần Ngọc Thuận hoàn toàn nhất trí với những đề xuất giải pháp của Ban QLKT và Viện NCCS VN đưa ra. TGĐ cho biết, “Có thể nói, bổ sung những giải pháp kỹ thuật trong QLKT là một cuộc cách mạng trong công tác về quản lý đầu tư đối với lĩnh vực nông nghiệp. Cần phải xác định là đầu tư như thế nào để đem lại kết quả tối ưu. Nên nhận thức và có quan điểm phù hợp trong điều kiện tình hình thực tế, nếu những hạng mục nào không trực tiếp đầu tư cho vườn cây thì tạm thời dừng để tập trung đầu tư tăng năng suất vườn cây.
Trong thời gian sớm nhất, Ban QLKT và Viện NCCS cùng thống nhất và hoàn thiện giải pháp kỹ thuật, sau đó tham khảo ý kiến của cơ sở. Phải bổ sung giải pháp kịp thời và đưa vào áp dụng ngay trong năm 2014 để giải quyết những yêu cầu cấp bách trong tình hình hiện nay”.
Quỳnh Mai
Related posts:
- Sáng kiến giúp giảm chi phí sản xuất ván MDF mỗi năm hàng trăm triệu đồng
- Công nghệ xử lý nước thải của cao su Bình Long nhận giải sáng tạo kỹ thuật toàn quốc
- Phát huy hiệu quả của các phong trào thi đua
- Ban hành Quy chuẩn kỹ thuật nước thải sơ chế cao su
- Không bón phân vườn cây khai thác
- Bộ lá ổn định nhờ chú trọng phun phòng bệnh phấn trắng
- “Hô biến” bùn thải thành phân hữu cơ vi sinh
- Sáng kiến hiệu quả trong xử lý nước thải
- 23 phòng kiểm nghiệm cao su đạt tiêu chuẩn ISO/IEC 17025
- Quy trình chế biến mủ tờ ở Cao su Lộc Ninh