Trong tình hình giá bán mủ cao su xuống thấp, để cao su tiểu điền phát triển bền vững, người dân cần nhìn nhận và xem xét lại các định mức về đầu tư, chăm sóc đảm bảo năng suất, có thu nhập và vẫn giữ được vườn cây.
Giảm chi phí đầu tư
Ông Phan Thành Dũng – Quyền Viện trưởng Viện Nghiên cứu Cao su VN (RRIV), cho rằng đây là thời điểm để củng cố lại, loại bỏ những vườn cây chất lượng kém, trồng không đúng quy trình kỹ thuật trước đây. “Cao su thời giá cao, nông dân tiểu điền ngày nào cũng cạo, đến thời điểm này nhiều vườn cây kiệt sức. Hiện nay, giá bán mủ thấp, thu nhập bị ảnh hưởng; cùng với sản lượng 2 quý đầu năm không cao, chỉ chiếm 30% sản lượng cả năm, nên có hiện tượng phá bỏ cây cao su. So với lúc cao điểm (gần 90 triệu đồng/tấn), thì giá hiện nay thấp (khoảng 35 triệu đồng/tấn). Nhưng so với các loại cây trồng dài ngày khác, nhất là suất đầu tư thì làm cao su vẫn có lợi nhuận”, ông Dũng nhận định.
Để tránh trường hợp, lúc giá cao thì đua nhau trồng, còn khi mất giá bỏ mặc vườn cây, người trồng cao su tiểu điền cần lưu ý một số vấn đề. Theo ông Phan Thành Dũng, trong điều kiện khó khăn hiện nay, để giữ vườn cây lâu dài, người dân nên hạn chế suất đầu tư. Cao su là cây có sức đề kháng cao, hạn chế lượng phân bón đến 50% cũng ít ảnh hưởng lớn đến việc sinh trưởng. “Đối với vườn cây KTCB, hạn chế bón phân thì phải chú ý việc làm cỏ trên hàng cao su. Vườn cây trồng năm thứ nhất, năm thứ hai thì cày tủ bồn, giữ không cho cỏ phát triển. Vườn năm thứ ba trở đi, kiểm soát cỏ dại bằng thuốc diệt cỏ vào đầu mùa mưa và gần cuối mùa mưa”, ông Dũng khuyến cáo.
Lấy ngắn nuôi dài, người dân có thể trồng xen cây họ đậu, lúa, rau màu giữa hàng cao su trong hai năm đầu. Điều kiện, cây trồng xen không cạnh tranh dinh dưỡng, nước, ánh sáng với cây cao su. Sau khi thu hoạch, dư thừa thực vật dùng để tủ gốc cho cây cao su.
Nên duy trì một chế độ cạo ổn định
Cũng theo ông Dũng, trên vườn cây khai thác, nên duy trì chế độ cạo nhịp độ thấp để tiết kiệm công lao động. Tốt nhất nên duy trì một chế độ cạo ổn định ở nhịp độ cạo d3 hay d4 (ba hay bốn ngày cạo một lần). “Thời điểm này, người dân nên chuyển sang chế độ cạo d4. Cạo chế độ này, tiết kiệm được 25% công lao động và năng suất ở vườn cây cạo d4 kết hợp bôi thuốc kích thích thì bằng từ 95 đến 98% sản lượng so cạo d3. Tính ra, hiệu quả kinh tế cao hơn, năng suất lao động tăng lên, còn vườn cây có thêm thời gian phục hồi”, ông Dũng cho biết. Bên cạnh đó, nhịp độ cạo d4, còn tiết kiệm được vỏ cạo. “Năng suất cây cao su cao nhất khi cạo trên vỏ nguyên sinh, nếu giữ được vỏ nguyên sinh càng dài, thì sản lượng càng cao
Theo quy trình kỹ thuật, cạo nhịp độ cạo d4 mỗi năm hao dăm từ 15 cm, còn cạo d1, d2 thì tỷ lệ hao dăm 30-40 cm. Ngoài ra, việc khai thác quá mức khiến cây suy kiệt, không tăng vanh những năm về sau, sản lượng mủ thấp, độ mủ (DRC) ngày càng kém”, ông Dũng đưa ra lời khuyên.
Ngoài việc thay đổi chế độ cạo, người trồng cao su tiểu điền nên cân nhắc khi sử dụng thuốc kích thích, thuốc BVTV. Nên chọn những loại có giá thấp theo khuyến cáo trong quy trình. Đặc biệt, người dân không nên nghe theo những lời quảng cáo về những loại thuốc kích thích tăng năng suất, trị khô miệng cạo, không rõ nguồn gốc đang bán trôi nổi trên thị trường.
Bài, ảnh: Bình Nguyên
Related posts:
- Không bón phân vườn cây khai thác
- Giải pháp đảm bảo năng suất, sản lượng cao và bền vững tại Cao su Phú Riềng (bài 2)
- Nhiều giải pháp nổi bật trong quản lý nông nghiệp
- Cạo D4 thể hiện sự vượt trội
- Mô hình học lái xe tại chỗ đạt giải khuyến khích tại Hội thi sáng tạo toàn quốc
- "Cần đẩy mạnh tập huấn quản lý rừng bền vững cho người lao động"
- Hiệu quả từ thay đổi phương thức sản xuất cây giống ở Cao su Dầu Tiếng
- “Hô biến” bùn thải thành phân hữu cơ vi sinh
- Luôn gắn chặt lợi ích người lao động với lợi ích vườn cây
- Tiếp tục triển khai chế độ cạo D4