“Hãy mang sức trẻ vào công việc”

Người ta thường nói, ai đã từng trải qua cuộc sống khó khăn thiếu thốn mới hiểu được nỗi vất vả và thêm trân trọng giá trị công việc. Dường như với Trần Quốc Chí (công nhân khai thác NT An Lộc, TCT CS Đồng Nai), điều này cũng không là ngoại lệ.
Trần Quốc Chí nhận giải nhất Hội thi thợ giỏi thu hoạch mủ TCT CS Đồng Nai
Trần Quốc Chí nhận giải nhất Hội thi thợ giỏi thu hoạch mủ TCT CS Đồng Nai
Yêu nghề từ khi phụ mẹ trên lô

Vì hoàn cảnh gia đình khó khăn nên Chí phải bươn chải cuộc sống khi tuổi đời còn rất trẻ. Thời đó, gia đình nghèo lắm, 5 miệng ăn trong nhà chỉ phụ thuộc vào lương làm công nhân cao su của mẹ. Gánh nặng kinh tế gia đình đè nặng lên đôi vai người mẹ, vì thương mẹ, hiểu được hoàn cảnh gia đình mình nên học hết lớp 8 là Chí nghỉ học ra lô với mẹ.

Hình ảnh cậu học trò nhỏ bé vừa đi vừa hát rất quen thuộc với các cô chú công nhân trên lô, mới là học sinh cấp II nhưng cậu luôn ý thức trách nhiệm với gia đình. Cuộc sống nghèo khó không cho phép cậu la cà vui chơi sau giờ học, mà thay vào đó là hình ảnh cần mẫn phụ giúp mẹ trên vườn cây. Ngày qua ngày, buổi sáng đến lớp, trưa về tung tăng trên lô cùng mẹ. Con đường từ nhà ra lô hơn 7km nhưng Chí vẫn đi bộ vì không có điều kiện mua xe đạp. Chính những ngày tháng đó Chí đã học hỏi được rất nhiều về kỹ thuật cạo mủ cao su và thêm yêu cái nghề đã nuôi sống cả gia đình trong thời kỳ gian khó.

Tính đến nay Chí làm công nhân cũng ngót nghét 13 năm. Khi kể về thời gian khổ, tôi đọc được niềm xúc động trong ánh mắt anh. Chí hồi tưởng: “Làm công nhân cao su sao mà vất vả, tôi cứ tưởng chỉ cần yêu nghề là đủ nhưng đôi lúc bạn bè vẫn nói rằng “Nghĩ sao mà đi làm công nhân cạo mủ, bao nhiêu việc nhẹ nhàng có thu nhập tốt thì không chọn. Cũng buồn lắm, tủi lắm, thời gian đầu tôi luôn mặc cảm về công việc của mình, trời mưa người ta ở nhà chăn ấm nệm êm còn mình phải ra vườn cây từ lúc 2 -3 giờ sáng. Nhưng rồi suy nghĩ lại mỗi người mỗi việc nên cố gắng hoàn thành tốt công việc”. Cứ thế anh miệt mài, cần mẫn trên vườn cây.

Gian khổ rèn ý chí

Những cố gắng nỗ lực trên vườn cây đã mang đến cho anh kết quả xứng đáng. Là công nhân trẻ nhưng năm nào anh cũng nhận được Bằng khen của TCT Cao su Đồng Nai tuyên dương vì đã hoàn thành tốt công việc được giao. Khi nào TCT tổ chức Hội thi thợ giỏi anh đều nhiệt tình tham gia và giành giải cao. Để xứng đáng với sự ghi nhận của mọi người, anh không ngừng nỗ lực và tự nhủ với bản thân rằng, cả gia đình được như ngày hôm nay đều nhờ vào thu nhập hàng tháng làm công nhân cao su.

Nhờ có đồng tiền đó, anh phụ giúp chị gái đầu nuôi cháu, có tiền cho em trai cưới vợ và sửa lại ngôi nhà cho mẹ. Cũng nhờ đó anh có cơ hội tiếp tục con đường học vấn của bản thân. Qua những năm tháng miệt mài ở lớp bổ túc cấp 3, đến nay anh đã tốt nghiệp Trường Đại học Bà Rịa – Vũng Tàu, chuyên ngành Kế toán.

