Giải pháp nào cho tình trạng biến động lao động?

Tại một số công ty, từ đầu năm đến nay lao động trực tiếp trên vườn cây có sự biến động lớn. Ngoài nguyên nhân sức khỏe không đảm bảo tiếp tục việc khai thác thì việc công nhân (CN) xin nghỉ vì lí do gia đình có xu hướng tăng.
Nghỉ do nhiều nguyên nhân

Tại TCT Cao su Đồng Nai, tình trạng biến động lao động diễn ra hàng năm. Tuy nhiên, so với mọi năm, thì năm nay số CN xin nghỉ việc có tăng lên. Nguyên nhân chủ yếu do tỷ lệ vườn cây già tăng, trong khi giá bán mủ cao su xuống thấp, tiền lương không cao như mọi năm nên CN xin nghỉ việc. Ngoài ra, nhiều CN sắp đến tuổi nghỉ hưu, hay những gia đình có hai người cùng làm CN cũng xin nghỉ việc để hưởng chế độ.

Đến thời điểm đầu tháng 5/2014, TCT đã chi hơn 28 tỷ đồng để giải quyết chế độ cho gần 1.000 CN xin nghỉ việc. Thực trạng này gây cho doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn, ngoài việc phải chi một khoản tiền lớn để trợ cấp thôi việc, nhiều nông trường lâm vào tình trạng thiếu lao động có tay nghề cao, kỹ thuật tốt. Khi thu tuyển lao động mới, công ty mất thêm nhiều thời gian và công sức để huấn luyện, đào tạo nghề cho CN.

Còn tại Công ty TNHH MTV Cao su Dầu Tiếng, từ đầu năm đến nay công ty có trên 800 CN xin thôi việc để hưởng chế độ. Nhiều nhất là CN làm ở vườn cây nhóm 3 cạo thanh lý. Do đặc thù năm nay công ty có tỷ lệ vườn cây già tăng, sản lượng giảm, cường độ lao động trên vườn cây thanh lý nặng, cộng với giá bán mủ giảm dẫn đến thu nhập không cao. Bên cạnh đó, sức khỏe CN, nhất là những CN lớn tuổi, trên 20 năm đóng BHXH, có đủ điều kiện xin nghỉ để thay thế con làm.

Ngoài ra còn có lý do tác động bởi tiền lương, cường độ lao động so với thu nhập hiện nay chưa tương xứng. Bên cạnh đó, có trường hợp mới vào làm rồi xin nghỉ, thường là những CN trẻ, ít chịu cực khổ, số này không nhiều. Đặc biệt, CN xin nghỉ với số lượng nhiều, nhất là CN có tay nghề làm ảnh hưởng lớn đến lực lượng CN khai thác. Công ty buộc phải tuyển lực lượng lao động mới vào thay thế, đào tạo tay nghề.

Tại một số đơn vị, công nhân nghỉ việc chiếm khoảng 10% tổng số lao động.  Ảnh: Tùng Châu
Tại một số đơn vị, công nhân nghỉ việc chiếm khoảng 10% tổng số lao động.
Ảnh: Tùng Châu
Lao động có tay nghề cao vẫn xin nghỉ

Trong buổi làm việc của Phó TGĐ VRG Nguyễn Văn Tân với TGĐ các công ty cao su Tây Nguyên vừa qua, lãnh đạo các đơn vị đều cho biết hiện lao động là vấn đề đáng lo ngại. Theo TGĐ Công ty TNHH MTV Cao su Krông Buk, ông Nguyễn Văn Hiền thì 6 tháng đầu năm nay, toàn công ty đã có 229 trường hợp xin nghỉ, chiếm

khoảng 14% tổng số lao động, khả năng lao động sẽ còn tiếp tục xin nghỉ nữa mặc dù công ty vẫn cố gắng đảm bảo tiền lương và các chế độ khác cho người lao động.

Công ty TNHH MTV Cao su Kon Tum cũng có 250 trường hợp xin nghỉ, chiếm 10% tổng số lao động. Theo thăm dò, tại Gia Lai đơn vị có lượng lao động nghỉ việc nhiều nhất là Công ty TNHH MTV Cao su Mang Yang, tiếp đến là các Công ty TNHH MTV Cao su Chư Sê, Chư Păh và Chư Prông, đơn vị có ít lao động nghỉ nhất là Công ty TNHH MTV Cao su Ea H’leo với tổng số 69 trường hợp. Theo ông Đặng Đức Tri – Phó TGĐ Công ty TNHH MTV Cao su Chư Sê thì “Lao động của công ty từ đầu năm đến nay cũng nghỉ khá nhiều, chúng tôi đang tích cực làm công tác tư tưởng để họ nhận thức được quyền lợi của mình sau này. Điều chúng tôi lo lắng chính là lực lượng lao động có tay nghề, có trình độ cao và có thâm niên lâu năm vẫn xin nghỉ”.

