Đã một tháng trôi qua rồi mà cuộc thi Tiếng hát mãi xanh lần thứ 4 (2014) do Đài Truyền hình TP.HCM (HTV) tổ chức vẫn còn đọng lại nhiều dư vị ngọt ngào lẫn một ít băn khoăn, bất cập.
Đây là cuộc thi dành cho những người lớn tuổi vẫn còn đam mê cháy bỏng với âm nhạc, được tổ chức mỗi năm một lần, khởi từ năm 2011. Trong 4 cuộc thi vừa qua, bình quân mỗi năm có đến trên 3.000 thí sinh tham dự. Ban Giám khảo gồm nhiều nghệ sĩ tên tuổi như NSND Trần Hiếu, NS Phan Huỳnh Điểu, NS Trần Long Ẩn, NSƯT Thanh Thúy, TS âm nhạc Văn Thị Mai Hương, sẽ chấm điểm từ đầu để chọn ra 3 thí sinh đứng nhất các bảng vào chung khảo. Vòng chung khảo sẽ do khán giả bình chọn để chọn ra quán quân của cuộc thi.
Trong cuộc thi Tiếng hát mãi xanh lần thứ tư (2014), BTC đã đề ra một tiêu chí mới là thay vì chỉ có 3 thí sinh đứng nhất các bảng (do BGK chấm), sẽ có thêm một thí sinh đứng nhì (do khán giả bình chọn từ một trong ba người đứng nhì), sẽ trở thành thí sinh thứ tư được vào đêm chung khảo. Và người ấy là Huyên Chí Bình, 58 tuổi (hạng nhì bảng B) đã được chọn để vào đêm chung khảo cùng ba thí sinh đứng nhất các bảng là Nguyễn Thị Thanh Hà (69 tuổi, bảng A), Nguyễn Kim Phụng (52 tuổi, bảng B) và Đinh Phú Vinh (35 tuổi, bảng C).
Và chính “tiêu chí mới” này đã làm nên điều bất cập cho cuộc thi năm nay, khi chính Chí Bình là người “đậu vớt” qua bình chọn của khán giả đã trở thành người chiến thắng trong đêm chung khảo, cũng qua “bình chọn” của khán giả. Ở những lần thi trước, tuy đêm chung khảo kết quả cũng qua bình chọn của khán giả, nhưng đối tượng của cuộc bình chọn là 3 thí sinh đứng nhất các bảng do BGK là những người rất giỏi chuyên môn chấm trước đó, nên ai cũng xứng đáng. Còn lần này nâng thêm một thí sinh do khán giả bình chọn từ những người hạng nhì và người này đã được bình chọn vào chung khảo thì gần như “đương nhiên” sẽ tiếp tục được “bình chọn” để đăng quang.
Xem Tiếng hát mãi xanh lần 4, chúng tôi rất lấy làm tiếc cho cả 3 thí sinh đứng nhất các bảng đã hát rất hay, cả về chất giọng lẫn kỹ thuật, nhưng đã phải thua cuộc từ một sự “bình chọn” đầy cảm tính! Chúng tôi đề nghị BTC nên xem lại “tiêu chí mới” này, vì nếu cuộc thi năm tới tiếp tục thực hiện như vậy thì chắc chắn thí sinh hạng nhì đã được khán giả bình chọn sẽ tiếp tục được bình chọn trong đêm chung khảo! Một kết quả mà đã được đoán trước như vậy sẽ làm mất đi tính hấp dẫn của cuộc thi, sự hồi hộp theo dõi của khán giả, và sự “oan uổng” cho các thí sinh thực sự tài năng.
Thêm điều băn khoăn là trong suốt 4 lần thi vừa qua, chưa hề có một thí sinh nào là dân “gốc” cao su tham gia cuộc thi bổ ích và đang trở nên danh giá này. Thiển nghĩ, dân cao su mình chẳng hề thiếu “sao”.
Những năm 1980, 1990, nhiều “ca sĩ” cao su ở các công ty đã từng đoạt giải cao trong các Hội diễn văn nghệ của ngành cao su và địa phương. Có thể kể ở đây một số tên tuổi như Lệ Oanh (Lộc Ninh), Sa Bình, Đức Thành (Dầu Tiếng), Thúy Vân (Bình Long), Thu Hà, Thanh Sơn, Ngọc Du (Đồng Nai), Hữu Từ, Thanh Thảo (Bà Rịa), Y Sa, Mai Loan (Phú Riềng), Hải Lý (Phước Hòa), Y Hon Niê, HBen Kpã (Ea HLeo), Phạm Anh Tuấn (Mang Yang), Hồ Thanh Phương (Chư Păh), Hộ Giác, Thùy Trang (Quảng Trị)… Trong đó, nổi bật là chị Đặng Lệ Oanh ở CTCS Lộc Ninh, từng đoạt hai Huy chương vàng với ca khúc Sông Bé đêm ngát hương của nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu ở Hội diễn văn nghệ Tổng cục Cao su và tỉnh Sông Bé năm 1986.
Nhạc sĩ nổi tiếng Phan Huỳnh Điểu, thành viên kỳ cựu của BGK có nhận xét qua bốn lần tổ chức, cuộc thi ngày càng chuyên nghiệp hơn, thí sinh ngày càng chất lượng hơn khi đã có ý thức luyện giọng, tập luyện kỹ càng. Ông nói: “Cái hay nhất, đậm tính nhân văn nhất của cuộc thi là đã tạo điều kiện cho rất nhiều người có đam mê âm nhạc được tham gia ca hát – hát cho thỏa đam mê, hát cho đời xanh mãi! Tuy nhiên, tôi vẫn còn tiếc khi cuộc thi vẫn còn thiếu sự tham gia của các giọng hát ở nhiều ngành nghề”.
Nhà thơ-nhạc sĩ Quỳnh Lệ, chuyên viên Ban Thi đua văn thể VRG cũng “lấy làm tiếc” về điều này và chị đang nung nấu một đề xuất với lãnh đạo ngành. Chị nói: “Tôi đề nghị Tập đoàn nên tổ chức một cuộc thi “Tiếng hát mãi xanh” dành cho cán bộ, công nhân trong ngành. Phong trào văn nghệ của ngành ta rất mạnh với nhiều giọng ca vàng, nếu được tổ chức, cuộc thi sẽ thành công. Và từ cơ sở này, chúng ta sẽ tuyển được nhiều giọng ca chất lượng để tham gia cuộc thi Tiếng hát mãi xanh toàn quốc”.
Hy vọng đề xuất này sẽ trở thành hiện thực, để cuộc thi Tiếng hát mãi xanh lần thứ 5 (2015) những “ca sĩ” cao su sẽ cất cánh trên bầu trời âm nhạc.
Bài, ảnh: Sáng Trăng
Related posts:
- Vững tin vào hiện tại, mạnh mẽ trong tương lai
- Dấu ấn tuổi học trò
- Hứa hẹn tín hiệu vui cho làng truyện tranh Việt
- Khó khăn chung
- Phong tặng danh hiệu Nghệ nhân nhân dân: Khó hơn… lên trời!
- 800 lượt thiếu nhi tham gia trại hè Cao su Phước Hòa
- Cuộc đấu sinh tử trong "Lựa chọn cuối cùng"
- Phim Việt "nóng" chuyện hôn nhân - gia đình
- Cao su Hà Giang góp sức cho thành công hội diễn
- Hoài niệm Tết xưa!