Đừng lạm dụng “ăn khao”

 “Ăn khao” là hình thức chia sẻ niềm vui, ăn mừng với mọi người xung quanh. Có đủ trăm lý do để ăn khao đó là chỉ cần có một cái gì đó mới như: quần áo mới mua, mới mua xe, tivi, có điện thoại mới, lên chức…hay đơn giản là mới cắt tóc. Xung quanh chuyện “ăn khao” cũng có nhiều điều thú vị.

Chuyện ăn đơn giản là tổ chức tiệc nhỏ, mời mọi người uống nước, ăn bánh, trái cây như mới mua điện thoại, mới mua quần áo mới, mới cắt tóc… đến những bữa tiệc trung bình như ăn cơm, chầu cà phê khi tăng lương, được giải thưởng nào đó. Rồi những bữa tiệc linh đình như đi nhà hàng, ăn uống hải sản, đặc sản phủ phê, tiệc tùng ăn nhậu tăng 2, tăng 3 karaoke như được thăng chức cao, mua xe ô tô xịn, xây nhà…

Lâu dần, “ăn khao” đã trở thành thông lệ nơi công sở. Hễ anh có gì mới, một là tự động lên tiếng mời, hai là sẽ có người “nhắc khéo”. Anh Nguyễn Anh, một nhân viên công sở vui vẻ chia sẻ: “Ăn khao, ăn mừng một cái gì đó mới ở công sở, mời anh em, đồng nghiệp chia vui là một việc để tăng tính gắn kết nơi công sở, người mời và người được mời đều vui. Người mời vui vì có được một cái gì đó mới, người chia vui cũng vui vì được mời đi ăn uống no say, xả stress nơi công sở”.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Tuy nhiên, việc “ăn khao” nhiều lúc lại làm cho “chính chủ” và những người không chính chủ những tình huống “dở khóc dở cười”. Như trường hợp của anh Xuân Nam, phó phòng của một công ty xây dựng, kể từ ngày được ký quyết định thăng chức lên làm trưởng phòng, điều “tất lẽ dĩ ngẫu” là mọi người sẽ được mời đi nhà hàng ăn tiệc lớn, sau những lời chúc mừng và quà cáp mừng tân trưởng phòng. Thế nhưng, chờ mãi “chính chủ” tân trưởng phòng cứ “im hơi lặng tiếng”. Ai dè, chỉ có chị kế toán mới biết “nỗi lòng” của tân trưởng phòng. Thì ra hôm lên chức cũng là cuối tháng, đầu tháng mọi người được nhận lương đã tiêu hết, trưởng phòng lại mới cưới vợ, nên mọi lương bổng đều đưa vợ quản lý. “Mời không được, không mời cũng không xong”, tân trưởng phòng lâm vào thế “bí”.

Rồi có trường hợp “chính chủ” xui khi trong một tháng “dính” hết nhiều vụ khao, “đi đứt” cả tháng lương. Và chuyện thường ngày nhất là các “bợm” lợi dụng “ăn khao” để kiếm cớ nhậu nhẹt, lương về đưa vợ không còn, gia đình lại lục đục, rồi say xỉn liên tục bê trễ công việc, sếp quở trách. Thế là ăn khao mất vui.

Dương Cầm