Giải quyết khó khăn trước mắt

Tại Công ty TNHH MTV Cao su Kon Tum, ông Lê Khả Liễm – TGĐ công ty cho biết: “Hiện công ty đang có 2 nông trường thiếu lao động là Đăk H’Ring và Sa Sơn. Công ty đang có kế hoạch tuyển dụng lao động mới, và hướng ra các tỉnh phía Bắc, đồng thời tiến hành xây dựng một số khu dân cư để những lao động ở xa đến làm việc có thể yên tâm công tác”.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, hầu hết những CN xin nghỉ việc đều đưa ra lý do giống như những người xin nghỉ của các năm trước như do thiếu người lo cho con cái, nhà cửa và không có người làm nương rẫy…Hiện nay giá thuê lao động đi làm cà phê, hồ tiêu hay phụ hồ đã cao hơn ngày công đi cạo mủ nên một trong những lý do chính để họ nghỉ việc là tiền lương thấp. Những lao động này khi nghỉ việc cũng trở thành lao động thời vụ của các nhà vườn cà phê, hồ tiêu… Chị H’dục từng là công nhân của Nông trường cao su K’Dang – Công ty TNHH MTV Cao su Mang Yang đã có hơn 10 năm làm CN vẫn quyết định nghỉ việc. Chị cho hay: “Bây giờ lương ít quá, không đủ chi phí trong gia đình, nhà không có ai làm nương rẫy hết, tiền thuê người ta làm bây giờ đắt lắm, mình phải nghỉ ở nhà lo việc thôi”.

Chia sẻ khó khăn với lãnh đạo các công ty này, ông Nguyễn Văn Tân – Phó TGĐ VRG đề nghị: “Trước mắt nếu có tuyển dụng lao động mới, các đơn vị vẫn nên ưu tiên tuyển dụng lao động tại chỗ, lao động là dân tộc thiểu số, nếu nguồn lực hết và không đáp ứng được thì mới nên đi tuyển ở nơi khác. Mặt khác, để giải quyết tình hình trước mắt thì các đơn vị nên xem xét đến việc chuyển chế độ cạo sang D4”.

DSC_0269
Công nhân cao su rèn luyện sức khỏe trong giờ giải lao. Ảnh: Vũ Phong

Theo lãnh đạo một số công ty trên địa bàn Tây Nguyên, mặc dù lao động đang có sự biến động lớn gây ra những khó khăn nhất định cho doanh nghiệp, nhưng cũng không đáng ngại bởi hiện nay vườn cây của các đơn vị cũng đến thời kỳ thanh lý, tái canh để thay thế một số diện tích yếu kém, năng suất thấp. Do vậy, nguồn lao động biến động này có thể sắp xếp được.

Tổ chức Công đoàn đã làm tốt công tác tuyên truyền…

Để động viên người lao động yên tâm gắn bó với vườn cây, đơn vị, Công đoàn TCT Cao su Đồng Nai đã tích cực tuyên truyền, vận động, giải thích những khó khăn để công nhân hiểu, nắm rõ tình hình để cùng cộng đồng với doanh nghiệp. Nhiều trường hợp sau khi được tuyên truyền đã tự động rút lại đơn xin nghỉ việc. Bên cạnh tuyên truyền, vận động, CĐ TCT còn phối hợp với chính quyền cố gắng đảm bảo tất cả quyền lợi của người lao động để họ yên tâm làm việc. Vài năm gần đây, TCT áp dụng chế độ khuyến khích công nhân làm việc đến tuổi nghỉ hưu được tặng thêm 5 triệu đồng/người. Ngoài ra, ưu tiên tuyển dụng con em của công nhân vào làm việc.

Còn Công đoàn Công ty TNHH MTV Cao su Dầu Tiếng cũng đã làm tốt công tác tuyên truyền vận động CNLĐ nhận thức rõ những khó khăn của DN trong điều kiện hiện nay để có cảm thông, chia sẻ, khắc phục những khó khăn để gắn bó với đơn vị, đồng hành cùng đơn vị vượt qua giai đoạn khó khăn này. Phân tích cho công nhân thấy được lợi ích để đừng bị tác động từ bên ngoài. Ngoài ra, CĐ động viên CNLĐ khắc phục khó khăn, tiếp tục gắn bó với doanh nghiệp lúc thuận lợi cũng như khó khăn. Trong điều kiện hiện nay, việc tuyên truyền phải gắn liền với lợi ích người lao động. CĐ luôn bàn bạc cùng lãnh đạo công ty làm sao cân đối, tạo ra năng suất để thúc đẩy thu nhập của người lao động được cải thiện, cũng như chăm lo tốt hơn đời sống CNLĐ để họ thêm gắn bó, tin tưởng hơn cùng đơn vị vượt qua giai đoạn khó khăn hiện nay.

