Thời gian trở lại đây khi lan rừng được nhiều người ưa chuộng, tranh thủ những lúc nông nhàn, bà con các thôn, làng ở xã Chư Hreng, TP Kon Tum lại khăn gói vào các cánh rừng sâu để hái lan, kiếm thêm thu nhập cải thiện đời sống.
Khi ông mặt trời gần xuống núi, dọc các con đường vào xã Chư Hreng, chúng tôi gặp những đoàn từ 5-7 người đi hái lan trở về. Bà Y Có (50 tuổi), làng Plei Groi, xã Chư Hreng cho biết: “Hoa Lan tiêu thụ nhanh, giá lại khá cao nên chúng tôi khăn gói, đùm cơm vào tận rừng sâu để hái lan mong kiếm thêm thu nhập”. Sau khi đi hái lan về, những giỏ lan được người dân đưa ra dọc các đường phố để bán cho người đi đường. Các loại lan như: Lan Tu, Lan Tạp… thường có giá trung bình từ 40 đến 80 ngàn/nhánh, còn các loại lan Trúc Phật Bà, Thủy Tiên, Giang Hương thì giá cao hơn, dao động từ 100 – 300 ngàn đồng mỗi giỏ.
Theo những người đi hái hoa lan rừng, lan mọc và phát triển quanh năm nhưng khoảng tháng 3 đến tháng 5 là thời điểm lan phát triển tốt nhất và nở hoa, nên thời gian này người dân tộc thiểu số ở xã Chư Hreng tập trung đi hái. Song hiện nay người đi hái lan ngày càng nhiều, những cánh rừng ở khu vực gần như ở Kon Plông, Sa Thầy lan đã ít dần. Bây giờ để kiếm được những loại lan quý, người dân phải lặn lội vượt hằng trăm cây số vào những cánh rừng già ở tỉnh Gia Lai, có người còn lên tận núi Ngọc Linh ở huyện Đăk Glei để tìm kiếm lan rừng. Ông A Ber (52 tuổi, ngụ làng Plei Rơ Hai, P.Lê Lợi) cho biết: “Tôi thường đi hái lan với 4-5 anh em ở xã Chư Hreng, nếu đi các cánh rừng ở Măng Đen thì khoảng 2 ngày là về nhưng đi Đăk Glei thì phải cả tuần hoặc mười ngày mới trở về, hôm nào “trúng mánh” cũng kiếm được cả triệu bạc”.
Người ta thường nói: ăn của rừng rưng rưng nước mắt! để có được những nhánh lan đem về, người dân phải trải qua rất nhiều nguy hiểm. “Có những cành lan mọc tít trên ngọn, mình phải trèo lên đến nơi mới hái được. Trời mưa, cây trơn rất dễ bị trượt ngã. Điều này là bài học nhớ đời khi A Đanh trong khi trèo hái lan bị trượt chân rơi từ trên cao xuống, bị gãy cả hai tay… biết là nguy hiểm nhưng để có tiền cho mấy đứa con ăn học, tôi phải đi làm thôi” – ông Ber cho biết thêm.
K.S
Related posts:
- Thúc đẩy tiểu chủ người Việt
- Phong trào đấu tranh tiêu biểu của công nhân cao su những năm Tuất
- Được gặp Bác - Kỷ niệm đáng nhớ
- Cao su - Dòng chảy hào hùng
- Điểm cao dành tặng mẹ
- Ảnh dự thi "Ánh sáng từ dòng vàng trắng" lần thứ V năm 2019
- Nông trường Cẩm Mỹ giải nhất Tiếng hát CNVCLĐ Cao su Đồng Nai
- Khám phá Myanmar
- Ý nghĩa phong thủy trong tranh gà
- Nhạc sĩ Thế Hiển: Đam mê sáng tác đề tài lính biển