Đề tài nghiên cứu khoa học phải xuất phát từ thực tiễn sản xuất

Đó là ý kiến chỉ đạo của TGĐ VRG Trần Ngọc Thuận tại buổi làm việc với Ban Thường trực Hội đồng Khoa học Công nghệ (KH-CN) VRG ngày 10/7.
Đề tài nghiên cứu có dấu hiệu chững lại

Theo ông Phan Thành Dũng, quyền Viện trưởng Viện Nghiên cứu Cao su VN, hoạt động nghiên cứu KH-CN của Viện không ngừng mở rộng, tiếp tục nâng tầm, gắn chặt hơn với nhu cầu sản xuất và đã có những đóng góp quan trọng vào sự phát triển của Tập đoàn. Nhiều đề tài nghiên cứu KH được áp dụng vào thực tiễn, nâng cao hiệu quả sản xuất, bảo vệ môi trường và sử dụng hiệu quả nguồn quỹ phát triển KH-CN.

Thời gian qua một số đề tài nghiên cứu đang đi theo hướng hiện đại, các đơn vị đã phối hợp tốt với Viện để thực hiện các đề tài nghiên cứu có giá trị thực tiễn cao như các đơn vị Đồng Nai, Dầu Tiếng, Chư Prông… “Tuy nhiên việc sử dụng nguồn quỹ phát triển KH-CN trong các doanh nghiệp Nhà nước để tái đầu tư cho hoạt động nghiên cứu và phát triển CN trong thời gian qua còn gặp nhiều vướng mắc, bất cập do các quy định ngặt nghèo, thủ tục máy móc, “làm khó” hoạt động phát triển CN trong các doanh nghiệp. Hiện nay đề tài nghiên cứu KH có dấu hiệu chững lại”, ông Dũng bức xúc.

Các đại biểu tham quan mô hình trồng thảm phủ tại Công ty TNHH MTV Cao su Lộc Ninh. Ảnh: Phan Thắng
Các đại biểu tham quan mô hình trồng thảm phủ tại Công ty TNHH MTV Cao su Lộc Ninh. Ảnh: Phan Thắng

Đồng quan điểm trên, ông Nguyễn Hoàng Thái – Phó Ban Công nghiệp VRG cho biết, trong thời gian qua một số đơn vị đã ứng dụng có hiệu quả KH-CN vào sản xuất, các đề tài tiếp tục được theo dõi triển khai như “Dấu vết Carbon của sản phẩm” tại Công ty CP Cao su Phước Hòa và Công ty CP VRG Khải Hoàn; triển khai ứng dụng đề tài nghiên cứu “Hoàn thiện xử lý nước thải kết hợp thu hồi khí biogas” vào dự án sản xuất thử nghiệm tại Nhà máy Chế biến Cao su Hiệp Đức- Công ty TNHH MTV Cao su Quảng Nam…

Hiện nay các đơn vị thành viên đăng ký nhiều đề tài nghiên cứu nhưng “ngán” và “ngại” thuyết minh. Thực tế cho thấy có Quỹ phát triển KH – CN nhưng không giải ngân được, đó chính là rào cản các đơn vị thực hiện đề tài nghiên cứu KH.

Ưu tiên đề tài ứng dụng vào thực tiễn đơn vị

Có thể thấy, những năm trở lại đây các đề tài nghiên cứu khoa học được áp dụng vào thực tiễn, đem lại hiệu quả to lớn cho VRG. Phó TGĐ VRG Lê Xuân Hòe, cho rằng: Thời gian qua có nhiều đề tài KH, sáng kiến cải tiến kỹ thuật được triển khai ứng dụng thành công đem lại hiệu quả sản xuất. Nhưng bên cạnh đó vẫn có những đề tài KH mang tính lý thuyết, hình thức, chạy theo phong trào, chưa bám sát định hướng phát triển của ngành, dẫn đến việc sử dụng nguồn quỹ KH-CN không đúng mục đích. Các đề tài nghiên cứu trùng nhau giữa các đơn vị vẫn còn xảy ra. Thời gian tới cần tập trung đầu tư vào các đề tài nghiên cứu ứng dụng, đổi mới thiết bị, CN phục vụ trực tiếp vào lĩnh vực SXKD của đơn vị, mang lại hiệu quả kinh tế cao.

TGĐ VRG Trần Ngọc Thuận khẳng định, không thể phủ nhận vai trò của KH- CN trong thời gian qua đối với sự phát triển bền vững của VRG, thực tế cho thấy việc sử dụng nguồn quỹ phục vụ sáng kiến cải tiến kỹ thuật, cải tiến sản xuất của đơn vị là đúng mục đích và cần thiết. Các tiểu ban KH-CN rà soát xem xét những đề tài đã đăng ký, ưu tiên đề tài nghiên cứu ứng dụng vào thực tiễn đơn vị.

Sản xuất tại Nhà máy chế biến Công ty TNHH MTV Cao su Bình Long. Ảnh: Tùng Châu
Sản xuất tại Nhà máy chế biến Công ty TNHH MTV Cao su Bình Long. Ảnh: Tùng Châu

TGĐ chỉ đạo: Về lĩnh vực nông nghiệp, cần ưu tiên các đề tài nghiên cứu quy trình kỹ thuật bổ sung; định hướng cho những vùng không truyền thống để đầu tư đạt hiệu quả; sớm có các đề tài nghiên cứu về chẩn đoán dinh dưỡng, chế độ cạo phù hợp ngành cao su trong điều kiện hiện nay.

Về lĩnh vực công nghiệp, cần có những đề tài nghiên cứu sản xuất sạch, khuyến cáo không sử dụng axit sulfuric trong chế biến mủ ly tâm; nên có kết luận sớm về việc sấy dầu hay gas là hiệu quả; thử nghiệm đề tài xử lý nước thải kết hợp thu hồi khí biogas, nếu thành công ở Công ty Cao su Quảng Nam sẽ phổ biến thực hiện trong toàn ngành…

“Các đề tài nghiên cứu KH cần xuất phát từ yêu cầu thực tiễn, từ đề xuất của nhà KH, nhà quản lý chuyên ngành. Cần nghiên cứu thị trường và cơ cấu sản phẩm, nên sản xuất những gì thị trường cần, hạn chế những chi phí không cần thiết. Và cũng cần có những chế độ đãi ngộ tương xứng, khen thưởng kịp thời, tạo động lực nghiên cứu KH để KH-CN thực sự phát huy vai trò quyết định cho sự phát triển ngành cao su VN”, TGĐ VRG nhấn mạnh.

Nguyễn Hồng