Hành trình công việc trong một ngày của anh, 4h sáng ra lô đến chiều, 5 – 9h tối đi học nâng cao kiến thức, từ 9h tối đến 4h sáng tham gia lực lượng tự vệ bảo vệ vườn cây trong thời kỳ cao điểm. Anh tâm sự: “Ngày xưa Tết, mẹ tôi chỉ được thưởng 3 – 4 triệu đồng thôi. Bây giờ đang là thời kỳ khó khăn do giá mủ xuống nhưng lương vẫn đảm bảo đời sống cho công nhân nên tôi nghĩ đó là điều may mắn hơn so với thế hệ đi trước”.

“Có thể nói rằng nhờ những ngày tháng khổ cực thời thơ ấu đã rèn luyện ý chí, nghị lực để tôi trưởng thành như ngày hôm nay. Tôi mang ơn ngành cao su nhiều lắm, nhờ làm công nhân cao su mà giờ đây gia đình tôi thoát khỏi cảnh chạy cơm từng bữa. Vì thế, tôi nguyện gắn bó đời mình với công việc này”, anh chia sẻ.

Học Bác từ thực tiễn công việc

Khi nhắc đến tên anh, hầu như các bạn trẻ trong TCT đều biết vì anh có những thành tích quá nổi bật. Đến nay chàng trai trẻ của NT An Lộc đã nhận được nhiều bằng khen của TW Đoàn, Tỉnh Đồng Nai, TCT. Cụ thể, năm 2009 anh được Tuyên dương tại Liên hoan Thanh niên tiên tiến làm theo lời Bác tại Hà Nội, tuyên dương Đảng viên trẻ của tỉnh Đồng Nai. Vừa qua, anh được tuyên dương Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh do tỉnh Đồng Nai tổ chức, đoạt giải nhất Cuộc thi Báo cáo viên tỉnh Đồng Nai với chủ đề “Nhạc cách mạng – vẫn sống mãi với thời gian”.

[cow_johnson general_float=”right” general_clear=”none” general_width=”230″ general_bgcolor=”#006400″ general_color=”#ffffff”]Anh quan niệm học để chứng tỏ rằng công nhân cao su cũng có bằng cấp, học để người khác tôn trọng mình và học để làm giàu kiến thức, giúp mình đối nhân xử thế tốt hơn chứ không hề có ý định học xong cầm bằng cấp đi xin việc khác. [/cow_johnson]

Anh bộc bạch: “Bác là tấm gương sáng cho mọi người noi theo. Tôi quan niệm rất đơn giản, trước tiên phải ham học hỏi, cần cù, chịu khó, cố gắng hoàn thành công việc một cách tốt nhất có thể. Hoàn thành công việc tốt đối với người thợ cạo mủ cao su như chúng tôi rất quan trọng vì điều đó tạo thu nhập tốt. Có thu nhập mới đảm bảo cho cuộc sống và dành dụm chút tiền để thực hiện niềm mong ước của mình. Tôi học Bác đức tính dám nghĩ, dám làm và luôn nỗ lực. Tôi luôn ghi nhớ lời Bác “Một tấm gương sống còn giá trị hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền”, với tôi thực tiễn trong công việc luôn có giá trị hơn cả. Dù mình nói hay đến đâu thì cũng không bằng trải nghiệm thực tế”.

Năm 2004, anh được kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam khi tuổi đời còn rất trẻ. Ngoài ra, anh còn là hạt nhân nòng cốt của Đội văn nghệ công ty, là cộng tác viên của Trung tâm Văn hóa Long Khánh. Nhìn anh biểu diễn trong các Hội nghị của công ty ít ai nghĩ rằng đó là một công nhân cần mẫn trên vườn cây. Trên sân khấu anh biểu diễn hết mình, tự tin và đầy cảm xúc.

Với anh, học tập không bao giờ là đủ. Đặc biệt là đối với thế hệ trẻ ngày nay có cơ hội học hỏi rất nhiều, có môi trường làm việc tốt hơn, được tiếp cận với những thành tựu khoa học kỹ thuật, được chăm lo tốt về đời sống tinh thần. Vì vậy các bạn cần phải mạnh dạn thể hiện khả năng của mình, dám nghĩ, dám làm, dám biến ước mơ thành hiện thực.

Quỳnh Mai