Gặp gỡ người được trao Huy hiệu “Tuổi trẻ sáng tạo”

Khi tôi đặt vấn đề hỏi về Đề án cải tiến hệ thống nhằm giảm chi phí xử lý, đảm bảo các chỉ tiêu chất lượng nước theo TCVN 5945 : 2005 loại B và từng bước nâng chỉ tiêu lên loại A để viết bài, anh Nguyễn Tấn Hiếu khiêm tốn chia sẻ: “Cũng không có gì xuất sắc lắm đâu, chỉ là từ thực tế làm việc, tôi nhận thấy những phương pháp cũ nay không phù hợp. Thay vào đó, tôi tìm tòi, quan sát và mạnh dạn đề xuất cải tiến để giảm chi phí, tạo ra hiệu quả trong sản xuất”.

Tốt nghiệp Khoa Môi trường, Trường ĐH Tôn Đức Thắng, anh Hiếu làm việc ở Sài Gòn một thời gian, sau đó trở về quê và xin vào làm tại Nhà máy Chế biến Cao su Long Hà (Công ty TNHH MTV Cao su Phú Riềng), anh được phân công tiếp nhận và vận hành hệ thống xử lý nước thải.

Làm việc đúng với chuyên môn được học, hàng ngày anh Hiếu không ngừng tìm hiểu, nghiên cứu và thử nghiệm những cải tiến của mình. Được Ban lãnh đạo công ty tạo điều kiện trong quá trình thử nghiệm, đến nay đề tài đó đã được ứng dụng vào thực tế với những hiệu quả khả quan. Với đề tài này, anh vinh dự được Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tặng huy hiệu “Tuổi trẻ sáng tạo”.

Từ thực tiễn vận hành, anh nhận thấy hệ thống xử lý nước thải tại nhà máy sử dụng Axit sunfuaric 98% để hạ PH ở bể gạn mủ nhằm đông kết serum nhưng thực tế bể gạn quá nhỏ không đủ thời gian đông kết serum nên không có hiệu quả. Từ đó, anh kiến nghị lên cấp trên không sử dụng axit theo thiết kế ban đầu để tiết kiệm chi phí hóa chất, theo như định mức và giá thành thiết kế thì chi phí sử dụng axit là 200 đồng/m³ nước xử lý. Đồng thời đưa ra phương án sử dụng bơm hồi lưu nước từ bể vi sinh tuần hoàn về máng phân phối nước trước khi vào bể Aerotank để nâng PH của nước đầu vào mà không cần phải sử dụng NaOH (chi phí sử dụng NaOH là 320 đồng/m³ nước xử lý).

Anh Nguyễn Mạnh Dũng – Bí thư TW Đoàn, trao Huy hiệu Tuổi trẻ sáng tạo cho anh Nguyễn Tấn Hiếu (áo xanh)
Anh Nguyễn Mạnh Dũng – Bí thư TW Đoàn, trao Huy hiệu Tuổi trẻ sáng tạo cho anh Nguyễn Tấn Hiếu (áo xanh)

Từ việc không sử dụng axit và NaOH để điều chỉnh PH sẽ tiết kiệm được 520 đồng/m³ nước xử lý. Theo số liệu năm 2012 thì hệ thống tiếp nhận và xử lý hơn 310.000 m³ nước thải, với phát hiện của anh Hiếu sẽ tiết kiệm cho nhà máy hơn 161 triệu đồng chi phí sử dụng hóa chất.

Bên cạnh đó, anh còn cải tạo lại hệ thống bơm hóa chất phục vụ quá trình xử lý, thiết kế lại đường ống lấy nước pha hóa chất nhanh chóng để đảm bảo quá trình xử lý được vận hành liên tục. Nhờ đó, máy móc hoạt động ổn định, tiết kiệm được các thiết bị không cần thiết, tiết kiệm điện và nhân công vận hành.

Nghiên cứu, nuôi cấy, nhân giống thành công vi sinh khử mùi Aquacleand 32 sử dụng để khử mùi cho hệ thống xử lý nước thải, xưởng mủ tạp. Nếu như trước đây chưa nhân giống được vi sinh thì một bình Aquacleand 32 3,8 lít chỉ pha được 32 lít nước. Nhưng khi nhân giống thành công thì một bình Aquacleand 32 sẽ cấy được một bồn 1.500 lít. Đồng thời anh cũng thử nghiệm thành công việc sử dụng vi sinh NE 2.000 nhằm cải thiện chỉ tiêu chất lượng nước ra sau xử lý. Kết quả đạt được là chỉ tiêu tổng Photpho và tổng Nito sau xử lý đã đạt tiêu chuẩn loại A QCVN 40 – 2011.

Nhờ những cải tiến đó, anh đã giúp đơn vị tiết kiệm chi phí và sức lao động trong quá trình sản xuất. Anh Hiếu tâm sự: “Với tôi, sự sáng tạo, phát minh, cải tiến trong lao động sản xuất là không giới hạn, bởi tất cả những đề tài, sáng kiến ấy được đúc rút trong quá trình làm việc thực tế của đơn vị”.

Bài, ảnh: Quỳnh Mai