Đi trong những cánh rừng cao su xanh tươi chạy dài miên man ở Công ty CPCS Đồng Nai – Kratie (thuộc Tổng Công ty Cao su Đồng Nai), ít ai nghĩ rằng nơi đây từng là vùng đất hoang hóa, vắng bóng người ở. Những nhà sàn kiên cố nằm xen kẽ nhau trong những làng công nhân do công ty đầu tư xây dựng đã cho hình dung về một cuộc sống trù phú, dù tất cả chỉ đang giai đoạn khởi đầu.
Từ trung tâm tỉnh Kratie (Vương quốc Campuchia), chúng tôi đi thêm hơn 150 km qua con đường trục chính đang sửa chữa đầy bụi đỏ mới đến vùng dự án cao su ở xã Oukrieng, huyện Sambo. Ấn tượng duy nhất về vùng đất đi qua là sự nghèo nàn, thỉnh thoảng mới thấy những căn nhà gỗ tạm bợ của người dân quay mặt về đường lộ, sau lưng là những cánh rừng cằn cỗi lưa thưa cây… Nhưng, mọi thứ thay đổi hẳn khi xe bắt đầu đi vào vùng cao su của Công ty CPCS Đồng Nai – Kratie. Nơi đây, màu xanh cao su phủ bất tận. Những hàng cao su thân vạm vỡ, tán xòe rộng vươn lên trời xanh như là sự khẳng định cây cao su bám rễ và trụ vững trên mảnh đất này.
Cùng đi với đoàn chúng tôi qua những con đường dọc ngang như ô bàn cờ trong những lô cao su, Giám đốc Công ty CPCS Đồng Nai – Kratie, ông Ngô Toàn, trầm ngâm nhắc lại những ngày tháng gian khổ năm 2008, khi công ty bắt đầu san ủi mặt bằng và trồng thí điểm những cây cao su đầu tiên. Dự án nằm ở vùng sâu, vùng xa nên ít sử dụng phương tiện cơ giới, chủ yếu làm thủ công. Đó là chưa kể những khó khăn từ khâu tuyển dụng công nhân do dân cư thưa thớt, người địa phương ở Kratie lại chưa quen tập quán canh tác cao su.
Giờ đây, Giám đốc Ngô Toàn có quyền tự hào về những thành quả ban đầu mà tập thể, cán bộ công ty đã giành được. Sau sáu năm đầu tư, công ty đã trồng được gần 6.300 ha cao su sinh trưởng tốt, thân vanh đạt yêu cầu kỹ thuật và hứa hẹn ngày cho dòng “vàng trắng”. Từ vùng đất hoang hóa, dân cư thưa thớt, khu vực này chuyển mình thành vùng đất trù phú, cao su xanh tốt, đời sống gần 1.000 công nhân (chủ yếu là người Campuchia) dần ổn định với thu nhập trung bình khoảng 120 USD/tháng.
Bên cạnh hoạt động sản xuất, công ty còn chú trọng đầu tư xây dựng nhiều công trình thiết thực phục vụ đời sống công nhân và dân cư trong vùng. Vào thăm những căn nhà sàn kiên cố và ấm cúng, xung quanh có vườn tược, cây trái xanh tươi trong những làng công nhân do công ty đầu tư xây dựng mới thấy được những đổi thay căn bản của cuộc sống người dân nơi đây. Hiện, công ty đã xây dựng được 520 nhà ở cho toàn bộ công nhân đang làm việc tại công ty. Cùng với các công trình trường học, trạm y tế, trạm phát điện, sân chơi thể thao, chùa, đường sá, cầu cống…, những khu nhà ở công nhân đã dần lộ diện thành những làng công nhân, giúp công nhân ổn định đời sống và gắn bó làm việc lâu dài cho công ty. Dự kiến năm 2015, Công ty CPCS Đồng Nai – Kratie sẽ đầu tư xây dựng nhà máy chế biến. Năm 2016, công ty sẽ mở cạo khai thác hơn 1.000 ha cao su. Đây sẽ là dấu mốc phát triển quan trọng của công ty trong thời gian tới.
Anh Tuấn. Ảnh: U.K
Related posts:
- Sôi nổi "mùa vàng" Cao su Đồng Nai
- Cao su Kon Tum kết nghĩa với Cao su Nam Giang – Quảng Nam
- Phát triển bền vững trong thập niên mới: Biến thách thức thành cơ hội
- Binh đoàn 15 tôn vinh 92 công nhân ưu tú
- Cao su Bình Long thu nhập trên 9,7 triệu đồng/người/tháng
- Kiểm tra phương tiện Tiểu đoàn Công binh Cao su Đồng Nai
- Cao su Sa Thầy tổ chức nhiều hoạt động chăm lo Tết cho người lao động
- Gỗ Tây Ninh mở rộng thị trường bằng uy tín và chất lượng
- Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh thăm và làm việc với VRG
- Lãnh đạo VRG thăm Tạp chí Cao su trong ngày làm việc đầu năm