…cùng nhiều chính sách giữ chân người lao động

Bà Lê Thị Mỹ Thuận – Phó Chủ tịch CĐ Công ty TNHH MTV Cao su Lộc Ninh, cho biết tương tự những năm trước, từ đầu năm đến nay biến động lao động không nhiều. Tính đến cuối tháng 5/2014, có 227 người nghỉ việc, trong đó có 18 người nghỉ hưu, công ty chi hơn 2,9 tỷ đồng để giải quyết chế độ. “Giá bán mủ thấp ít nhiều ảnh hưởng đến tư tưởng của công nhân. Tuy nhiên, tại công ty tiền lương vẫn đảm bảo, không xuống thấp, chỉ giảm khoảng 7 đến 8%. Để ổn định lao động, công ty thường xuyên tổ chức đối thoại định kỳ, công khai minh bạch kế hoạch sản xuất kinh doanh, chế độ chính sách để người lao động hiểu. Bằng tất cả khả năng cho phép, Công đoàn phối hợp chính quyền tăng các chế độ chính sách cho công nhân. Nhờ đó, từ đầu tháng 6 tới nay không nhận được đơn xin nghỉ việc của công nhân”, bà Thuận cho hay.

Tương tự, tại Công ty TNHH MTV Cao su Phú Riềng, năm 2014 vẫn có biến động về vấn đề lao động trực tiếp. Song hầu hết, các đối tượng xin nghỉ việc đều do lớn tuổi hoặc gia đình có nhiều đất làm rẫy không đủ nhân công làm việc. Chính vì vậy, từ đầu năm đến nay các nông trường trực thuộc không có tổ nào thiếu lao động, không có phần cây nào bị bỏ trống.

Ông Nguyễn Hữu Tuất – Chủ tịch Công đoàn Công ty cho biết, mặc dù giá mủ cao su từ đầu năm đến nay xuống thấp nhưng lao động trực tiếp toàn công ty vẫn kiên trì gắn bó với nông trường, gắn bó với vườn cây. Được như vậy, CĐ cùng với các phòng ban chức năng công ty đã thường xuyên trao đổi, động viên công nhân lao động hiểu và đồng hành cùng với doanh nghiệp vượt qua giai đoạn khó khăn này. Bên cạnh đó, lãnh đạo Công ty TNHH MTV Cao su Phú Riềng đã thực hiện triệt để các biện pháp tăng năng suất vườn cây, tăng năng suất lao động; giảm chi phí sản xuất nhằm giảm giá thành sản phẩm nhưng ưu tiên đơn giá tiền lương cho công nhân lao động. Cụ thể, mặc dù giá cao su xuống thấp nhưng đơn giá tiền lương từ đầu năm đến nay vẫn duy trì bằng với đơn giá tiền lương của quý IV năm 2013. Đặc biệt, công ty phấn đấu chi trả tiền lương bình quân năm nay đạt trên 8 triệu đồng/người/tháng.

[cow_johnson general_float=”center” general_width=”460″ general_bgcolor=”#006400″ general_color=”#f0f8ff”]

ÔNG PHAN MẠNH HÙNG – CHỦ TỊCH CĐ CSVN: “CÔNG NHÂN CẦN ĐỒNG CAM CỘNG KHỔ CÙNG DOANH NGHIỆP”

Tổ chức CĐ đã làm tốt nhiệm vụ quan tâm chăm lo cho đời sống người lao động. Bởi vậy, khi khó khăn, người lao động hãy cộng đồng, sát cánh cùng doanh nghiệp. Trong ảnh: Ông Phan Mạnh Hùng – Chủ tịch CĐ CSVN trao quà cho CN tại lễ tổng kết Tháng CN 2014. Ảnh: Phan Thắng
Tổ chức CĐ đã làm tốt nhiệm vụ quan tâm chăm lo cho đời sống người lao động. Bởi vậy, khi khó khăn, người lao động hãy cộng đồng, sát cánh cùng doanh nghiệp. Trong ảnh: Ông Phan Mạnh Hùng – Chủ tịch CĐ CSVN trao quà cho CN tại lễ tổng kết Tháng CN 2014. Ảnh: Phan Thắng

Trong tình hình hiện nay, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục là nhiệm vụ trọng tâm của các cấp CĐ. CĐ phải nắm bắt tư tưởng và tuyên truyền giải thích để CNLĐ hiểu, biết được thực tế tình hình để “đồng cam cộng khổ”, chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp. Trong những lúc khó khăn, doanh nghiệp rất cần sự gắn bó thủy chung, để cùng nhau vượt qua. CNLĐ không nên vì lợi ích trước mắt mà quên đi quyền lợi lâu dài.

Ngoài ra, CĐ phối hợp với chính quyền, khuyến khích công nhân tăng năng suất lao động, cân đối lại nguồn, tiết giảm tối đa chi phí để hạ giá thành sản phẩm. Trong tất cả yếu tố tiết giảm thì tiền lương của CNLĐ phải giảm sau cùng và chậm nhất. Để CNLĐ yên tâm gắn bó với doanh nghiệp, CĐ cùng bàn bạc với chính quyền, bằng tất cả khả năng, cố gắng tăng thêm quyền lợi cho người lao động trong giai đoạn khó khăn. Đồng thời, phấn đấu đảm bảo giữ những chế độ, chính sách cho người lao động.

[/cow_johnson]

 Văn Vĩnh – Anh Thư – Nguyễn Cường