Những ngày qua tại Trường Tiểu học Lê Văn Tám (thuộc làng Lung Leng, xã Sa Bình, huyện Sa Thầy, tỉnh Kon Tum) các em học sinh đang quyện vào tiếng cồng, tiếng chiêng với tất cả niềm đam mê say đắm thay vì nhạc hip-hop, nhạc “sóng”.
Còn nhớ cuối năm 2013, đích thân – cô giáo Vũ Thị Hồng Thanh – Hiệu trưởng Trường Tiểu học Lê Văn Tám đã chủ động tìm đến nhà già làng A Kiuh để thưa với già về mở lớp truyền dạy cồng chiêng cho học sinh của trường. “Đêm đêm lo lắng mà không sao ngủ được, hiện nay làng Lung Leng này có tới hai đội cồng chiêng nhưng tất cả đều già lắm rồi! Mấy người già này rồi đây sẽ chết thôi, tụi thanh niên thì lại không thích học đánh cồng chiêng, cứ cái đà này chẳng bao lâu nữa thì lớp trẻ trong làng, trong xã sẽ quên mất cái cồng, cái chiêng thôi… nên khi nghe cô giáo nói dạy cho tụi nhỏ đánh cồng chiêng mình đồng ý liền, có vất vả khổ cực mấy mình cũng ráng vượt qua thôi”, già A Kiuh kể lại.
Để thuyết phục các em tham gia vào đội cồng chiêng, hằng ngày vào giờ ra chơi, cô Thanh cùng với các giáo viên chủ nhiệm đều dành nhiều thời gian tuyên truyền nét đẹp văn hóa đặc sắc của vùng đất Tây Nguyên để các em hiểu và hình dung ra tầm quan trọng của việc bảo tồn văn hóa đặc sắc của người Jơ Rai nói riêng và các dân tộc Tây Nguyên nói chung. Đặc biệt, nhà trường còn khuyến khích bằng cách cộng điểm các môn văn-thể-mỹ cho những em tích cực tham gia học cồng chiêng.
Không có chiêng để học, nhà trường đi mượn bộ cồng chiêng của làng Lung Leng và chọn nhà già làng A Kiuh làm địa điểm luyện tập. Việc luyện tập bây giờ đã đi vào nề nếp, hằng ngày được nhà trường dành một khoảng thời gian luyện tập sau giờ học buổi chiều. Để các em cảm nhận, hiểu về nhịp cồng chiêng buổi ban đầu khó vô cùng, thời gian đầu đa số các em còn rất ngỡ ngàng, đánh chưa đúng vị trí và sai giai điệu, người dạy phải đánh chiêng chậm rãi, làm đi làm lại từng điệu để các em dễ hiểu, dễ nhớ. Về đội múa xoang, với sự chỉ dạy nhiệt tình của các bà, các mẹ trong làng, các em nữ nhanh chóng múa dẻo, nhịp nhàng theo tiếng cồng chiêng.
Chia sẻ với chúng tôi, ông Nguyễn Minh Thuận- Chủ tịch UBND xã Sa Bình – cho biết: “Đây là một sân chơi rất tốt và bổ ích, lành mạnh góp phần bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc trên địa bàn xã. Hiện nay, chúng tôi đang chỉ đạo cán bộ văn hóa thông tin của xã phối hợp với nhà trường tuyên truyền, giúp đỡ để lớp truyền dạy cồng chiêng thành công tốt đẹp”.
Bài, ảnh: Kim Sơn
Related posts:
- Nỗi niềm ca sĩ nhà hàng
- Binh đoàn 15 hưởng ứng Chương trình “Xanh hóa Trường Sa”
- Đôi dòng muốn gởi
- Bảo tồn các nghi lễ đặc trưng của đồng bào dân tộc JRai
- 3 trong 1
- Tác phẩm văn học "được mùa" lên phim
- 55 năm ngã ba Đồng Lộc - Nơi trái tim cả nước hướng về ...
- Mùa săn sâu muồng ở cực Bắc Tây Nguyên
- Hội diễn Khu vực I – Hà Giang rực rỡ sắc màu
- "Nghề Review" - làn sóng mới của Gen Z