Giải pháp tận thu mủ hiệu quả của công ty CS Tây Ninh

Ngày 21/5, tại vườn cây Đội C3, NT Bến Củi (Công ty CPCS Tây Ninh), VRG tổ chức Hội thảo đầu bờ “Cạo tận thu mủ vườn cây kinh doanh”. Đây là Hội thảo đầu bờ lần thứ tư được tổ chức, tính từ đầu năm 2014 đến nay. Trước đó, ngày 20/5, nằm trong chương trình, các đại biểu đã đến Công ty TNHH MTV Cao su Lộc Ninh, tham quan vườn cây và học hỏi một số mô hình hay, cách làm tốt đang được áp dụng tại đây.

Tận thu tốt giúp gia tăng sản lượng

7 CTCS khu vực Tây Nguyên; 6 công ty miền Đông Nam bộ; 1 duyên hải miền Trung và Viện Nghiên cứu Cao su VN đến dự. Chủ trì Hội thảo, Phó TGĐ VRG Lê Minh Châu đánh giá cao sự tham gia đầy đủ của các CTCS khu vực Tây Nguyên; tinh thần giao lưu, học hỏi và trao đổi kinh nghiệm của các công ty miền Đông. Bởi, Hội thảo lần này chủ yếu hướng đến các CTCS Tây Nguyên.

Phó TGĐ Lê Minh Châu, cho biết mỗi năm VRG thanh lý trên 10.000 ha cao su. Trước khi cưa cắt, nếu tận thu tốt sẽ mang lại sản lượng mủ rất lớn, đồng thời giãn tiến độ thanh lý, giúp công ty duy trì sản lượng, năng suất cũng như việc làm, đời sống người lao động. “Lâu nay, các CTCS Đông Nam bộ tận thu mủ rất tốt, năng suất cao, còn ở Tây Nguyên chưa làm tốt việc này. Hầu hết, công ty Tây Nguyên chưa tận dụng hết vỏ cạo, cũng như thực hiện các giải pháp kỹ thuật để tận thu hết mủ trước khi cưa bỏ. Qua Hội thảo này, các CTCS Tây Nguyên sẽ học tập, nghiên cứu và tích cực áp dụng những gì được tận mắt chứng kiến” ông Châu cho biết.

Tại Hội thảo, ông Nguyễn Văn Hạnh – Phó TGĐ Công ty CPCS Tây Ninh, chia sẻ ngoài việc áp dụng các biện pháp kỹ thuật truyền thống, công ty còn cải tiến kỹ thuật khai thác mủ trên vườn cây già chuẩn bị thanh lý. Cụ thể, khai thác miệng cạo cao, ngay trên phần vỏ nguyên sinh cành nhánh, nhằm khai thác triệt để sản lượng. Chính vì vậy, năng suất vườn cây tận thu từ 3 năm gần đây đạt từ 2,2 tấn đến 2,4 tấn/ha, tỷ lệ mủ dây, mủ chén, mủ đông thu được cũng khá cao.

Sau khi xem công nhân NTCS Bến Củi trình diễn kỹ thuật cạo tận thu miệng cạo cao, xem bộ dụng cụ khai thác cải tiến trên vườn cây thanh lý, hầu hết các đại biểu đều tỏ vẻ thích thú và thán phục. Nhiều đại biểu bày tỏ, những Hội thảo chuyên đề như thế này rất hay, mang ý nghĩa thiết thực, giúp các công ty có điều kiện học hỏi lẫn nhau. Còn Phó TGĐ Công ty TNHH MTV Cao su Dầu Tiếng Nguyễn Quốc Việt, đánh giá “đây là giải pháp cạo tận thu mủ tốt nhất hiện nay, Dầu Tiếng cũng phải học hỏi kinh nghiệm từ đơn vị bạn”.

Đại biểu xem công nhân NT Bến Củi trình diễn kỹ thuật cạo miệng cao trên vườn cây thanh lý
Đại biểu xem công nhân NT Bến Củi trình diễn kỹ thuật cạo miệng cao trên vườn cây thanh lý
Nhiều mô hình hay tại Hội thảo

Trong khi đó, ông Phạm Đình Luyến – Phó TGĐ Công ty TNHH MTV Cao su Chư Păh, chia sẻ: “Về đây mới thấy, cho đến thời điểm này, không riêng gì Chư Păh mà hầu hết các CTCS Tây Nguyên còn lãng phí vỏ cạo rất nhiều, chưa tận thu hết sản lượng trước khi cưa cắt. Trên vườn cây thanh lý, các công ty mới cạo đến chạng ba, tối đa khoảng 4 mét là cùng, còn cạo cành nhánh, miệng cạo cao từ 7 mét trở lên như Tây Ninh đang làm còn quá mới mẻ với chúng tôi. Sau Hội thảo, về sẽ nghiên cứu áp dụng thử nghiệm”.

Ngoài ra, ông Luyến cho biết thêm, sau khi tham quan mô hình đào mương đê chống xói mòn, trồng thảm phủ Mucuna tại Lộc Ninh, về công ty sẽ áp dụng và làm quyết liệt hơn trong thời gian tới. “Chống xói mòn trên đất dốc là vấn đề trăn trở lớn. Tây Nguyên có đến 70% diện tích đất bị chai cứng, bạc màu do rửa trôi. Mô hình trồng thảm phủ trên mương đê chống xói mòn rất hay. Đây là một trong những biện pháp thâm canh, chống rửa trôi tầng đất mặt, tạo độ phì cho đất. Chúng tôi sẽ tích cực áp dụng mô hình này”, ông Luyến nói.

Còn bà Trần Thị Thanh Mai – Trưởng Phòng Kỹ thuật Nông nghiệp, Công ty TNHH MTV Cao su Ea H’leo, cho hay qua Hội thảo học hỏi được nhiều vấn đề. “Tôi rất quan tâm tại sao vườn cây thanh lý lại có bộ lá tốt như thế này. Điều này mình phải tìm hiểu. Hơn nữa, tại công ty tôi, cạo miệng cao công nhân phải bắc thang lên cây mới cạo được, rất vất vả. Còn Tây Ninh sử dụng cán cao là ống nhôm, có thể linh hoạt kéo ngắn dài, đứng dưới đất thao tác dễ dàng. Tất cả những vấn đề như vậy, mình sẽ học hỏi và áp dụng tại đơn vị”.

Bài, ảnh: Phan Thắng