Trong Bộ đề thi tìm hiểu 85 năm truyền thống ngành cao su có một câu hỏi về người công nhân được Thủ tướng Phạm Văn Đồng khen là “con người đẹp nhất” nhờ có năng suất khai thác cao gấp 3 lần người khác.
Qua tìm hiểu, chúng tôi tìm đến nhà cô Phạm Thị Liên, nguyên là công nhân cao su Nông trường Bình Lộc, TCT CS Đồng Nai. Nay đã ngoài 60 nhưng cô vẫn nhớ như in kỷ niệm được ra Hà Nội dự Hội nghị sáng kiến toàn quốc và được Thủ tướng Phạm Văn Đồng khen là “con người đẹp nhất”. Đối với cô đó là niềm vinh dự, tự hào nhất trong cuộc đời mình.
Sinh ra trong gia đình có 5 chị em gái ở Tân Uyên, Bình Dương, trong một lần chạy giặc ba mẹ cô ở lại đất Đồng Nai để sinh sống. Mẹ làm công nhân cao su, đến năm 1964 cô cũng theo chân mẹ vào vườn cây. Sau giải phóng cô về làm tại Nông trường Bình Lộc. Gia đình đông con, nghèo khó, là chị cả trong gia đình nên cô quyết tâm dù chịu cực chịu khổ cũng cố gắng phấn đấu có năng suất cao, thu nhập nhiều để nuôi các em.
Trong phong trào thi đua xây dựng và phát triển cây cao su từ năm 1975 đến 1980, riêng Công ty CS Đồng Nai xuất hiện hàng trăm chiến sĩ thi đua, hàng ngàn lao động tiên tiến trên tất cả các lĩnh vực. Nổi bật nhất là Phạm Thị Liên, người công nhân khai thác mủ có năng suất 5.949 kg/ năm, cao gấp 3 lần công nhân khác. Với thành tích đó, năm 1981, cô được tham dự Hội nghị sáng kiến toàn quốc tại Hà Nội.
Cô kể: “Vinh dự và tự hào lắm, lần đó tôi được bác Bảy Nghi đưa xuống Tổng cục, rồi được bác Sáu Dân đưa ra Hà Nội. Đi bằng máy bay, chao ôi, là công nhân cao su tôi cũng không nghĩ đến một ngày mình được ra Hà Nội, trong chuyến đi ấy nếu nói đến công nhân cao su trong toàn ngành thì chỉ có mình tôi được đi. Hãnh diện lắm, được chụp hình với bà Nguyễn Thị Định, được đồng chí Phạm Văn Đồng – Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng khen là: “Người công nhân cao su như Phạm Thị Liên là con người đẹp nhất”. Không những vậy tôi còn được tặng một chiếc xe đạp của Đức. Thời ấy, xe đạp đó mắc tiền lắm, ở đây không ai có cả”.
Khi nói đến việc có một câu hỏi liên quan về cô trong Bộ đề thi tìm hiểu 85 năm truyền thống ngành cao su thì cô ngạc nhiên lắm. Cô chia sẻ: “Gia đình tôi cả ba đời làm công nhân cao su, ở đây ai cũng biết đến tôi vì có nhiều thành tích trong quá trình công tác. Quả thật, tôi ngạc nhiên và bất ngờ khi biết tên mình nằm trong câu hỏi tìm hiểu về truyền thống ngành. Như thế thì hãnh diện còn gì bằng, tôi cảm thấy rất hạnh phúc và sung sướng lắm. Thành quả được ghi nhận, nay tên tuổi được nhiều người biết đến. Với một người công nhân như thế là quá tuyệt vời!”.
Cô nói, ngành cao su luôn làm đúng theo đường lối của Đảng, luôn quan tâm đến giai cấp công nhân, là ngành có truyền thống lâu dài vì vậy những phấn đấu, nỗ lực luôn được đền đáp, nếu làm tốt sẽ được khen thưởng, ghi nhận xứng đáng. Vì vậy dù cho có khó khăn đến mấy thì cũng bám trụ. Một đời gắn bó với cao su, nay nghỉ hưu cô vẫn làm công tác phụ nữ. Hàng năm vào dịp lễ, Tết, nông trường mời cô đến họp mặt và chung vui với đơn vị. “Đó là niềm vui, niềm hạnh phúc lớn lao khi là một trong những thành viên của đại gia đình cao su”, cô nói.
Quỳnh Mai
Related posts:
- Thạch Thông - công nhân dân tộc thiểu số tiêu biểu
- Rơ Lan Bleo - Chàng Jarai “tân tiến” của bản làng
- Góc nhìn khác về một con người tận tâm vì công việc
- Cần quan tâm hơn đến đời sống công nhân
- Gắn bó với cây cao su là cái duyên
- "Học và làm theo Bác để hoàn thiện mình"
- “Tôi học được ở Bác sự kiên định, tính kiên trì”
- Chuyên gia sáng kiến, cải tiến
- Phát huy truyền thống và sức trẻ, ngành sẽ vượt qua khó khăn
- Người nữ đội trưởng “đi đường Cồi” (*)