Đề xuất kéo dài tuổi nghỉ hưu đối với NLĐ: Có hay không “lợi ích nhóm”?

Đề xuất kéo dài tuổi nghỉ hưu nữ lên 60 và nam lên 62 tuổi rõ ràng ẩn chứa nhiều câu hỏi đáng ngờ về tính lợi ích tổng thể, về mục đích vì số đông NLĐ trực tiếp, mà chỉ có lợi cho một bộ phận “làm ít, hưởng nhiều”. Hay nói thẳng là vì “lợi ích nhóm”.THM

Trước hết, có thể thấy Luật BHXH sửa đổi lần này có một số điểm khiến nhiều NLĐ bị thiệt. Từ nâng thời gian đóng BHXH từ 15 lên 20 năm liên tục mới được hưởng; rồi hưởng mức thấp hơn; nâng tuổi lao động đối với những NLĐ nặng nhọc như CN trong hầm mỏ, ngành hóa chất, cao su… thì chẳng khác gì “tận thu” sức lao động của những người… không có khả năng lao động. Từ lâu, nguyện vọng của hàng triệu NLĐ ở các lĩnh vực này là muốn nghỉ hưu sớm. Với môi trường làm việc đặc thù, chịu nhiều độc hại thì ai đủ sức làm việc đến 60, 62 tuổi để nghỉ hưu? Nếu điều này được áp dụng, có lẽ nhiều người chưa nhận sổ hưu đã… chết. Vậy thì bảo hiểm cho ai?

Thực tế, việc xây dựng Luật BHXH sửa đổi hiện nay có sự cào bằng về chính sách. Việc cào bằng nâng tuổi nghỉ hưu đồng loạt nam 62, nữ 60, chẳng khác gì bỏ tất cả trứng vào một rổ.

Việc tăng tuổi nghỉ hưu theo kiểu “mặt trận” như vậy là không đặt trong vị trí tổng thể, chỉ thấy cây mà không thấy rừng. Cách làm luật như thế này sẽ làm méo mó các quan hệ xã hội, làm rối thêm tình hình, làm cho NLĐ bất an, nhưng ngược lại lại tạo ra động lực lớn cho những người có chức vụ.

Có thể hiểu, việc tăng tuổi nghỉ hưu liên quan đến việc trả lương của ngân sách Nhà nước chứ không chỉ tính đến việc thu bảo hiểm. Nếu công tác càng dài, thì trả lương hàng tháng càng cao. Nhất là đối với những người có chức vụ, quyền hạn thì họ rất thích điều này. Vì lẽ đơn giản là họ muốn giữ chức vụ, vốn luôn đi kèm với quyền lợi. Và ai cũng biết, các đối tượng này không sống nhờ đồng lương hay bảo hiểm, mà là bổng lộc, thu nhập ngoài lương.

Chúng ta đang hô hào giảm biên chế, nhưng giờ đây lại nai lưng cõng thêm bộ máy “ngồi mát ăn bát vàng”, “tham quyền cố vị”. Vậy thì dân khổ!

P.L